Vinaxuki - đại gia một thời ôm mộng sản xuất ô tô “made in Vietnam” đầu tiên - bị rao bán tài sản đảm bảo lần thứ 6

Huyền Trang |

Cùng với Trường Hải, Vinaxuki là một trong hai doanh nghiệp ô tô tư nhân đầu tiên được Chính phủ cấp giấy phép sản xuất ô tô các loại và phụ tùng.

Vinaxuki - đại gia một thời ôm mộng sản xuất ô tô “made in Vietnam” đầu tiên - bị rao bán tài sản đảm bảo lần thứ 6 - Ảnh 1.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank- VCB) Sở giao dịch vừa thông báo phát mại tài sản đảm bảo CTCP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki chi nhánh Đắk Nông.

Trong đó, các tài sản bao gồm:  2 lò bằng hoàn nguyên luyện Antimon công suất 100 tấn/ngày; 1 lò luyện Antimon công suất 100 tấn/ngày; 1 dây chuyền tuyển quặng Antimon công suất 130 tấn/ngày; máy nghiền bi ướt, máy cấp liệu rung điện tử, máy phân cấp xoắn ốc, máy sàng bàn, máy tuyển từ, máy đập hàm mịn, bộ hàm dự phòng; thiết bị tuyển quặng Antimon, công suất 110 tấn/ngày và 1 dây chuyền tuyển quặng Antimon - tuyển nổi, trọng lực công suất 100 tấn/ngày được rao bán lần thứ 6 sau 5 ngày không thành công với giá khởi điểm bán đấu giá lần 6 là gần 4,1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng rao bán lần thứ 3 toàn bộ hệ thống máy luyện Antimon với giá khởi điểm 281,8 triệu đồng.

Tổng giá trị của các tài sản rao bán là gần 4,4 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 7/2023, Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank AMC) cũng thông báo xử lý tài sản bảo đảm là 15 xe ô tô tải hiệu Vinaxuki đang trong kho nhà máy Vinaxuki Mê Linh, các xe đều chưa hoàn thiện để xuất xưởng, sản xuất từ năm 2012 để thu hồi nợ của CTCP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki.

Khoản nợ gốc của Vinaxuki là 82,4 tỷ đồng, tính đến ngày 4/7/2023 lãi phát sinh lên đến 166,1 tỷ đồng. Tổng giá trị khoản nợ là 248,5 tỷ đồng.

Vào tháng 8 năm ngoái, Vietcombank Thăng Long cũng từng đấu giá máy móc thiết bị tại Chi nhánh CTCP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki – Nhà máy sản xuất ô tô số 1, Mê Linh, Hà Nội với giá khởi điểm là 33,1 tỷ đồng.

Năm 2020, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng bán đấu giá khoản nợ của Vinaxuki và Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên (Công ty Vinaxuki Thái Nguyên) với tổng dư nợ gốc và lãi tính đến hết ngày 15/9/2019 là 1.265 tỷ đồng.

Vinaxuki được ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch HĐQT - thành lập vào năm 2004, với tham vọng trở thành nhà sản xuất ô tô “made in Vietnam” đầu tiên. Cùng với Trường Hải, đây là một trong hai doanh nghiệp ô tô tư nhân đầu tiên được Chính phủ cấp giấy phép sản xuất ô tô các loại và phụ tùng.

Vinaxuki Xuân Kiên từng dẫn đầu thị trường trong nước đối với dòng xe tải hạng nhẹ. Ngày đó, nhà máy Vinaxuki ở Thanh Hóa nhộn nhịp ngày đêm để cho ra thị trường những chiếc xe tải gắn với tên tuổi ông Huyên.

Tuy nhiên, sai lầm về chiến lược phát triển cùng những lý do khách quan khác đã khiến tên tuổi của Vinaxuki rơi dần vào quên lãng. Theo đó, từ năm 2009, công ty này không còn tập trung cho dòng xe tải mà theo đuổi giấc mơ sản xuất ô tô con Made in Vietnam trong bối cảnh thị trường đã có sự hiện diện của những “ông lớn” ngoại có tuổi đời cả trăm năm.

Giấc mơ ô tô Việt của Vinaxuki đã đột ngột dừng lại vào năm 2012 khi Vinaxuki lỗ 45 tỷ đồng và nợ quá hạn các ngân hàng. Từ đó, Vinaxuki không thể vay được vốn ở ngân hàng nào, dù chỉ là vốn lưu động.

Cũng từ đó, Vinaxuki rơi vào thảm cảnh thua lỗ, nợ nần, các dây chuyền sản xuất bị “đắp chiếu”. Cuối 2012, công ty này nợ ngân hàng tổng cộng 1.472 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại