Bộ phim dài tập về tương lai của Pogba chưa có hồi kết. Khi Pogba từ chối ràng buộc tương lai với Man United, các CĐV biết đồng hồ đã bắt đầu đếm ngược. Trong bóng đá hiện đại, khi một cầu thủ không toàn tâm cho CLB nữa, anh ta sẽ có cách để đến nơi mình muốn (hoặc đến nơi… muốn mình).
Đấy tất nhiên là một cú tát vào niềm kiêu hãnh của "Quỷ đỏ". Nhưng đây đâu phải lần đầu tiên cầu thủ tốt nhất Man United nhìn về nơi khác.
Chuyện ấy từng xảy ra hồi năm 2008, khi Cristiano Ronaldo muốn sang Real Madrid. Khi được hỏi về tương lai của mình, Ronaldo đã nói: "Chỉ có Chúa mới biết". Thực ra anh đã biết, chứ nào chờ đến Chúa. EURO 2008, Ronaldo nói với phóng viên: "Tôi thích chơi trong màu áo trắng". Rồi dừng lại một chút, anh nói tiếp: "Ý tôi là màu áo trắng của đội tuyển".
Chỉ úp mở thế thôi, đủ để Real Madrid hiểu họ phải đẩy nhanh cường độ lẫn tiến độ thương thảo. Úp mở thế, để lỡ vụ chuyển nhượng bất thành, Ronaldo vẫn còn đường ở lại Man United. Cầu thủ ngày nay… khôn lắm.
Pogba cũng khôn như thế. Anh chẳng nói là mình muốn ra đi, chỉ thể hiện một sự bâng khuâng cũ mèm: "Ai mà nói trước được tương lai". Và dù anh bảo: "Tôi luôn cống hiến hết mình cho United như mọi khi" thì đấy cũng chỉ là một sự đấu dịu vụng về.
Cách đây vài ngày, Toni Kroos có nói về Leroy Sane và chê "ngôn ngữ cơ thể" của tiền về người Đức. Pogba cũng gặp vấn đề với "ngôn ngữ cơ thể" như thế. Bởi vì nhìn anh thi đấu, người ta không thấy anh chiến đấu. Khi thăng hoa, anh quả thực rất nổi bật trên sân. Nhưng khi mất hứng, anh cũng… mất tích. Người ta không thấy anh nỗ lực, không thấy anh đau với một thất bại.
Ngày Pogba trở lại Man United, nhiều người đã nghĩ về một kịch bản đẹp: đứa con do Man United đào tạo đã trở về nhà, để mở ra bình minh cho "Quỷ đỏ". Nhưng đã hơn hai năm, bình minh ấy vẫn chưa ló dạng. Có chăng là sự chán chường mà Jose Mourinho dành cho Pogba, và sự chán chường của Pogba trong tình cảnh hiện tại.
Nếu Pogba muốn đi, có lẽ Man United nên để anh toại nguyện. Khi cuộc chiến giữa Pogba và Mourinho nổ ra trong mùa hè, nhiều người đã đứng về phía tiền vệ người Pháp. Anh còn quá trẻ, lại vừa là nhà vô địch thế giới, anh là tương lai của Man United.
Nhưng sau mấy tháng, tình hình đã khác. Uy tín của Mourinho đã được phục hồi, khi các CĐV Man United cảm động trước sự vùng vẫy của ông để thoát khỏi tình cảnh hiện tại. Còn Pogba, "ngôn ngữ cơ thể" đã tố cáo anh. Các CĐV không thấy anh sống chết với màu áo này, như cái cách mà Mourinho đang sống chết.
Người đại diện Mino Raiola của Pogba có lẽ đang làm việc vất vả. Barcelona có vẻ sẵn sàng móc hầu bao để mang anh về. Nhưng Raiola có lẽ cũng đã cho Pogba một lời khuyên, như cách mà ông từng khuyên Zlatan Ibrahimovic ngày trước: nếu muốn ra đi, tốt nhất là phải đá đấm cho đàng hoàng.
Tốt nhất là hãy nhìn vào… Luke Shaw, từng bị Mourinho ghẻ lạnh thế nào, từng cô đơn biết bao, vẫn từng bước chứng tỏ bản thân và giờ trở thành một trong những điểm sáng hiếm hoi của Man United từ đầu mùa.
Pogba không thể giúp cho công việc cho Raiola dễ dàng hơn nếu anh cứ ung dung đi bộ như hiện tại. Vì một CLB nào dám chi một số tiền khổng lồ cho một cầu thủ không hết mình trên sân. Đấy có thể là một nghịch lý, nhưng Pogba phải chấp nhận: anh càng muốn ra đi thế nào, lại càng phải chơi hay bấy nhiêu trong thời gian tới.