Vỡ trận buýt nhanh sau 4 năm vận hành

Nhóm PV Thời sự |

Trước việc các sở ngành Hà Nội đang triển khai thêm 8 tuyến BRT mới, nhiều ý kiến cho rằng cần đánh giá kỹ hiệu quả của xe buýt BRT, tạm dừng việc mở rộng.

Sau 4 năm hoạt động, buýt nhanh BRT vẫn chưa đạt mục tiêu ảnh: như ý

Sau 4 năm hoạt động, buýt nhanh BRT vẫn chưa đạt mục tiêu ảnh: như ý

Hàng loạt hệ lụy

Là một trong những người được mời cho ý kiến chuyên môn để triển khai dự án tuyến BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa, GS.TS Từ Sỹ Sùa (Đại học GTVT) cho biết, dự án được lập năm 2007 và thi công trong 5 năm.

Theo mục tiêu, sau khi hoàn thành, với vận tốc nhanh, chở lượng khách gấp đôi so với buýt thường, tuyến BRT được ví như là “quả đấm thép” vừa giảm tải cho buýt thường vừa mở ra một thời kỳ phát triển mới cho vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) Thủ đô.

Với hành trình, mục tiêu được đặt ra, tại thời điểm đó, GS.TS Từ Sỹ Sùa đã có ý kiến đồng thuận để dự án được triển khai.

“Dự án sau đó không như mục tiêu ban đầu và kỳ vọng của tôi, dẫn đến hàng loạt các hệ lụy mà tuyến BRT đầu tiên tại Hà Nội đang phải gánh chịu”, ông Sùa nói với PV Tiền Phong ngày 13/4.

Dẫn chứng cho việc này, ông Sùa cho rằng, đầu tiên là lộ trình tuyến bị nắn sai so với thiết kế. Ban đầu tuyến đi từ bến xe Yên Nghĩa và chạy theo trục đường Trần Phú - Quang Trung (Hà Đông) - Nguyễn Trãi - Láng để về bến Kim Mã, nhưng sau đó vì tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông thi công, tuyến đã được nắn chạy sang đường Lê Văn Lương và Lê Văn Lương kéo dài (Tố Hữu hiện nay).

Việc nắn lộ trình đã không mang lại hiệu quả khi lưu lượng khách giữa 2 lộ trình này rất khác nhau. Việc này cũng sai tiêu chuẩn kỹ thuật vì đường Nguyễn Trãi có 8 làn xe mỗi bên, lại từng có làn dành riêng cho xe buýt, trong khi đường Lê Văn Lương chỉ có 4 làn xe mỗi bên, không đáp ứng điều kiện để bố trí 1 làn đường riêng cho xe buýt.

Dự án lẽ ra đã phải phục vụ người dân từ năm 2012 nhưng đến năm 2016 mới xong. Sai thời điểm 4 năm đã khiến lưu lượng xe và nhiều điều kiện thay đổi theo hướng tăng lên, hậu quả là tuyến đường luôn quá tải, ùn tắc khi có BRT hoạt động.

Về kinh phí, việc dự án bị nắn lộ trình và chậm thời điểm 4 năm đã làm cho suất đầu tư 1 tuyến BRT đã cao lại càng cao , trong đó có trượt giá và phát sinh chi phí thi công.

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội VTHKCC Hà Nội cho rằng, tuy suất đầu tư cao, song qua 4 năm vận hành đầu tiên, tuyến BRT số 01 bước đầu đã cho hiệu quả khi lượng khách đi vé tháng và doanh thu tăng cao nhất trong mạng lưới 120 tuyến xe buýt của thành phố.

Tuy nhiên về mục tiêu, ông Thông nhìn nhận, buýt BRT cũng đang phải chạy gần như xe buýt thường.

Cần đánh giá lại

Trước nhiều ý kiến về sự hiệu quả sau 4 năm hoạt động của tuyến BRT 01, ngày 13/4, thông tin với PV Tiền Phong, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở vừa yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá về hiệu quả của BRT. Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện Trung tâm Quản lý giao thông đô thị Hà Nội (HPTC) đã có báo cáo cụ thể.

HPTC cho biết, sau 4 năm vận hành, sản lượng hành khách đi BRT tăng trưởng hằng năm và mỗi năm vận chuyển trên 5 triệu lượt hành khách. Sản lượng hành khách đi vé tháng 1 tuyến tăng trưởng cao nhất toàn mạng lưới, chiếm 7,4%. Doanh thu bình quân đạt 27,5 tỷ đồng/năm, so với các tuyến buýt thông thường cao gấp gần 3 lần.

Ngoài ra, HPTC cũng cho biết, BRT còn đang làm nhiệm vụ kết nối với các loại hình vận tải công cộng khác, trong đó có hơn 20 tuyến buýt thường, sắp tới là tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

HPTC cho biết, qua thực tế 4 năm hoạt động, buýt BRT cũng đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế: Trong quá trình vận hành, tình trạng phương tiện hỗn hợp lấn làn, chạy vào làn đường dành riêng cho xe BRT vẫn diễn ra phổ biến.

Để buýt BRT cải thiện khả năng phục vụ, HPTC cho rằng, cần phân định rõ ràng làn đường ưu tiên; đề nghị Sở GTVT và các cơ quan có liên quan cần tích hợp hệ thống camera, đèn tín hiệu trên tuyến với trung tâm đèn (công an thành phố) để xử phạt nguội.

Theo quy hoạch, sau tuyến buýt số 01, từ nay đến năm 2025, tầm nhìn 2030 Hà Nội sẽ phát triển thêm 8 tuyến buýt BRT. Trong đó có các tuyến buýt BRT từ nội thành chạy ra các khu vực: Thường Tín, Phú Xuyên; Sơn Tây - Ba Vì; Mê Linh, Gia Lâm, Láng - Hòa Lạc…. Hiện các tuyến buýt này đang được các sở ngành liên quan, xây dựng phương án, lộ trình.

Cho ý kiến về việc này, ông Nguyễn Trọng Thông cho rằng, phát triển, nhân rộng bất kỳ một lĩnh vực, loại hình nào thì sau một thời gian vận hành thử nghiệm cần có đánh giá, tổng kết và rút ra những ưu- nhược điểm, từ đó mới có cơ sở để triển khai các tuyến mới.

“Theo tôi, vào thời điểm này cần tập trung quản lý, vận hành tuyến BRT 01 cho tốt, cho đạt đúng mục tiêu. Đạt được nội dung này sau đó mới nên nghĩ đến mở những tuyến mới. Tuyến BRT 01 chưa có hạ tầng, hành lang, thậm chí cả cơ chế giá, định mức để hoạt động thì thời điểm này nên dừng việc mở rộng tuyến”, ông Thông đề nghị.

8 tuyến BRT mới đang được thành phố Hà Nội xây dựng

Ngọc Hồi - Phú Xuyên (đi theo QL1 cũ, khoảng 27km); Sơn Đồng - Ba Vì (khoảng 20km); Kim Mã - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa (khoảng 14km); Ba La - Ứng Hòa (khoảng 29km); Ứng Hòa - Phú Xuyên (khoảng 17km); Phù Đổng - Bát Tràng - Hưng Yên (khoảng 15km); Gia Lâm - Mê Linh (Vành đai 3, khoảng 30km); Mê Linh - Sơn Đồng - Yên Nghĩa - Ngọc Hồi - QL5 - Lạc Đạo (Vành đai 4, khoảng 53km).

*Tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa được thành phố Hà Nội khởi công tháng 3/2013, hoàn thành tháng 12/2016 với tổng mức đầu tư trên 55 triệu USD (khoảng 1.100 tỷ đồng). Từ thời điểm lập dự án đến khởi công chậm 10 năm, khi triển khai dự án chậm thêm 4 năm so với tiến độ. Dự án có gói thầu mua sắm 55 xe buýt loại 80 chỗ với giá 5,03 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại