Bom hạt nhân là một trong những vũ khí quân sự nguy hiểm và có sức công phá lớn. Vào đầu những năm 1960, hai cường quốc hạt nhân của thế giới lúc bấy giờ là Mỹ và Liên Xô, đã bắt đầu ráo riết tìm kiếm và tận dụng năng lượng to lớn do bom hạt nhân giải phóng.
Cụ thể, nhiều kế hoạch về việc sử dụng thứ vũ khí này nhằm hỗ trợ cho mục đích sản xuất như đào núi, xây đường, thực hiện những dự án liên quan tới việc phải di chuyển một khối lượng đất đá lớn,...
Minh chứng có thể kể đến vụ thử hạt nhân Sedan vào năm 1962 ở bang Nevada của Mỹ đã vô tình tạo ra những miệng hố lớn và hiện nay trở thành một trong các điểm đến thu hút khách du lịch.
Trong khi đó, Liên Xô lúc đó cũng đã tiến hành thực hiện không ít các cuộc thử nghiệm sâu rộng thuộc chương trình vụ nổ hạt nhân, nhằm mục đích hỗ trợ và mang lại lợi ích cho nền kinh tế quốc gia.
Cụ thể, bằng cách sử dụng những vụ nổ hạt nhân nhỏ, Liên Xô đã thăm dò mặt đất để phục vụ khai thác dầu, tạo ra những hầm khai thác rộng lớn nhằm lưu trữ nguồn khí đốt tự nhiên, xây đập,...
Một đám cháy lớn tại giếng khí đốt ở Urta-Bulak, Uzbekistan kéo dài suốt 3 năm (từ 1963 - 1966)
Thế nhưng, vào năm 1963, một giếng khí đốt ở Urta-Bulak thuộc miền Nam Uzbekistan, đã bị nổ ở độ sâu 2,4km. Trong ba năm tiếp sau đó, giếng khai thác này bị cháy liên tục và gây ra thiệt hại hơn 12 triệu m3 khí mỗi ngày. Đây là lượng khí đốt đủ để cung cấp cho nhu cầu sử dụng của một thành phố quy mô như St. Petersburg (Nga).
Sau khi tất cả những phương pháp kiểm soát đám cháy thông thường như vòi rồng, pháo kích đều gặp thất bại, chính phủ Liên Xô lúc bấy giờ đã nhờ tới sự giúp đỡ của các chuyên gia hạt nhân.
Sử dụng bom hạt nhân để dập tắt đám cháy: Hiệu quả mang lại thật bất ngờ!
Theo đó, những nhà địa chất và vật lý học của chương trình hạt nhân, đã tính toán rằng nếu sử dụng một quả bom hạt nhân để kích nổ ở gần đó thì áp lực từ vụ nổ sinh ra có thể đóng sập bất kỳ nguồn cung cấp khí cho đám cháy trong vòng từ 25 – 50 mét.
Ước tính, quả bom có sức công phá khoảng 30 kiloton, lớn gấp đôi so với sức mạnh của quả bom từng san bằng thành phố Hiroshima trong Thế chiến II. Quả bom này do phòng vũ khí hạt nhân Chelyabinsk chế tạo với đường kính 24cm, dài khoảng 3m và có khả năng chịu được nhiệt độ cùng áp suất cao.
Các chuyên gia Liên Xô đã sử dụng một quả bom hạt nhân để dập tắt đám cháy lớn ở Urta-Bulak. Ảnh: Dailymail
Cụ thể, vào tháng 9/1966, các chuyên gia Liên Xô đã tiến hành đào một đường hầm đặc biệt có bề rộng khoảng 30cm, gần nhất có thể với giếng dầu đang cháy không kiểm soát được.
Một đường hầm đặc biệt đã được đào ở gần giếng dầu bị rò rỉ, để đặt một quả bom hạt nhân vào.
Sau đó, ở độ sâu 1.400 mét và ở khoảng cách ước tính chừng 35 mét so với giếng dầu bị rò rỉ, một quả bom hạt nhân đã được hạ xuống ở đường hầm trên. Đường hầm được lấp đầy để ngăn không phun trào ra bề mặt và quả bom sau đó đã được kích nổ vào hồi 5h59’ ngày 30/9/1966.
Một tờ báo của Liên Xô lúc bấy giờ đưa tin, sau 1.064 ngày, lần đầu tiên khu vực này yên tĩnh trở lại, tiếng kêu của giếng khí đã ngừng lại.
Vụ nổ hạt nhân có kiểm soát có thể dập tắt đám cháy lớn từ những giếng dầu bị rò rỉ khí đốt. Ảnh: Reddit
Chỉ mất đúng 23 giây để làm sập giếng khí đốt và dập tắt ngọn lửa. Những cảnh quay lịch sử lúc đó cho thấy khoảnh khắc quả bom hạt nhân được kích nổ và đám cháy dai dẳng suốt 3 năm trời đã được dập tắt. Đặc biệt, phóng xạ từ vụ nổ lớn không bị phát tán ra môi trường xung quanh.
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử khi một quả bom hạt nhân được sử dụng thành công để dập tắt được những đám cháy dầu.
Đương nhiên, giải pháp này không phải là lần cuối cùng. Cụ thể, nhiều tháng sau, có một đám cháy bùng phát ở mỏ khí đốt gần đó.
Lần này, các chuyên gia đã sử dụng vũ khí hạt nhân có sức công phá lên tới 47 kiloton để hạ xuống độ sâu 2.440 mét và kích nổ. Do vụ rò rỉ lớn và đám cháy lan rộng, nhưng sau 7 ngày thì nó cuối cùng cũng bị dập tắt.
Thành công thứ hai này đã mang lại cho những nhà khoa học Liên Xô niềm tin rất lớn vào kỹ thuật mới của họ trong nỗ lực để kiểm soát được những giếng dầu và khí đốt. Trong vài năm sau đó, các chuyên gia cũng đã sử dụng những vụ nổ hạt nhân để dập tắt các đám cháy khí đốt.
Tuy nhiên, những thí nghiệm này đã bị dừng lại vào năm 1989 khi Liên Xô gián đoạn loạt thử nghiệm về vũ khí hạt nhân.
Dù vậy, nhưng những minh chứng trên cho thấy một ứng dụng tích cực của các vụ nổ hạt nhân có kiểm soát trong việc đẩy lùi các đám cháy dai dẳng tại những mỏ khai thác khí đốt bị rò rỉ.
Tham khảo ảnh/nguồn: Amusingplanet, Gizmodo