Bao giờ cổ phiếu ngân hàng qua kỳ 'ngủ đông'?

Huy Ngọc |

Những thông tin tích cực từ mùa ĐHĐCĐ thường niên và kết quả kinh doanh quý I/2022 được kỳ vọng là lực đẩy giúp cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng. Ngoài ra, giới chuyên gia nhìn nhận một số cổ phiếu “vua” còn được hỗ trợ từ câu chuyện riêng như “game” bán vốn ngoại, M&A ngân hàng 0 đồng.

Cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng phục hồi. Ảnh: Trọng Hiếu.

Cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng phục hồi. Ảnh: Trọng Hiếu.

Tháng 4 khép lại ghi nhận tháng điều chỉnh mạnh nhất của VN-Index tính từ đầu năm đến nay. Cụ thể, chốt phiên giao dịch 29/4, VN-Index đạt 1.366,80 điểm, giảm 8,4% so với thời điểm đầu tháng. Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index đã giảm 8,7%.

Nhiều nguyên nhân tác động và khiến chỉ số chính giảm mạnh. Cụ thể, với thế giới, áp lực lạm phát tăng khiến các ngân hàng trung ương lớn đều có động thái thắt chặt chính sách và điển hình nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất điều hành sau 3 năm.

Cùng với đó, tình hình xung đột Nga – Ukraine càng làm gia tăng rủi ro cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu nhất là khi giá năng lượng, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh…. Điều đó đã tác động tới nhiều TTCK trên thế giới, khiến nhiều thị trường giảm điểm mạnh.

Ngoài các tác động từ vĩ mô ngoài nước, TTCK Việt Nam còn một phần chịu tác động tâm lý khi các cơ quan chức năng và cơ quan quản lý xử lý nghiêm các vụ việc trên TTCK và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Trong bối cảnh đó, cổ phiếu "vua" cũng không nằm ngoài xu thế giảm điểm. Thống kê cho thấy, trong tháng 4/2022, nhiều mã ngân hàng lớn giảm điểm như: VCB (-2,18%), CTG (-13,42%), BID (-11,1%), MBB (-5,7%), TCB (-10,2%)....

Bên cạnh các diễn biến chung từ thị trường chứng khoán, giới chuyên gia nhìn nhận sự suy giảm của nhóm ngân hàng là do ảnh hưởng từ lạm phát sau 2 năm nền kinh tế thế giới bơm tiền để chống chịu COVID-19. Thêm vào đó, căng thẳng chiến sự Nga-Ukraine khiến giá cả hàng hóa trên thị trường toàn cầu tăng cao càng làm gia tăng áp lực lạm phát.

Theo đó, các ngân hàng thương mại Việt Nam buộc phải tăng lãi huy động để giữ mức lãi suất thực dương, trong khi lãi suất cho vay vẫn duy trì thấp theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này khiến NIM các nhà băng có nguy cơ suy giảm, nhà đầu tư trong nước tỏ ra hoài nghi về tỷ suất lời của các ngân hàng.

Về kỹ thuật, với lượng cung cổ phiếu niêm yết mới (gần 10,3 tỷ cổ phiếu) trong năm 2021, phần lớn là phát hành thêm tăng vốn điều lệ, thị trường cần thời gian để hấp thụ hết số cổ phiếu này, đồng nghĩa thị giá phải về vùng hấp dẫn, cạn cung thì mới có thể tăng trưởng bền vững.

Chưa kể, nhóm ngân hàng tại Việt Nam còn chịu ảnh hưởng tiêu cực khi nhiều cổ phiếu nhà băng trên thế giới đồng loạt giảm. Ảnh hưởng này được lý giải do phương Tây loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và các lệnh trừng phạt nhắm vào Ngân hàng Trung ương Nga.

Nhiều triển vọng cho nhóm ngân hàng trong năm 2022

Dù chịu nhiều tác động tiêu cực, song điểm sáng là các nhà đầu tư nước ngoài đã gia tăng mua ròng cổ phiếu ngân hàng.

Đơn cử, Dragon Capital vào ngày 8/3 đã mua 1,25 triệu cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, qua đó sở hữu 95,2 triệu cổ phiếu, tương đương 5,05% vốn STB. Trước đó, Dragon Capital đã trở thành cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) sau khi mua 916.800 cổ phiếu MBB, nâng số lượng nắm giữ lên gần 189,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5%). MBB cũng thuộc top cổ phiếu có tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư của quỹ này.

Ngoài Dragon Capital, cổ phiếu ngân hàng cũng chiếm 40% tổng danh mục của quỹ Pyn Elite Fund. Cụ thể, quỹ ngoại này đang nắm cổ phiếu CTG (chiếm 14,7% danh mục), TPB (9,9%), MBB (9,4%), HDB (5,6%).

Nhóm ngoại rõ ràng có niềm tin nhất định vào triển vọng của cổ phiếu ngân hàng. Điều này không phải không có cơ sở nếu nhìn vào kế hoạch kinh doanh năm 2022 với gam màu sáng của nhiều nhà băng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại.

Cụ thể, là ngân hàng đầu tiên tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) đặt mục tiêu lợi nhuận 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Tương tự, nhiều nhà băng cũng lên kế hoạch tăng trưởng lãi, như: Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (HoSE: EIB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 dự kiến 2.500 tỷ đồng, tăng 127% so với năm 2021; Ngân hàng TMCP Á Châu Việt Nam (HoSE: ACB) đề ra chỉ tiêu lãi năm 2022 tăng 25% lên 15.018 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhiều nhà băng như Ngân hàng TMCP Hàng hải (HoSE: MSB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (HoSE: OCB), Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HoSE: HDB), Ngân hàng TMCP Quân Đội (HoSE: MBB) cũng dự kiến mục tiêu lãi tăng trưởng từ 23% - 32% so với thực hiện năm 2021.

Nhóm quốc doanh gây bất ngờ với kế hoạch tăng trưởng khá thấp. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (HoSE: CTG) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HoSE: VCB) dự kiến tăng trưởng lãi năm 2022 dao động từ 10% - 20%.

Đáng chú ý, dù mùa BCTC quý I/2022 chưa đến, nhưng đã có nhiều ngân hàng công bố con số lợi nhuận khả quan. Đơn cử, VIB chia sẻ lãi quý I/2022 ước đạt 2.200 tỷ đồng, tăng trưởng 24-25% so với cùng kỳ và tương đương 21% kế hoạch năm; MBB ước lãi hợp nhất khoảng 5.500 tỷ đồng, tăng 20%. Trước đó, MSB cho biết lợi nhuận trước thuế ngay trong tháng 1/2022 đạt 577 tỷ đồng.

Trao đổi với Tạp chí Nhà Đầu tư, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá cao nhóm cổ phiếu ngân hàng với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng dự báo sẽ mạnh mẽ hơn so với năm 2021, ở mức trên 14% khi các hoạt động kinh doanh bắt đầu gia tăng trở lại sau thời gian giãn cách xã hội.

Ông nhận định NIM của các ngân hàng sẽ ổn định trong năm 2022 do chi phí huy động đã chạm đáy và xu hướng tăng trở lại kể từ cuối 2021, nhưng được bù đắp bởi CASA cải thiện, các chương trình giảm lãi suất cho vay không còn và tỷ lệ cho vay khách hàng cá nhân cao hơn. NIM của các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước sẽ phục hồi nhanh sau năm 2021 phải sử dụng một phần thu nhập lãi để hỗ trợ nền kinh tế.

Ngoài ra, việc các ngân hàng mạnh mẽ trích lập dự phòng nợ xấu trong năm 2021 sẽ giúp tăng cường sức chống chịu của nhóm này. Không những thế, việc Thông tư 14 cho phép kéo dài thời gian trả nợ của các khoản vay tái cơ cấu đến ngày 30/6/2022 cũng ít nhiều hỗ trợ cho các ngân hàng.

Đặc biệt, cổ phiếu nhà băng còn được kỳ vọng hút mạnh dòng vốn ngoại khi tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại một số ngân hàng TMCP tư nhân có thể thay đổi trong năm 2022 nhờ cam kết của Việt Nam với Liên minh châu Âu khi EVFTA có hiệu lực. Theo đó, cho phép 2 tổ chức tín dụng Châu Âu được phép sở hữu tới 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng Việt Nam.

Bên cạnh những yếu tố tích cực nói chung, một số cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng hưởng lợi từ câu chuyện riêng.

Đơn cử, cổ phiếu VPB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng đã nhận được sự chú ý của giới đầu tư ngay khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,5% vốn điều lệ (đầu tháng 3/2022). Ngay trong phiên giao dịch 4/3, khối ngoại đã mua ròng trên 20 triệu cổ phiếu VPB.

Hay, một số ngân hàng TMCP tư nhân hàng đầu sẽ tiếp quản 3 ngân hàng 0 đồng là Ocean Bank, CBBank và GPBank. Việc tiếp quản sẽ đi kèm nhiều quyền lợi, đơn cử là được cấp hạn mức tín dụng cao hơn.

Hiện nay, trên nhiều diễn đang chứng khoán, MBB được đồn sẽ hỗ trợ/sáp nhập OceanBank. SSI Research đánh giá: “OceanBank có thể là thương vụ có lợi cho MBB và giúp MBB tăng trưởng tốt hơn trong dài hạn nếu ban lãnh đạo có thể chèo lái con thuyền đi đúng hướng. Trong trường hợp đó, thương vụ này cũng đem lại lợi ích kinh tế tích cực về dài hạn”.

Ngày 29/4 vừa qua, các cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của Vietcombank đã thông qua nội dung về việc thông qua chủ trương tham gia tái cơ cấu một tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc (CGBB).

Với việc nhận CGBB, VCB sẽ được ưu tiên chấp thuận cho vay vượt 15%/25% vốn tự có của ngân hàng; cho vay trung dài hạn bằng ngoại tệ đối với các dự án trọng điểm; tăng thị phần phục vụ các dự án vốn tín dụng quốc tế cho VCB trong suốt thời gian TCTD chưa hết lỗ luỹ kế; NHNN không giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm của VCB nếu VCB đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định….

Về phía TCTD được CGBB, đơn vị này sẽ được NHNN cho vay đặc biệt với mức lãi suất ưu đãi đến 0% trong thời gian thực hiện phương án CGBB; không phải áp dụng các tỷ lệ an toàn hoạt động; không bị giới hạn tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm và thực hiện theo phương án CGBB…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại