Nhiều chuỗi bán lẻ quy mô nhỏ hơn đã được định giá cả tỷ đô, Saigon Co.op lãi nghìn tỷ mỗi năm lại bị âm mưu thâu tóm với giá rẻ như cho

Châu Cao |

Trong khi lợi nhuận của Big C, Aeon còn khá khiêm tốn; Vincommerce, Lotte Mart, Bách Hóa Xanh... vẫn còn lỗ lớn thì "anh cả" của ngành là Saigon Co.op có mức lợi nhuận vượt trội.

Ngày 27/7, thanh tra TP.HCM đã công bố kết luận về các sai phạm tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP (Saigon Co.op). Một trong các kết luận thanh tra nhấn mạnh việc các hợp tác xã thành viên tổ chức triển khai huy động vốn của các thành viên không đúng trình tự thủ tục quy định tại Luật Hợp tác xã và Điều lệ. 

Bên cạnh đó, có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op được hình thành từ khi thành lập đến nay, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung (tài sản không chia) và tài sản của Nhà nước.

Bên cạnh đó, đại hội thành viên 2020 của Saigon Co.op vẫn được tổ chức vào ngày 24/07/2020 dù Thanh tra thành phố trước đó đã đề nghị tạm đình chỉ Đại hội. 

Trong Đại hội có nhiều nội dung được thông qua ngoài chương trình dự kiến, trong đó có vấn đề về vốn, bãi nhiệm ủy viên Hội động Quản trị và và đề nghị cách chức Tổng Giám đốc vì lý do được đưa ra là Tổng Giám đốc đã không thực hiện Nghị quyết của Đại hội thành viên về việc huy động vốn nêu trên.

Dòng tiền tăng vốn điều lệ bất thường

Cụ thể, đầu năm 2020, Saigon Co.op đã tăng vốn điều lệ từ 3.027 tỷ lên 6.797 tỷ đồng. Kết quả, 20 trong tổng số 26 hợp tác xã thành viên tham gia góp vốn với số tiền hơn 3.597 tỷ đồng. Đơn vị góp nhiều nhất là hơn 952 tỷ đồng và đơn vị ít nhất là 50 triệu đồng.

Đáng chú ý, một số HTX như Linh Tây, vốn điều lệ 3 tỷ đồng góp vốn 952 tỷ, hay như SX Long Xương vốn 2 tỷ góp 241,8 tỷ, HXT TM P8 Q3, HTX TM Thị Nghè, HTX TM Đô Thành, HTX TM TMDV Bến Nghé, HTX TMDV Phú Thịnh, HTX TD P14 Q8 là các hợp tác xã có vốn điều lệ 2-3 tỷ nhưng góp vốn từ 200 – 300 tỷ vào Saigon Co.op đợt vừa rồi.

Nhiều chuỗi bán lẻ quy mô nhỏ hơn đã được định giá cả tỷ đô, Saigon Co.op lãi nghìn tỷ mỗi năm lại bị âm mưu thâu tóm với giá rẻ như cho - Ảnh 1.

Có 11 hợp tác xã góp vốn hơn 200 tỷ vào Saigon Co.op năm 2020, cá biệt HTX Linh Tây góp 952 tỷ

Kết luận thanh tra cho thấy điểm bất thường trong lần góp vốn này là trong giai đoạn 2018 - 2019, có một số hợp tác xã thành viên hoạt động có mức lợi nhuận sau thuế từ 5-6 tỷ đồng nhưng không tham gia góp vốn. 

Trong khi đó, các hợp tác xã chỉ đạt mức lợi nhuận từ 24 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng lại tham gia góp vốn với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Saigon Co.op có tỷ suất lợi nhuận đạt được từ 26-39% trên vốn góp nên nhu cầu của các cá nhân, tổ chức muốn đầu tư vào Saigon Co.op là có cơ sở. 

Nếu không làm rõ được nguồn gốc của dòng vốn tăng thêm thì Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài. Thống kê cho thấy có 11 hợp tác xã góp vốn trên 200 tỷ vào Saigon Co.op trong đợt tăng vốn vừa rồi.

Trước đó, đề xuất tăng vốn đã vấp phải một số ý kiến trái chiều, không đồng ý tăng vốn, nếu tăng thì phải đánh giá lại tài sản của Saigon Co.op theo giá thị trường. Tuy nhiên Đại hội thành viên thường niên của Saigon Co.op vẫn được diễn ra thành công khi các tờ trình đều được thông qua.

Nhiều chuỗi bán lẻ quy mô nhỏ hơn đã được định giá cả tỷ đô, Saigon Co.op lãi nghìn tỷ mỗi năm lại bị âm mưu thâu tóm với giá rẻ như cho - Ảnh 2.

Vingroup đã dừng và chuyển giao mảng bán lẻ từ cuối năm 2019; Central Retail bắt đầu hợp nhất Nguyễn Kim từ giữa năm 2019.

"Gà đẻ trứng vàng" mang về doanh thu hơn 30.000 tỷ mỗi năm

Vì sao nhiều cá nhân, tổ chức lại "thèm khát" Saigon Co.op như vậy?

Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, xuất phát điểm với mong muốn xây dựng một siêu thị văn minh hiện địa nhưng vẫn mang tính chất chợ truyền thống thân thiện với người tiêu dùng, năm 1996, Saigon Co.op lần đầu tiên cho ra mắt siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh.

24 năm sau, Saigon Co.op đã mở rộng ra hơn 800 siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Tính đến tháng 4/2019, hệ thống Saigon Co.op có 113 siêu thị Co.op mart, 4 đại siêu thị Co.op Xtra, 353 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food, 67 cửa hàng tạp hóa hiện đại Co.op Smile, 22 cửa hàng tiện lợi Cheers 24h, 4 trung tâm thương mại Sense City, trung tâm thương mại SC Vivo city liên doanh với Mapletree, 128 cửa hàng Co.op…phủ kín tất cả các phân khúc bán lẻ.

Ngoài ra, Saigon Co.op còn mở rộng trong mảng đầu tư với CTCP Đầu tư và phát triển Saigon Co.op (SCID), mảng xuất nhập khẩu có công ty TNHH một thành viên phân phối Saigon Co.op (SCD) phân phối độc quyền các hãng như Parker & Waterman từ tập đoàn Newell Rubbermaid (Anh), dầu gội đầu Pantene, Head & Shoulders, Sữa tắm Olay từ tập đoàn P&G (Mỹ), các loại bột dinh dưỡng Topmass từ công ty AIDA, sữa Vitaplan được nhập khẩu từ New Zealand.

Mảng sản xuất có 2 công ty là Công ty TNHH Thực phẩm quốc tế Nam Dương nhãn hiệu con mèo đen và công ty Xuân Hồng hoạt động trong lĩnh vực gia công, đóng gói và phân phối hàng nông sản thực phẩm.

Về kết quả kinh doanh, Saigon Co.op cho biết tổng doanh thu của toàn hệ thống năm 2019 khoảng 35.000 tỷ, tăng hơn 3.000 tỷ đồng, tương đương tăng 9,4% so với năm 2018. Năm 2020, Saigon Co.op đặt kế hoạch kinh doanh tăng 10%, đạt 38.900 tỷ đồng; Phát triển mạng lưới và nâng cao hiệu quả đầu tư tại tất cả các mô hình bán lẻ. 

Phấn đấu phát triển hơn 200 điểm bán mới, vượt mốc 1.000 điểm bán vào cuối năm 2020 và là đơn vị bán lẻ thuần Việt có nhiều nhất các mô hình bán lẻ hiện đại nhất Việt Nam.

Nhiều chuỗi bán lẻ quy mô nhỏ hơn đã được định giá cả tỷ đô, Saigon Co.op lãi nghìn tỷ mỗi năm lại bị âm mưu thâu tóm với giá rẻ như cho - Ảnh 3.

Số liệu của riêng công ty mẹ Saigon Co.op cho thấy, kể từ năm 2015 đến nay, đều duy trì lợi nhuận trên 1.000 tỷ/năm. Đây là con số lợi nhuận đáng mơ ước trong ngành bán lẻ khi Lotte Mart vẫn đang thua lỗ, Aeon Mall lợi nhuận chỉ vài trăm tỷ, Vinmart, Bách Hóa Xanh, vẫn đang đi tìm điểm hòa vốn.

Hiệu suất trên mỗi cửa hàng của hệ thống Saigon Co.op cũng vượt trội hơn so với các đối thủ, mặc dù chỉ hơn 800 cửa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị song doanh thu của Saigon Co.op vẫn vượt trội hơn Vinmart (với hơn 1.700 điểm bán và hệ thống siêu thị), và bỏ rất xa so với Bách Hóa Xanh.

Hiểu một cách nôm na, nếu Masan phải chi hàng tỷ USD để sở hữu Vincommerce vẫn còn chưa có lãi [giao dịch trước đó của GIC định giá Vincommerce khoảng 3 tỷ USD] hay Central Group chi hơn 1,1 tỷ USD mua lại hệ thống Big C Việt Nam với quy mô khiêm tốn hơn nhiều thì giá trị của Saigon Co.op cũng phải lên tới vài tỷ USD.

Không những quy mô tương đương hoặc nhỉnh hơn về một số mặt, điểm nổi trội của Saigon Co.op là việc lãi đều đặn hơn nghìn tỷ mỗi năm, tỷ suất lợi nhuận trên vốn góp từ 26-39%. Do đó, việc các cá nhân, tổ chức muốn thâu tóm Saigon Co.op là điều rất dễ hiểu.

Trong bản kết luận thanh tra Saigon Co.op, Thanh tra TP kiến nghị Chủ tịch UBND TP chỉ đạo, yêu cầu Saigon Co.op tạm ngưng thực hiện các nội dung liên quan đến kết luận thanh tra và không thay đổi nhân sự HĐQT, Ban Tổng giám đốc, lãnh đạo các phòng ban đến khi có kết luận xử lý và chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra của người có thẩm quyền.

Cùng với đó, tổ chức rà soát kiểm tra, làm rõ nguồn vốn góp của các HTX thành viên, đề xuất phương án xử lý số vốn điều lệ tăng từ vốn, tài sản không chia; số tiền huy động năm 2020 tăng vốn điều lệ không đúng quy định; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án xử lý số tiền tăng vốn điều lệ từ nguồn tích lũy không chia qua các năm để báo cáo UBND TP.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại