VN làm lốp máy bay quân sự: Hướng đến thị trường Nga

Châu An |

Việt Nam hoàn toàn có thể hướng tới việc xuất khẩu lốp máy bay không săm sang thị trường nước ngoài.

Đã từng xuất khẩu lốp có săm

Đại tá, TS Nguyễn Hữu Đoàn, Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật Phòng không-Không quân (Quân chủng Phòng không-Không quân), Chủ nhiệm đề tài sản xuất lốp máy bay bơm hơi không săm khẳng định, với những gì đã làm được, ông Đoàn tin tưởng rằng, chúng ta hoàn toàn có thể mở rộng sản xuất đại trà, để cung cấp ra thị trường trong nước và nước ngoài.

Bởi vì, tiêu chuẩn chất lượng lốp máy bay đạt tương đương lốp do nước ngoài sản xuất.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 15/4, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Khoa Kỹ thuật giao thông, ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết:

"Việc chúng ta có thể sản xuất được từ lốp có săm cho đến lốp bơm hơi không săm, đó là một thành quả rõ ràng của sự phát triển công nghệ sản xuất chế tạo lốp máy bay thời gian qua.

Hơn nữa, chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện để cạnh tranh được với các nước. Cụ thể:

Thứ nhất, nguyên vật liệu chế tạo lốp là cao su, chiếm đến 60% thành phần, hơn nữa chúng ta có công nghệ chế biến cao su đảm bảo chất lượng.

Thứ hai, lương công nhân lao động của chúng ta hiện nay rẻ, thấp hơn nhiều so với khu vực và thế giới, tận dụng nguồn nhân lực này chúng ta đã tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người.

Nhưng hay nhất ở đây là quốc phòng làm việc khai thác trên nền kinh tế doanh nghiệp, nên có nhiều điều kiện phát triển.

Trong khi, chúng ta cung cấp được cho thị trường trong nước không phải nhập khẩu, thì tiềm năng xuất khẩu là tất yếu, thậm chí có thể cạnh tranh về giá cả và chất lượng".

Bên cạnh đó, theo ông Tống, có rất nhiều máy bay nhỏ của các nước, chỉ vài chỗ ngồi, chúng ta hoàn toàn có thể xuất khẩu loại lốp máy bay này.

"Trước đây, tôi nhớ có một anh Việt Kiều mua một chiếc máy bay từ bên Canada về, tôi thấy lốp có săm được sử dụng là do Việt Nam sản xuất. Để thấy, chúng ta đã từng xuất khẩu sản phẩm này sang nhiều thị trường, có thể coi là lớn.

Tôi nghĩ rằng, chúng ta có thể sản xuất sản phẩm vỏ, ruột lốp máy bay cho các nước chế tạo máy bay nhỏ. Giờ chúng ta chế tạo được loại lốp không có săm thì rất tốt, tiềm năng xuất khẩu còn cao hơn nhiều", ông Tống chia sẻ.


Việt Nam sản xuất được lốp máy bay không săm.

Việt Nam sản xuất được lốp máy bay không săm.

Sản xuất lốp cho xe hơi

Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, theo ông Tống, để việc phân phối, kinh doanh có hiệu quả, cần có một doanh nghiệp đứng ra đảm nhận công việc khai thác, phân phối. Bởi vì, một đơn vị quân đội rất khó có thể làm tốt được những việc trên.

Nhấn mạnh thêm, ông Tống nói: "Một khi chúng ta làm được giá có thể cạnh tranh, chất lượng bảo đảm thì có thể xuất khẩu, thậm chí là sang các nước mạnh về quốc phòng như Nga.

Bởi nếu như hiện nay, chúng ta làm với mức giá 8 triệu/chiếc lốp không săm, khi làm với số lượng tăng lên, duy trì ổn định thì giá thành sẽ càng rẻ, đó là quy luật kinh tế về mặt quy mô, cho nên, phải hướng tới một thị trường rộng hơn, ổn định hơn".

Theo ông Tống, chúng ta hoàn toàn có thể kết hợp với dây chuyền công nghệ lốp ô tô để sản xuất, khi đó chi phí đầu tư cho thiết bị không quá lớn, đồng thời nhờ sử dụng chung thiết bị nên việc cung cấp năng lượng điện, nước, khấu hao thiết bị cho một sản phẩm cũng ít hơn.

Xe hơi bình thường đương nhiên tốc độ không bằng máy bay, cho nên yêu cầu không cao bằng, nên hướng tới thị trường sản xuất cho xe ô tô, đây là thị trường vô cùng rộng.

"Chúng ta phải thấy nếu làm sản phẩm cho ô tô sẽ giúp cho quân đội tha hồ có kinh tế làm việc khác, triển khai đầu tư nghiên cứu các thế hệ lốp cho các dòng máy bay quân sự khác.

Số lượng sản xuất hiện nay cho phòng không - không quân chỉ dao động mức trung bình, nên việc mở rộng, tăng số lượng là cần thiết, để giảm chi phí sản xuất, đồng thời có thêm kinh tế.

Bên cạnh đó, nguyện vọng của tôi là quân đội của chúng ta có thể chế tạo được thêm nhiều máy bay nhỏ, với giá thành hợp lý, phục vụ cho nhu cầu quân sự cũng như dân sự", ông Tống nhận định.

Là người gắn liền lâu năm với ngành hàng không, PGS. TSKH. Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội Khoa học Vũ trụ Việt Nam nhận định: "Việt Nam đang dần khẳng định được vị thế của mình trong nhiều ngành sản xuất phụ tùng cho máy bay từ đai ghế cho đến lốp máy bay.

Thậm chí, chúng ta hoàn toàn đảm bảo được chất lượng cũng như mức giá thành có thể cạnh tranh được với khu vực và thế giới. Cho nên, cần hướng tới việc xuất khẩu cho các thị trường mạnh, có nhu cầu, Nga cũng là một ý tưởng tốt".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại