Vinh quang, nỗi đau và nghịch lý từ 2 tấm huy chương vàng

Dũng Tân |

Tại ASIAD 2018, Pencak silat đã “cứu” đoàn TTVN khi xuất sắc đoạt 2 tấm HCV. Đó là thành quả xứng đáng cho rất nhiều tâm sức, mồ hôi cùng khoản đầu tư lớn từ ngành thể thao. Nhưng ngoài thành công trong một “chiến dịch” cụ thể và giá trị thành tích để báo cáo, không có thể trông chờ “nâng tầm” hay nhìn thấy tương lai với môn võ mà kết quả không quyết định bởi trình độ, quyết tâm, nỗ lực…

Từ nỗi đau nhà vô địch thế giới

Luôn giữ được phong thái mạnh mẽ, chủ động trong suốt cả trận đấu bán kết đầy kịch tính với đối thủ người Indonesia là Pamungkas ở hạng 85-90kg, thế nhưng Duy Tuyến suy sụp khi rời thảm đấu.

Nếu không phải là ASIAD trên đất Indonesia, chắc chắn võ sĩ ít tên tuổi Pamungkas sẽ không "có cửa" gì trước võ sĩ Việt Nam vốn đang là Đương kim Vô địch Thế giới, Châu Á và SEA Games. 

Thế nhưng lần này, Tuyến đã thua trọng tài, thua do sức ép quá lớn trên các khán đài và thua chính mình. Đúng là anh không thể hiện được đúng phong độ nhưng xét cả trận đấu, tuyển thủ Việt Nam vẫn chiếm thế áp đảo, về cả thế trận, số lần tấn công lẫn các pha ra đòn chính xác. Chỉ có điều, các trọng tài lại… không thấy.

Nhiều tình huống ra đòn ghi điểm rõ ràng của Tuyến lại không có điểm, thay vào đó chỉ cần có cớ là trọng tài cho điểm võ sĩ chủ nhà để rồi bất chấp nỗ lực và thậm chí là có thời điểm vượt lên dẫn trước, anh vẫn bị các trọng tài xử thua 0-5 chung cuộc.

Với Duy Tuyến, trận thua tức tưởi này thực sự là một "nỗi đau… nhân ba". Đau vì chủ nhà Indonesia đã quyết "triệt" anh ngay từ đầu, khi xóa bỏ hạng cân 75kg vốn là sở trường của võ sĩ Việt Nam khỏi chương trình thi đấu, thế nên anh phải gồng mình để đôn lên thi đấu ở hạng cao hơn 10kg.

Đau vì Tuyến thua không phải do đối thủ mạnh hay bản thân quá kém mà lại vì trọng tài, cùng những toan tính ngoài chuyên môn. Và cả một năm tập luyện thi đấu với biết bao mồ hôi, nước mắt của thầy trò đã "đổ ra sông ra bể". Giấc mơ Vàng ASIAD tan vỡ, khi cơ hội có thể chỉ có một lần thứ không còn trong tương lai...

Và nghịch lý của cường quốc số 1

Kết thúc môn Pencak silat ASIAD 18, cường quốc hàng đầu thế giới là Việt Nam chỉ giành được 2 trên tổng số 16 HCV, một nghịch lý khó tin nếu nhìn về mặt lực lượng, chuyên môn. Bởi ngay giải vô địch Châu Á 2017, các võ sĩ Việt Nam đã đoạt tới 8 HCV để giành ngôi nhất toàn đoàn tuyệt đối, hơn "cái nôi" Indonesia tới 4 HCV.

Thế nhưng trên đất Indonesia, chúng ta không thắng được bất cứ trận nào khi gặp VĐV chủ nhà. Và ngay cả 2 tấm HCV cũng đã là một thành quả "thót tim" có phần may mắn, khi ngoài các võ sĩ Indonesia thì duy nhất Việt Nam có HCV môn này.

Pencak silat Indonesia đã tận dụng, phát huy tối đa mọi nguồn lực, phương thức để gom Vàng, từ việc gây sức ép bên ngoài thảm đấu, tạo ra những lợi thế trong công tác điều hành tổ chức, trọng tài và thậm chí một số trường hợp việc xử ép, thiên vị rõ ràng.

Các nước trong khu vực Đông Nam Á, kể cả Việt Nam với 2 tấm HCV giành được, thực tế đã "vỡ mộng" vì Indonesia quyết "tận thu". Trước ASIAD 18, chủ nhà trong chiến dịch vận động đã tuyên bố chỉ lấy 4-7 HCV, cuối cùng giật 14 HCV.

Trừ Việt Nam có 2 HCV, các đoàn như Malaysia, Thái Lan đều phải tay trắng rời đại hội, điều cũng không xảy ra ngay tại "ao làng" SEA Games với một môn quá đặc thù như Pencak silat. 

Đó là lý do khi cuộc chơi kết thúc, theo chia sẻ của người trong cuộc, "cả làng" đã phải hối tiếc trong cay đắng khi ủng hộ Indonesia đưa Pencak silat vào chương trình thi đấu, với số nội dung lên tới 16 bộ huy chương, nhiều hơn cả một số môn Olympic.

Bi hài ở chỗ, Pencak silat Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, như thừa nhận thẳng thắn trong cay đắng của HLV trưởng ĐTVN Nguyễn Văn Hùng, ân hận khi sực nhớ ra rằng đã "quên" không có yêu cầu cài cắm gì để đảm bảo việc phân chia sự… công bằng, ví như yêu cầu sử dụng giáp điện tử hay khống chế số nội dung mà một đoàn được đăng ký.

Việt Nam có 2 HCV, thắng lớn ở "chiến dịch" ASIAD 18. Chỉ có điều, sau kỳ đại hội diễn ra ở Indonesia thì Pencak silat sẽ lại bị xóa tên khỏi chương trình thi đấu. Và quan trọng hơn, với những gì đã thể hiện thì môn võ này đang tồn tại một khoảng cách quá xa với "chuẩn" châu lục cả công tác tổ chức, điều hành lẫn chất lượng. Nó cũng không phản ánh đúng được gì về trình độ, sự chuẩn bị và giá trị của tấm HCV.

Có lẽ, sau vinh quang và tự hào với một chiến công, bài toán về đầu tư cần phải đặt ra cho ngành thể thao, trong cả chiến lược chung cũng như sách lược với không chỉ các môn võ như pencak silat.

Ở môn wushu, nhà đương kim vô địch Dương Thúy Vi, võ sĩ từng mang về tấm HCV duy nhất cho TTVN tại ASIAD 2014, chỉ xếp thứ 3 mà không hề bất ngờ. Các chuyên gia trước đó từ lâu đã dự báo Vi sẽ "không bao giờ được để cho lần thứ 2 đăng quang". Bởi việc đăng quang của Vi 4 năm trước là chiến thắng mang tính ngoại lệ, may mắn và xuất thần, khi trước tấm HCV này thì suốt 24 năm tham dự, Việt Nam không hề có "cửa". Bản chất vấn đề không phải trình độ, đầu tư hay quyết tâm, nỗ lực của VĐV mà khả năng giành Vàng hay không lại do Trung Quốc quyết định.

Pencak silat mang về 2 tấm HCV giúp đoàn TTVN hoàn thành chỉ tiêu và đó cũng là phần thưởng xứng đáng cho cả một quá trình đầu tư của ngành thể thao, với kinh phí không kém gì những môn thể thao hàng đầu như điền kinh, bơi, bắn súng, cử tạ… Tuy nhiên, phía sau thành công được xem là "cứu cánh" cho mục tiêu thành tích hay những báo cáo này lại là những chuyện bi hài ít người biết và hiểu bản chất vấn đề.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại