"VOG" là gì?
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1971, khi Quân đội Liên Xô chính thức đưa súng phóng lựu tự động AGS-17 "Plamya" vào trang bị.
Loại đạn phóng lựu phân mảnh tiêu chuẩn của súng là VOG-17A/17M và với việc được sử dụng tích cực trong chiến đấu, loại đạn này (cùng với VOG-30A/D của AGS-30) đã trở nên rất phổ biến với cái tên "VOG" (viết tắt tiếng Nga của "Đạn súng phóng lựu phân mảnh").
Và theo thời gian, người ta đã tìm ra các ứng dụng mới của "VOG" vượt xa thiết kế ban đầu.
Nhưng trước tiên chúng ta cần quay trở lại các thông số kỹ chiến thuật của AGS-17 và VOG-17.
Là vũ khí yểm trợ bộ binh hạng nặng, AGS-17 được gắn trên giá 3 chân hoặc trên các phương tiện chiến đấu và sử dụng loại lựu đạn 30 x 29 mm được đặt trong hộp tiếp đạn gắn với súng và có cơ số 30 quả.
Xạ thủ có thể khai hỏa từng loạt với tốc độ bắn lên tới 350-400 phát/phút tới các mục tiêu ở khoảng cách lên tới 1,5-1,7 km. Phiên bản trên giá 3 chân nặng 31 kg thường được triển khai bởi một đội gồm 2-3 người.
VOG-17 bao gồm một ngòi nổ, đầu đạn phân mảnh và một vỏ đạn chứa liều phóng với chiều dài 132 mm và trọng lượng 350 g.
Thành phần quan trọng nhất của VOG-17 là đầu đạn hình nón cụt dài 113 mm và nặng 280 g. Bên trong lớp vỏ mỏng là một dây kim loại xoắn ốc có khía để khi khối chất nổ A-IX-1 nặng 36 g bên trong kích nổ, nó sẽ tạo thành các phân mảnh gây sát thương.
Ngòi nổ loại VMG hoặc VMG-M được lắp ở đầu lựu đạn, nó đi cùng cơ chế kích hoạt khi di chuyển xa từ 50 đến 60 mét so với súng phóng lựu và sau đó việc kích nổ sẽ xảy ra do va chạm.
Ở phiên bản hiện đại hóa VMG-M, ngòi nổ được bổ sung cơ chế tự hủy trong vòng 25 giây sau khi khai hỏa.
Liều phóng dạng bột nằm trong vỏ đạn dài 28 mm, đường kính hơn 30 mm sẽ giúp tốc độ ban đầu của lựu đạn đạt mức 185 mét/giây.
Khi VOG-17 phát nổ, sóng xung kích sẽ không vượt quá 1 đến 1,2 mét nhưng bán kính sát thương của các phân mảnh lên tới 7 mét và năng lượng đi cùng chúng đủ để vô hiệu hóa nhân lực và khí tài không bọc thép.
Từ Afghanistan, Chechnya
Trong những năm đầu sau khi được Quân đội Liên Xô đưa vào trang bị, "Plamya" chỉ xuất hiện trong các cuộc tập trận. Tuy nhiên, kể từ khi Chiến tranh Liên Xô - Afghanistan nổ ra năm 1979, chúng đã được sử dụng tích cực trên chiến trường quốc gia Trung Á.
AGS-17 cũng được sử dụng tích cực ở Chechnya và những năm 1990 và 2000 với vai trò yểm trợ hỏa lực quan trọng cho bộ binh. Chúng chủ yếu được khai hỏa vào các ổ đề kháng của đối phương (cả ở không gian trống lẫn trong các tòa nhà).
VOG-17 đã được sửa đổi nhiều lần và vào những năm 1980, súng AGS-30 và đạn VOG-30 cũng đã được phát triển để giữa những năm 1990, chúng chính thức được Quân đội Nga đưa vào trang bị.
AGS-30 có thể sử dụng toàn bộ dòng đạn 30 mm từ AGS-17 bao gồm VOG-17 và mặc dù có một số khác biệt về thiết kế và tính năng, AGS-30 được lính Nga sử dụng theo cách tương tự người tiền nhiệm.
Vào năm 1980, AGS-17A hay AP-30 "Plamya-A" đã được đưa lên máy bay Liên Xô, biến thể này có hệ thống cò điện, nòng mới và một số cải tiến khác.
Việc có mặt thường xuyên trên chiến trường khiến những cách sử dụng VOG-17 khác tiêu chuẩn xuất hiện. Ví dụ như vào những năm 1990, người Chechnya phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược và đã tìm ra giải pháp với VOG-17.
Và họ đã chế tạo ra một loại lựu đạn được gọi là "Khattabka" bằng cách đưa ngòi nổ UZRG của lựu đạn cầm tay lên VOG-17.
Mặc dù VOG-17 có những khác biệt đáng kể với các lựu đạn cầm tay F-1 hoặc RGD-5 của Liên Xô và thực tế "Khattabka" không có ưu điểm nào hơn so với các loại lựu đạn này nhưng chúng có thể là một lựa chọn khi không có gì thay thế.
Thậm chí trong một số trường hợp, lực lượng Nga cũng đã phải sử dụng "Khattabka".
Tới Ukraine
Trong Chiến dịch quân sự đặc biệt (SMO) hiện vẫn đang tiếp diễn ở Ukraine, không khó để nhận thấy các loại Drone (máy bay không người lái hạng nhẹ) đã dần trở nên phổ biến.
Chúng được sử dụng như phương tiện trinh sát trên không và sau một số sửa đổi - trở thành cường kích siêu nhẹ. Điều đặc biệt là "VOG" (cả nguyên bản lẫn sửa đổi) trở thành lựa chọn hàng đầu về hỏa lực cho các phương tiện này.
Để tăng độ chính xác, một cánh đuôi thường được in 3D đã được bổ sung cho lựu đạn.
Việc trang bị "VOG" với Drone hoặc thậm chí là UAV (Máy bay không người lái hạng trung hoặc nặng) đi cùng một số ưu điểm.
Đó là gia tăng tầm chiến đấu, khả năng bay lượn của Drone/UAV cũng giúp cải thiện đáng kể độ chính xác. Tuy nhiên cách làm này cũng có nhược điểm đó là Drone thường có tải trọng hạn chế và thường xuyên phải quay lại điểm xuất phát để nạp đạn.
Nhưng từ những gì đã đang và sẽ diễn ra, chúng ta vẫn có thể tạm kết luận rằng mặc dù "VOG" được chế tạo cho một loại vũ khí cụ thể và chỉ được sử dụng cho một ứng dụng cụ thể trong nhiều thập kỷ nhưng mọi thứ đã thay đổi.
Và vì lý do này hay lý do khác, "VOG" bắt đầu và bắt buộc được sử dụng trong những "vai diễn" mới bao gồm lựu đạn cầm tay và hỏa lực chính cho Drone.
Và chúng cho thấy khả năng và tiềm năng chung của loại súng phóng lựu không phải mới nhất nhưng vẫn đang thành công.
Hoài Giang