Vốn ngoại đổ vào Việt Nam tăng kỷ lục

Vạn Xuân |

Tính đến ngày 20/3, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,8 tỷ USD, tăng 86,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), FDI quý I năm 2019 đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ trong vòng 3 năm trở lại đây (năm 2016 đạt 4,03 tỷ USD, năm 2017 đạt 7,71 tỷ USD và năm 2018 đạt 5,8 tỷ USD).

Tính đến ngày 20/3/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 10,8 tỷ USD, tăng 86,2% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài phần điều chỉnh vốn giảm hơn so với cùng kỳ thì vốn đầu tư vẫn tăng mạnh ở 2 hợp phần cấp mới và góp vốn mua cổ phần.

Cụ thể, cả nước có 785 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 3,82 tỷ USD, tăng 80,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Về điều chỉnh vốn, có 279 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 1,3 tỷ USD, bằng 72,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Mặc dù số lượt dự án điều chỉnh vốn tăng mạnh (40,2%) nhưng quy mô vốn điều chỉnh nhỏ, bình quân 4,65 triệu USD/lượt điều chỉnh, nhỏ hơn nhiều so với quy mô vốn điều chỉnh cùng kỳ năm 2018 (8,99 triệu USD/lượt điều chỉnh).

Số lượt dự án điều chỉnh vốn lớn trong Quý I năm 2019 cũng rất ít, có 1 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn lớn (110 triệu USD). Trong khi Quý I năm 2018 có tới 5 trường hợp có vốn đầu tư tăng thêm từ 100-500 triệu USD, chiếm 55% tổng vốn đầu tư tăng thêm của cả Quý.

Cũng trong Quý I năm 2019, cả nước có 1.653 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị vốn góp 5,68 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 52,6% tổng vốn đăng ký.

Trong Quý I năm 2019, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 4,12 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 8,4 tỷ USD, chiếm 77,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 778,2 triệu USD, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với tổng vốn đầu tư đăng ký 383,2 triệu USD, chiếm 3,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo đối tác đầu tư, đã có 74 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,4 tỷ USD, chiếm 40,7% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,46 USD, chiếm 13,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Hàn Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,3 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc, Nhật Bản lần lượt xếp vị trí thứ tư và thứ năm với tổng vốn đăng ký 1 tỷ USD và 700 triệu USD.

Theo địa bàn đầu tư, nhà ĐTNN đã đầu tư vào 49 tỉnh, thành phố, trong đó Hà Nội thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng số vốn đăng ký hơn 4,15 tỷ USD, chiếm 38,4% tổng vốn đầu tư.

Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký hơn 1,57 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 625,6 triệu USD chiếm 5,8% tổng vốn đầu tư.

Trước đó, cuối tháng 2 vừa qua, Hội nghị Thượng định Mỹ - Triều lần thứ 2 đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện này được đánh giá sẽ giúp quảng bá hình ảnh đất nước yêu chuộng hòa bình của Việt Nam ra toàn thế giới và được kỳ vọng sẽ thu hút doanh nghiệp nước ngoài đổ vốn vào Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại