Đóng tủ đựng huy chương cho con
Chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Đăng Thêm (60 tuổi, trú thôn Xuân Lâu, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) khi vừa kết thúc ASIAD 18 tổ chức tại Indonexia, đoàn thể thao việt nam cũng vừa về nước trong sự vinh danh trang trọng và chào đón nồng nhiệt ở Thủ đô. Góp công vào thành tích chung của đoàn thể thao Việt Nam lần này, có vận động viên Rowing Trần Thị An (SN 1993) là con gái của ông Thêm đã cùng đồng đội giành tấm HCB.
Nhà ông Thêm nằm ở đầu làng, vừa vào cổng đã thấy lúa mới thu hoạch đang phơi kín từ sân ra ngõ. Ông Thêm người cao lớn, gần 1,8m, khuôn mặt sạm đen, rõ nét lam lũ của người nông dân. Thấy có phóng viên đến hỏi chuyện về thành tích thi đấu của con gái tại ASIAD 18, ông Thêm hiện rõ niềm vui, phấn khởi, tự hào.
"Chiều hôm kia (ngày 1.9 - PV) cháu nó về, gia đình có tổ chức bữa tiệc mừng trong nội bộ anh em. Biết tin vui, nhiều bà con, làng xóm đến động viên, chúc mừng. Là cha, là mẹ, mỗi lần các con mình đạt thành tích cao khi thi đấu, ai cũng cảm thấy vui sướng, tự hào lắm" - ông Thêm phấn khởi chia sẻ.
Vợ chồng ông Thêm có 6 người con (4 trai, 2 gái), An là con gái thứ 4 trong gia đình. Từ năm 2005, An thuộc biên chế đoàn vận động viên của tỉnh Hà Tĩnh với môn karatedo. Đến năm 2009, An bất ngờ chuyển sang biên chế là vận động viên đua thuyền. Sau đó, chuyển ra thuộc biên chế vận động viên đua thuyền của Hà Nội rồi lên đội tuyển quốc gia từ năm 2012. Cũng từ năm 2012 đến nay, An giành nhiều huy chương tại các giải vô địch châu Á, cúp châu Á, giải vô địch Đông Nam Á, HCV Seagame...
Hai người anh trai của An là Trần Đăng Dũng (SN 1989), Trần Đăng Kiên (SN 1991) cũng là vận động viên đua thuyền có nhiều thành tích cao. Dũng là vận động viên biên chế của tỉnh Hà Tĩnh năm 2007. Từ năm 2009 - 2017 là vận động viên rowing của đội tuyển quốc gia.
Từ năm 2018 về lại biên chế là vận động viên của tỉnh Hà Tĩnh. Dũng cũng giành nhiều huy chương tại các giải đấu khu vực và châu lục. Trong đó, có HCV tại Giải Vô địch Cúp Rowing Châu Á năm 2012. Trần Đăng Kiên cũng là vận động viên đua thuyền giành nhiều thành tích cao. Đó là HCV Giải trẻ châu Á năm 2010; HCV tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2010; nhiều lần đạt HCV Giải vô địch toàn quốc từ năm 2008 - 2014 và rất nhiều HCB, HCĐ tại các giải đấu khác. Thế nhưng, từ năm 2015, anh bị chấn thương nên không còn tham gia thi đấu.
"Tiếc là bị chấn thương nên em không thể tham gia thi đấu. Nếu không 3 năm qua, chắc chắn em đã có thêm nhiều thành tích nữa rồi" - Kiên tự tin chia sẻ.
Nhà có 3 người con là vận động viên tham gia thi đấu suốt 10 năm nay tại các giải đấu Rowing lớn, nhỏ trong và ngoài nước đã cùng nhau mang về cho vợ chồng ông Thêm bộ sưu tập huy chương, bằng khen cực "khủng" mà nhiều người dân ở đây khi đến chơi hay trầm trồ là nhiều đến mức "không còn chỗ treo".
