Với Tổng thống Trump, Saudi Arabia là lợi ích kinh tế?

Hồng Anh |

Tổng thống Mỹ Trump cho rằng các giao dịch mua bán vũ khí với Saudi Arabia đã giúp thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế Mỹ.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói về quan hệ đồng minh giữa Mỹ với Saudi Arabia, ông hiếm khi đề cập đến vai trò của Riyadh trong việc hỗ trợ Mỹ đạt được các mục tiêu tại Trung Đông như kiềm chế sự ảnh hưởng của Iran, thúc đẩy tiến trình hòa bình Israel-Palestine và đánh bại chủ nghĩa khủng bố.

Thay vào đó, nhà lãnh đạo Mỹ thường nói đến số tiền mà Saudi Arabia đã bỏ ra trong các giao dịch với Mỹ.

Chẳng vậy mà ông Trump đã lên tiếng bênh vực Saudi Arabia trước kết luận của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho rằng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman là người đã ra lệnh sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Phát biểu với báo chí cuối tuần qua, Tổng thống Trump nói: “Họ đã cho chúng ta rất nhiều công việc. Họ cho chúng ta rất nhiều giao dịch kinh doanh. Họ là một đồng minh tuyệt vời trong lĩnh vực việc làm và phát triển kinh tế. Bạn biết đấy, tôi là Tổng thống và tôi phải xem xét nhiều thứ”.

Ông Trump có lẽ đã không tập trung nhiều vào sự hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố và sự hỗ trợ của Saudi Arabia đối với các mục tiêu chiến lược của Mỹ - vốn được coi là những vấn đề cốt lõi trong quan hệ Mỹ-Saudi Arabia dưới thời các chính phủ tiền nhiệm, mà quan tâm đến khía cạnh kinh tế nhiều hơn.

Mặc dù chính quyền Tổng thống Donald Trump cam kết “trừng phạt” những kẻ gây ra cái chết của nhà báo Khashoggi nhưng vẫn cho rằng cần bảo vệ các lợi ích chiến lược quan trọng mà Mỹ đã duy trì cùng với Riyadh suốt thời gian qua.

Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Saudi Arabia đã đóng một vai trò rõ ràng trong việc thay đổi hành vi của Iran - mà Mỹ cáo buộc là quốc gia tài trợ khủng bố lớn nhất trên thế giới.

Ngay cả khi liên minh lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ cáo buộc Thái tử Mohammed chịu trách nhiệm về cái chết của nhà báo Khashoggi, đồng thời yêu cầu áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với nhân vật này, thì một số quan chức Mỹ cùng nhiều chuyên gia trong khu vực đều cho rằng những lợi ích chung và sự hợp tác sâu rộng giữa các bên sẽ đảm bảo cho quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Saudi Arabia luôn tồn tại.

Nếu chính quyền ông Trump thực thi “những hành động mạnh tay” đối với Saudi Arabia, thì Riyadh chắc chắn sẽ thấy cần phải đáp trả bằng cách này hay cách khác, nhưng dẫu sao họ cũng không muốn chọn cách gây leo thang căng thẳng”, một cựu quan chức tình báo giấu tên của Mỹ cho biết.

“Saudi Arabia có thể sẽ dừng hỗ trợ Mỹ trên thị trường dầu mỏ, hay ký kết các hợp đồng mua bán vũ khí lớn với Nga hoặc Trung Quốc…”.

Bên cạnh đó, việc trao đổi thông tin tình báo giữa hai quốc gia cũng sẽ đối mặt với nhiều áp lực, song không bị ngắt quãng. Cựu quan chức nêu trên cho biết: “Điều xảy ra trong mọi trường hợp tôi có thể nghĩ đến là dù quan hệ chính trị có đang trong giai đoạn thử thách thì việc hợp tác, trao đổi thông tin tình báo vẫn được giữ nguyên vì nó quá quan trọng đối với cả hai nước”.

Nhiều nhà phân tích khác lại cho rằng, ngay cả khi quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia bị rạn nứt nghiêm trọng thì hậu quả cũng không đáng ngại bởi các giao dịch tài chính và quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai bên đều không mang tính “thực chất” như những gì được thể hiện bên ngoài.

Trên thực tế, dù vô tình hay cố ý Saudi Arabia đã thực hiện nhiều hành động cản trở Mỹ hiện thực hóa các mục tiêu tại Trung Đông.

Mâu thuẫn về tiến trình hòa bình Trung Đông

Jared Kushner, con rể kiêm cố vấn của Tổng thống Trump đã gây dựng mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với Thái tử Mohammed (MbS) với hy vọng rằng MbS sẽ dẫn đầu thế giới Arab thiết lập quan hệ hòa giải với Israel – điều không có lợi cho Palestine.

Tổng thống Donald Trump cũng thực hiện những bước đi theo đường lối đó với việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và cắt viện trợ của Mỹ dành cho Palestine. Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo khác trong khối Arab đã coi hy vọng nêu trên là sự ảo tưởng, đồng thời cảnh báo rằng việc Mỹ cắt viện trợ cho Palestine sẽ làm dấy lên làn sóng phẫn nộ.

Quốc vương Salman có thể để con trai mình – Thái tử Mohammed tự quyết định hầu hết các vấn đề đối ngoại của Saudi Arabia, nhưng ông luôn khẳng định quan điểm rõ ràng về tiến trình hòa bình Trung Đông.

Trong bài phát biểu thường niên tại Hội đồng Cố vấn Shura, Quốc vương Salman nêu rõ: “Người Palestine luôn là mối quan tâm chính của chúng tôi và sẽ luôn như vậy chừng nào hai bên là anh em bằng hữu. Nhân dân Palestine cần được hưởng mọi quyền lợi hợp pháp của họ, đặc biệt thành lập một nhà nước độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem”.

Vụ Khashoggi có làm tan mộng lập Liên minh NATO-Arab của ông Trump? VOV.VN - Chiến lược của Tổng thống Mỹ Trump hình thành liên minh NATO-Arab tiếp tục vấp phải trở ngại mới, sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Mâu thuẫn về Iran

Ông Anne Patterson – cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề Trung Đông dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama cho rằng cả chính quyền Tổng thống Trump và các nhà cầm quyền tại Riyadh đều coi Iran là mối đe dọa lớn nhất trong khu vực.

Song nhiều nhà phân tích cho rằng, Saudi Arabia vẫn muốn níu chân Mỹ khi nước này đang thực hiện các biện pháp kiềm chế ảnh hưởng của Iran.

Trong khi chính quyền Tổng thống Donald Trump có kế hoạch thành lập Liên minh chiến lược Trung Đông (MESA) mà báo chí quốc tế gọi là liên minh “NATO-Arab” nhằm mục đích tập hợp và gắn kết chính phủ các nước Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait, Qatar, Oman, Bahrain vào một hiệp ước về an ninh, kinh tế, chính trị do Mỹ dẫn đầu chống lại Iran, thì Saudi Arabia đã làm lu mờ triển vọng này.

Năm 2017, Saudi Arabia cùng 3 nước đồng minh vùng Vịnh đã thực hiện chiến dịch cô lập ngoại giao và kinh tế với Qatar. Chừng nào cuộc khủng hoảng ngoại giao này chưa được giải quyết thì chừng đó việc thành lập liên minh NATO-Arab vẫn chưa thực hiện được.

Bên cạnh đó, chiến dịch tấn công phiến quân Houthi tại Yemen do Saudi Arabia dẫn đầu cũng đang cho thấy sự thiếu hiệu quả. Thay vì lên án việc Iran ủng hộ phiến quân Houthi, làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế đang hướng vào các cuộc không kích của Saudia Arabia tại Yemen với cáo buộc sự can thiệp này đã khiến hàng nghìn người dân thiệt mạng gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Phía Mỹ cũng chịu vạ lây vì đã hỗ trợ hậu cần và chia sẻ thông tin tình báo cho Saudi Arabia trong chiến dịch này. Sự chỉ trích ngày càng bùng lên dữ dội trong công chúng và quốc hội Mỹ, đặc biệt sau vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại.

Giao dịch vũ khí có phải mục đích cốt lõi?

Báo cáo của tác giả William Hartung, thuộc Trung tâm Chính sách Quốc tế (CIP) có trụ sở tại Mỹ ngày 20/11 cho biết, tăng trưởng kinh tế từ việc bán vũ khí cho Saudi Arabia mà Tổng thống Trump đề cập ở trên chỉ chiếm một phần nhỏ.

Mặc dù ông Trump tuyên bố đã ký thỏa thuận bán vũ khí cho Saudi Arabia trị giá 110 tỷ USD trong chuyến thăm nước này vào năm 2017, nhưng phần lớn thỏa thuận này đã được đàm phán dưới thời cựu Tổng thống Obama và nhiều giao dịch mới chỉ dừng ở thỏa thuận. Doanh thu từ việc bán vũ khí kể từ khi ông Trump lên nắm quyền đến nay mới ở mức 14,5 tỷ USD.

Bên cạnh đó, việc bán vũ khí cho Saudi Arabia góp phần tạo ra công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người tại Mỹ, chứ không phải hàng trăm nghìn, thậm chí 1 triệu người như ông Trump nói, ông Hartung- chuyên gia nghiên cứu các giao dịch vũ khí cho biết.

Nhà phân tích này cho biết, một điểm đáng lưu ý nữa là, không phải Mỹ, Saudi Arabia mới là bên được hưởng lợi nhiều hơn từ tăng trưởng việc làm được tạo ra từ các giao dịch mua bán vũ khí giữa hai nước.

Theo kế hoạch Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia về các chương trình cải cách kinh tế và xã hội do Thái tử Mohammed đề xuất, tất cả các hợp đồng phải bao gồm điều khoản quy định hai bên cùng hợp tác sản xuất, trong đó các tập đoàn lớn của Mỹ như Raytheon hay Boeing phải thành lập nhà máy sản xuất tại Saudi Arabia./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại