Trong cuộc khảo sát của Bankrate năm 2021, 64% chủ sở hữu nhà ở Mỹ từ 25-40 tuổi cho biết họ hối tiếc ít nhất 1 điều về việc mua nhà của mình.Chi phí bảo trì và các loại chi phí liên quan đến ngôi nhà là điều họ hối tiếc nhất, tiếp đến là kích thước hoặc vị trí ngôi nhà. Nhiều người khác cũng cho biết giá hoặc lãi suất vay để mua nhà quá cao.
Dưới đây là chia sẻ của một số người mua nhà về hối tiếc lớn nhất của họ sau khi sở hữu căn nhà đầu tiên.
Mua nhà khi chưa sẵn sàng
Một thạc sĩ 32 tuổi ở California (Mỹ) chia sẻ với tờ The Atlantic rằng anh rất hối hận khi mua nhà quá sớm ở tuổi 27. “Vợ chồng tôi có thu nhập sau thuế 100.000 USD (tương đương 2,3 tỷ đồng/năm), đều có bằng thạc sĩ. Vợ tôi kinh doanh riêng còn tôi cũng có công việc ổn định. Chúng tôi có đủ khả năng trả ⅓ chi phí cho ngôi nhà 3 phòng ngủ hơn 100m2 nhưng chúng tôi vẫn ước gì mình chưa từng mua nhà”, người đàn ông này cho biết.
Thạc sĩ Mỹ chia sẻ rằng họ bị ràng buộc khi sống tại một khu vực quá đắt đỏ nên buộc phải làm việc nhiều hơn thay vì dành nhiều thời gian cho con cái. Bên cạnh đó là sức ép từ các chi phí phát sinh và bảo trì trong khi họ luôn trong tâm trạng lo lắng vì tỷ lệ thất nghiệp cao, lương không tăng.
“Người mua nhà trẻ như vợ chồng tôi không tính toán được tất cả những chi phí cần thiết. Và khi có thêm con, căn nhà trở nên quá chật chội. Vậy nên tôi khuyên bạn bè và đồng nghiệp của mình hãy nghĩ xem mình muốn ở đâu trong 15-20 năm nữa, ở thành phố hay nông thôn, có thêm con hay không? Việc mua nhà sẽ ảnh hưởng thế nào đến tài chính của bạn bây giờ và tương lai?”, thạc sĩ 32 tuổi nói.
Ảnh minh hoạ
“Mua nhà online”
Cô gái trẻ Carmel Young, 28 tuổi quyết định mua ngôi nhà đầu tiên của mình ở tiểu bang Oklahoma. Thời điểm đó cô vẫn sống và làm việc tại một start-up ở Thái Lan nên đã “xem nhà online” qua ảnh và video từ người môi giới. Young nhờ bố đến xem và kiểm tra nhà nhưng cô vẫn hối hận vì không trực tiếp đến đó ít nhất 1 lần trước khi “chốt đơn”.
“Tôi muốn mua thật nhanh để căn nhà này không rơi vào tay người khác. Thế nhưng sau đó tôi nhận ra có rất nhiều điều không được người bán hay người môi giới đề cập. Vấn đề lớn nhất là ngôi nhà này có mùi lạ, dù sao nó cũng đã quá cũ”, Carmel Young cho biết.
Young chia sẻ cô phải chi thêm khoảng 20.000 USD (gần 470 triệu đồng) để thay nhiều thiết bị đã cũ trong căn nhà như máy rửa bát, điều hoà đã cũ, cửa ra vào và cả những cửa sổ bằng gỗ mục không thể mở được. Điều duy nhất an ủi cô gái trẻ là sau khi cải tạo, mùi lạ trong căn nhà gần như biến mất.
Mua chung cư giá cao để hưởng tiện ích nhưng không bao giờ dùng
Daniel Chen, 32 tuổi ở Singapore quyết định mua căn hộ đầu tiên của mình vì khuôn viên có nhiều tiện ích giống resort. “Tôi đã nghĩ mỗi ngày của mình sẽ bắt đầu bằng việc đi bơi buổi sáng, tập gym, sau đó nhâm nhi đồ uống bên bể bơi giống giới thượng lưu. Vậy nên tôi không cảm thấy e ngại khi giá dịch vụ của nó cao hơn các căn chung cư tôi từng xem. Tuy vậy, tôi đã phải từ bỏ ý định mua ô tô để có thể sở hữu căn hộ này”, Chen cho biết.
Tiện ích trong khuôn viên chung cư nhà anh Chen. Ảnh: StackedHomes
Thế nhưng trên thực tế, vì công việc bận rộn nên Chen chỉ sử dụng phòng gym 2 lần và thậm chí chưa từng đi bơi. “Tôi từng phấn khích trước những quảng cáo về tiện ích chung cư nhưng sau đó tôi chẳng có thời gian và hứng thú để sử dụng. Giá như tôi để tiền mua chiếc xe”, chàng trai này chia sẻ.
Theo công ty bất động sản StackedHomes (Singapore), nhiều khách hàng có xu hướng nghĩ về lối sống họ mơ ước thay vì chọn căn hộ phù hợp với cuộc sống thực sự của họ. Hãy cân nhắc các khoản phí cho dịch vụ tiện ích vì nếu bạn không có nhu cầu sử dụng chúng, đó sẽ là sự lãng phí không nhỏ.
Mua nhà cũ giá hời nhưng gặp vấn đề với hàng xóm
Người đàn ông Jay Lim ở Singapore đã mua 1 căn hộ cũ vào năm 2020 với mức giá 1,33 triệu SGD (tương đương 23 tỷ đồng). Thời điểm mua nhà, Lim không có nhiều yêu cầu phức tạp, anh chỉ cần nhà gần ga để đi tàu điện ngầm đi làm và đây là một trong những căn hộ hợp túi tiền nhất mà Lim có thể tìm thấy.
Nhưng chỉ một tháng sau, Lim phát hiện những chỗ phình ra trên trần nhà và những vết bẩn màu nâu xung quanh đèn trần. Gọi điện cho quản lý toà nhà, Lim nhận được câu trả lời là nguyên dân do nước thải căn hộ phía trên bị rò rỉ vào phòng khách của anh.
Rò rỉ nước từ căn hộ bên trên khiến anh Lim rắc rối. Ảnh: StackedHomes
“Sửa chữa là một cơn ác mộng vì người thuê căn hộ đó vắng nhà, chủ nhà thì luôn né tránh những cuộc gọi của tôi, tìm cách trốn tránh trách nhiệm”, Lim kể lại. Ban quản lý chung cư khẳng định họ không thể làm gì để giúp đỡ vì đó là vấn đề của người ở.
Chỉ sau khi Lim gửi thư đến luật sư của chủ căn nhà bên trên, người hàng xóm mới chịu sửa chỗ rò rỉ. Đến lúc này thì Lim đã phải chịu đựng vài tháng với những chiếc xô vương vãi khắp nhà. Giờ Lim đã hiểu vì sao chủ nhà trước sốt sắng bán cho anh với giá tốt như vậy đó là bởi các căn hộ cũ luôn có nhiều vấn đề về bảo trì mà chỉ xem nhà vài lần rất khó nhận ra.
Chính vì vậy, để tránh tối đa sự hối tiếc sau khi mua nhà, Mark Hamrick, nhà phân tích kinh tế cao cấp của Bankrate khuyên những người mua nhà nên tiết kiệm một khoản tiền lớn để dự trù cho những rủi ro sau khi mua nhà. Đồng thời hãy kiên nhẫn kiểm tra thật kỹ căn nhà bạn dự định mua. Nếu phát hiện vấn đề khó khắc phục thì dù đã đặt cọc, bạn vẫn nên cân nhắc lại quyết định mua của mình để tránh mất nhiều tiền hơn trong tương lai.
Danetha Doe, chuyên gia kinh tế tại công ty Clever Real Estate nhấn mạnh phần lớn sự thành công của việc mua nhà của bạn sẽ phụ thuộc người môi giới. Vậy nên việc lựa chọn một người môi giới giỏi, đáng tin cậy, có thể giải đáp mọi thắc mắc nhanh chóng cũng là yếu tố đáng chú ý trong hành trình mua nhà của bạn.
Theo BI, CNBC, StackedHomes