CTCK VnDirect (VND) vừa công bố báo cáo chiến lược đầu tư 6 tháng cuối năm 2018.
Sau khi bứt phá mạnh trong quý 1, chỉ số Vn-Index đã có nhịp điều chỉnh mạnh và kết thúc quý 2 tại 960 điểm, đánh mất toàn bộ thành quả từ đầu năm.
Không chỉ giảm mạnh về điểm số mà thanh khoản thị trường cũng giảm mạnh. Tổng GTGD bình quân trên cả HOSE và HNX trong tháng 6 giảm thêm 19,1% so với tháng 5, duy trì ở mức 5.600 tỷ đồng/phiên.
Mức thanh khoản này cao hơn 16% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng đã ở mức thấp nhất từ đầu năm 2018 và là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ kể từ tháng 1/2017.
Giao dịch khối ngoại là một điểm sáng đáng chú ý khi Việt Nam là một trong số ít các thị trường cận biên và mới nổi ghi nhận dòng tiền ngoại mua ròng trong năm 2018.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, khối ngoại mua ròng tổng cộng 34.700 tỷ đồng trong đó tập trung mua ròng VHM (27.378 tỷ đồng), VRE (4.235 tỷ), NVL (2.672 tỷ). Nhóm các cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất gồm VIC (4.264 tỷ), HPG (1.973 tỷ) và VJC (1.677 tỷ đồng).
TTCK Việt Nam vãn còn khá rẻ
Theo VnDirect, sau đợt điều chỉnh mạnh vừa qua đã đưa P/E của Vn-Index về 18,2x và P/E Hnx-Index về 12,2x vào cuối quý 2, đây là mặt bằng chung của khu vực. Tuy nhiên, nếu so sánh giữa định giá và tốc độ tăng trưởng (PEG) thì TTCK Việt Nam vẫn còn khá rẻ.
PEG hiện tại của TTCK Việt Nam là 0,87 lần và đang trở nên hấp dẫn nhất khu vực. Nước duy nhất trong nhóm so sánh có PEG thấp hơn Việt Nam là Indonesia (0,85 lần), tuy nhiên điều này có thể lý giải do thị trường Indonesia chịu nhiều rủi ro hơn với những biến động trên thị trường tài chính quốc tế so với TTCK Việt Nam, điển hình là việc nước ngoài mua ròng mạnh tại TTCK Việt Nam trong khi bán mạnh tại TTCK Indonesia.
Do đó, VnDirect cho rằng TTCK Việt Nam xứng đáng được định giá ở mức cao hơn so với hiện tại dựa trên hệ số PEG đang trở nên rất hấp dẫn so với các thị trường khác trong khu vực.
Dù vậy, một vấn đề đáng quan tâm là lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam đã và đang tăng có thể tiếp tục gây áp lực điều chỉnh lên thị trường.
Sự chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục; VnDirect cho rằng lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam sẽ tăng trở lại dưới sức ép của việc FED thắt chặt dần chính sách tiền tệ.
Mối quan hệ nghịch đảo mạnh mẽ được quan sát trong quá khứ giữa P/E của VNINDEX và lợi suất trái phiếu chính phủ ngụ ý rằng các chỉ số định giá thị trường có thể điều chỉnh thêm.
Với những vấn đề trên, VnDirect nhận định Vn-Index sẽ biến động trong biên độ rộng (870 đến 1.050 điểm) với thanh khoản thấp trong vòng vài tháng tới. Thị trường sẽ khó có thể hồi phục mạnh trong bối cảnh rủi ro trên thị trường tài chính toàn cầu vẫn tiếp diễn.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình rất đáng chú ý
PEG của nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình liên tục sụt giảm trong thời gian qua do giá của cổ phiếu thuộc nhóm này chưa phản ánh đầy đủ tốc độ tăng trưởng lợi nhuận.
Cổ phiếu vốn hóa lớn thường được trả premium so với cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, tuy nhiên mức PEG của nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình hiện đang rất hấp dẫn, (PEG hiện tại là 0,33 lần) chỉ bằng khoảng 40% so với PEG của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (PEG hiện tại là 0,82 lần).
Tuy nhiên, VnDirect cũng cho rằng dòng tiền sẽ chưa sớm dịch chuyển từ các nhóm cổ phiếu khác sang nhóm cổ phiếu Mid-cap do:
+ Rủi ro trên thị trường hiện đang ở mức cao, do đó nhà đầu tư có xu hướng đầu tư vào các cổ phiếu beta thấp hoặc những cổ phiếu bluechip đã điều chỉnh tương đối trong thời gian qua để giảm thiểu rủi ro điều chỉnh không lường trước được.
+ Động thái nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam lên top các thị trường trong MSCI Frontier Market sẽ tiếp tục thúc đẩy dòng tiền tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Do đó, VnDirect cho rằng cổ phiếu Mip-caps có nhiều triển vọng tăng trưởng, nhưng dòng tiền sẽ chỉ chú ý đến một vài cái tên tiêu biểu nhất, có tình hình tài chính vững mạnh và triển vọng tăng trưởng khả quan nhất.