Hỏi về các thành tích thi đấu của con mình, ông Thêm lắc đầu bảo không thể nhớ nổi. Thay vì trả lời, ông đi lấy chìa khóa mở tủ ra cho tôi xem 2 bên gian tủ có hàng loạt huy chương, gồm huy chương vàng, huy chương bạc, huy chương đồng. Trên tường cũng hàng chục bằng khen về thành tích thi đấu của các con mình.
Ông Thêm phấn khởi, tự hào bên bộ sưu tập “khủng” huy chương của các con mình bày kín hai bên ngăn tủ. Ảnh: TRẦN TUẤN
Tính "đường dài" từ khi đang trên đỉnh cao vinh quang
Tôi hỏi Trần Đăng Kiên, điều gì khiến 3 anh em trở thành vận động viên có nhiều thành tích cao như vậy?, Kiên cho biết, trước hết là được thừa hưởng nền tảng thể lực cao, to từ cha mình, sau đó là nhờ sự dìu dắt đầy trách nhiệm, tâm huyết của các thầy và sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất của từng cá nhân.
Nói về thể lực, cả 6 anh em là con ông Thêm đều "ngoại cỡ" so với chiều cao của người Việt. Trong đó, 3 người là vận động viên thì Kiên cao 1m91, Dũng cao 1m82, An cao 1m70.
Kiên tiết lộ, vận động viên Rowing Hồ Thị Lý (SN 1991, quê ở Quảng Trị), một trong 4 "cô gái vàng" giành về tấm HCV đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 18 mới đây tại nội dung rowing thuyền nhẹ đồng đội nữ chính là vợ sắp cưới của mình. Sau giải, Lý đã cùng với An về nhà chồng sắp cưới để mở tiệc mừng.
"Bọn em dự kiến sẽ tổ chức cưới vào tháng 11 năm nay. Bố mẹ thì muốn tổ chức vào tháng 10 nhưng vì tháng 10, Lý còn bận tham gia thi đấu" - Kiên tâm sự.
Thêm một thông tin đặc biệt về một "gia đình rowing" này nữa là vợ của anh trai Trần Đăng Dũng tên là Hồ Thị Huyền cũng từng là vận động viên rowing của tỉnh Hà Tĩnh, nhưng sau khi lấy chồng đã giải nghệ.
Ông Thêm cho biết, 3 người con là vận động viên rowing của mình đều theo học Trường Đại học thể dục, thể thao ở Bắc Ninh. Trong đó, Dũng đã tốt nghiệp năm 2018. Kiên đang là sinh viên năm cuối, An là sinh viên năm 3; vợ sắp cưới của Kiên cũng là sinh viên năm 3 của trường này. Tất cả đều đi học Đại học khi đang đỉnh cao phong độ, mang về nhiều thành tích cao.
Phấn khởi với bề dày thành tích tham gia thi đấu, bộ sưu tập huy chương "khủng" của các con mình, ông Thêm cho biết, bản thân càng vui mừng hơn khi cả 3 đứa đều học đại học với tính toán, có tấm bằng để tính nghề nghiệp lâu dài sau này, chứ sự nghiệp thi đấu thì chỉ mang lại vinh quang khi còn đỉnh cao phong độ, hết phong độ thì sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
Ông Thêm còn chia sẻ, suốt 10 năm qua, 3 đứa con của mình thi đấu khắp trong, ngoài nước, nhưng vợ chồng ông cũng mới chỉ vài lần ra Hà Nội cổ vũ cho con thi đấu. Chứ thi đấu ở nước ngoài thì chưa một lần, vì điều kiện kinh tế không cho phép, thêm nữa, công việc đồng áng với 1,5 mẫu ruộng, thêm đàn vịt, đàn gà cũng khiến vợ chồng ông bận bịu luôn tay, chẳng còn thời gian mà vui chơi, thăm thú đây đó.