Mấy ngày nay, người ta ồn ào bàn luận, người ta đưa ra ý kiến và khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình rồi họ lại gào lên với nhau: "Bao giờ thì cái vụ ly hôn nghìn tỷ này mới kết thúc?".
Người trong cuộc như vợ chồng cà phê Trung Nguyên vẫn cứ "giao tranh" bất phân thắng bại, còn những người ngoài cuộc lại được thể luận bàn đạo lý, lẽ sống, cái sự đời.
Thế nhưng có mấy ai hiểu được, đích cuối cùng mà ai cũng cần hướng đến lại không phải là tiền.
Sáng nay tôi có đọc được 1 bài báo nhắc lại chuyện tình yêu đồng cam cộng khổ của ông Nguyên Vũ và bà Diệp Thảo.
Nó đẹp một cách đúng nghĩa, không vấy bụi trần, không toan tính, tham vọng. Đến khi họ bước vào cuộc sống hôn nhân, họ cùng có với nhau những đứa con, thật sự rất đáng ngưỡng mộ.
Tôi chợt nhớ đến chuyện tình của cặp vợ chồng tỷ phú Jack Ma , họ cũng từng có tình yêu đẹp như ông vua cà phê của chúng ta, cùng sát cánh bên nhau những ngày đầu khởi nghiệp.
Vợ chồng tỷ phú Jack Ma thời trẻ.
Nếu 1 anh chàng sinh viên Mã Vân (tên thật của Jack Ma) từ bỏ cả sự nghiệp giáo viên để theo đuổi đam mê kinh doanh thì cậu sinh viên trường Y Đặng Lê Nguyên Vũ cũng cháy hết mình vì nhiệt huyết với cà phê như thế.
Nếu Trương Anh - vợ tỷ phú Jack Ma không ngại khó, ngại khổ sẵn sàng làm chân chạy vặt, làm tài xế, làm kế toán cho chồng thì bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng chật vật với việc chăm sóc 4 đứa con, lại phụ tá việc kinh doanh cùng chồng.
Họ cùng là những người từ nghèo khó mà đi lên, họ cùng là những người dùng trí óc, sự nỗ lực và tình yêu để đạt được 1 thành quả lớn lao nhất. Nhưng rồi, 2 cái kết của mỗi cặp vợ chồng ấy lại hoàn toàn khác nhau.
Tôi cũng là phụ nữ, cũng kinh doanh cùng chồng để tạo nên 1 thương hiệu nho nhỏ nhưng tôi lại chọn cách làm của Trương Anh.
Một Trương Anh sẵn sàng bỏ việc giáo viên ổn định để lăn lộn cùng chồng, một Trương Anh không ngại làm đủ mọi việc những ngày đầu chồng khởi nghiệp khó khăn.
Hợp đồng lớn đầu tiên cũng do cô ấy giao dịch mà mang về, nhưng rồi khi thương hiệu đã lớn, công ty đã vững mạnh, thì Trương Anh “siêu nhân” của năm đó đã thốt lên: “Ông ấy lừa tôi” khi Jack Ma khuyên bà lui về hậu trường chăm đứa con bị bỏ bê lâu ngày.
Ai mà chẳng có chút chạnh lòng, khi bỏ ra bao công sức mới được ngồi vào cái ghế danh giá thì lại bị chồng mình “hất” ra.
Nhưng điều đó không có nghĩa là Jack Ma phụ bạc hay Trương Anh hờn trách chồng, 2 người họ đều là tự nguyện, tự hiểu nhau, tự chấp nhận hi sinh vì cái lợi ích lớn, về đứa con là của để dành quý giá nhất sau này.
Tôi đã từng khổ sở như cô Trương Anh năm ấy, cố gắng không ngừng nghỉ, chạy vạy khắp nơi để lo giấy tờ, thủ tục, giải quyết khâu đầu ra, đầu vào rồi vẫn phải quán xuyến việc nhà.
Đã có những lúc tôi stress nặng nề, tôi cáu gắt với chồng con, tôi muốn buông xuôi tất cả.
Nhưng rồi tôi may mắn vì có chồng luôn bên cạnh, và tôi tự nguyện lui về phía sau khi sự cố gắng của mình đã được minh chứng. Cho đến giờ tôi vẫn hài lòng với cuộc sống của mình, tự do, tự tại, mỗi ngày thanh thản, an yên.
Nói vậy không có nghĩa tôi phản đối với việc làm của bà Thảo. Mỗi người phụ nữ mỗi hoàn cảnh, mỗi suy nghĩ, định hướng phấn đấu khác nhau.
Nhất là với những phụ nữ hiện đại, tư tưởng mạnh mẽ, việc đấu tranh đòi quyền lợi khi tình cảm đã hết không phải là điều sai. Nhưng sau cùng, có ai biết chính xác ngoài tiền ra, thứ mà mình nhận được sẽ là gì?
Và trong tâm mình có thật thoải mái với những điều có được ấy, cuộc sống có tốt hơn, có nhẹ nhàng hơn hay ngày nào cũng quẩn quanh với những bộn bề công việc đè nặng quá sức gồng của 1 người phụ nữ?
Vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên.
Đàn bà lấy chồng cũng chỉ là tìm cho mình 1 người đàn ông tốt để có thể nương tựa cả đời, nhưng chồng nghèo thì trách đàn ông vô dụng, đến lúc giàu lại bảo 1 mình cô đơn.
Thế nên mọi thứ chỉ nên ở mức độ vừa và đủ mới là hạnh phúc.
Ấy là sự công bằng trong đối đãi vợ chồng, là cách cân bằng giữa chuyện tình cảm và kinh tế, là mức thăng bằng tốt nhất cho cảm xúc của 1 cuộc hôn nhân.
Ví như chị Thảo, giả dụ chị được chia toàn bộ những thứ mình mong muốn chị có đảm bảo rằng cuộc sống sau này sẽ êm ấm và trọn vẹn?
Con người mà, chưa có thì ước ao, có rồi lại muốn có thêm, có thêm nhiều nữa nhưng đến khi áp lực mệt mỏi quá lại muốn tung hê tất cả. Mỗi người sẽ tự mãn với mong muốn của mình 1 cách khác nhau.
Người thì chỉ cần tiền là thấy cuộc sống tươi đẹp rồi. Người lại cần được bên những người mình yêu thương 1 cách bình yên nhất, ngày làm 8 tiếng, tối về quây quần bên chồng con, đủ ăn đủ mặc, chẳng cần lo nghĩ quá nhiều.
Nhưng có những người thời gian mà họ nghĩ rằng mình sẽ hài lòng với điều gì nhất cũng chẳng còn, bởi ngày họ được sống chỉ đang đếm trên đầu ngón tay. Lúc ấy mới biết, cái gì rồi cũng trở thành phù du hết.
Trên đời này, không mấy đàn ông thấu được những đau đáu, dằn vặt trong lòng vợ, còn đàn bà lại hiếm khi thấy bàn tay chồng nhiều vết chai sạn, vầng trán chồng đã hằn đậm những nếp nhăn.
Nhất là với những người coi công việc là niềm đam mê, kinh doanh là lẽ sống, thương hiệu là linh hồn như ông Vũ, bà Thảo thì họ lại càng chẳng có thời gian để cảm nhận được sự thay đổi của nhau, từ hình thức bên ngoài đến sâu thẳm tâm hồn bên trong.
Và rồi, điều đáng tiếc nhất là cùng nắm tay ngày gian khó nhưng lại chẳng thể chung tiếng nói lúc thái bình.
Tôi cứ nhớ những hình ảnh ông Vũ trong phiên tòa, điều gì đã khiến ông rằn lên từng chữ, khẳng định vợ mình tham lam "phá Trung Nguyên".
Người đứng ngoài cuộc như tôi thì không thể hiểu nguyên do của sự phẫn uất đó nhưng là 1 người phụ nữ, tôi thấy rõ sự oán hận hằn lên mắt ông Vũ, sự trách móc trong cái đấu tranh quyết liệt đang bị bao người "ném đá" của bà Thảo.
Tình yêu đẹp đẽ năm xưa của họ hết thật rồi, không còn đến 1 chút con con.
Giá mà bà Thảo có thể dẹp bỏ những tham vọng khẳng định bản thân để trở thành "bà hoàng" của gia đình, tôi nghĩ có lẽ sẽ không có phiên tòa ngày hôm nay.
Bà là người phụ nữ giỏi giang, bản lĩnh, dù có đứng đầu Trung Nguyên hay đứng thứ mấy và thậm chí ra khỏi Trung Nguyên thì bà vẫn là 1 doanh nhân có tiếng, tài năng được nhiều người công nhận.
Giống như cách người ta sẵn sàng xin lỗi đối phương dù bản thân không phải kẻ sai, vì thứ người ta coi trọng là mối quan hệ ấy, là những tình nghĩa bấy lâu cùng nhau vun đắp.
Đàn bà chấp nhận lùi về phía sau chồng không phải 1 sự thua cuộc, rằng người ngoài sẽ đánh giá mình hèn kém, ăn bám chồng.
Là "hậu trường" của chồng nhưng vẫn độc lập, tự chủ ở mức vừa phải, không quá lấn át chồng, lại chẳng hề nhu nhược, đấy là sự lui về 1 cách khôn ngoan, chứng tỏ người phụ nữ ấy thật sự trân trọng cuộc hôn nhân đang có, tự biết điều gì sẽ mang lại hạnh phúc trọn vẹn cho mình.
Chỉ cần người phụ nữ nào cũng chấp nhận làm Trương Anh, tôi tin mọi đàn ông đều có thể trở thành Jack Ma, không thể là tỷ phú của thế giới cũng sẽ là tỷ phú trong gia đình, với 1 tài sản vô giá chẳng đo đếm được bằng tiền.
-Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả-