10 năm “trường kỳ mai phục” nhưng… bất thành
Năm 2002, lần đầu tiên ban lãnh đạo Viettel (trong đó có ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Viettel hiện nay) có dịp sang Myanmar. Lúc đó, đây vẫn là một quốc gia còn khá biệt lập với thế giới bên ngoài do ảnh hưởng của các lệnh cấm vận của Mỹ và Phương Tây.
Nguồn tin từ Viettel cho biết, thời điểm này, công ty chưa thành lập bộ phận đầu tư nước ngoài những các lãnh đạo đã ấp ủ giấc mơ vào Myanmar.
Ba lý do đầu tư đã được các lãnh đạo công ty này đưa ra. Một là, Myanmar và Việt Nam có nhiều nét văn hóa tương đồng: về vị trí, văn hóa và mối quan hệ chính trị vẫn luôn tốt đẹp giữa 2 quốc gia.
Hai là kinh tế quốc gia này còn nhiều tiềm năng phát triển do có tài nguyên phong phú và đội ngũ lãnh đạo có học thức cao, Myanmar từ những thập niên 80, là một cường quốc tại khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, thị trường viễn thông còn rất sơ khai, mạng nhà nước MPT giữ vị trí độc quyền.
Đến năm 2009, Viettel đã hiện thực hóa kế hoạch tiếp cận Myanmar và quyết định thành lập Văn phòng đại diện tại đây, đồng thời nhân viên sang nằm vùng, học tiếng Myanmar, tìm hiểu thị trường và các quy định của pháp luật để tìm kiếm cơ hội.
Đầu năm 2013, sau gần 10 năm “mai phục”, Chính phủ Myanmar công bố mở thầu cấp 2 giấy phép viễn thông quốc tế. Cơ hội cho Viettel không dễ dàng khi con số tham gia là 91 nhà mạng trên khắp thế giới, với tất cả các Tập đoàn viễn thông lớn và lâu đời nhất trên thế giới như Vodafone, Airtel, Telenor, Digicel… đều có mặt.
Viettel đã vượt qua vòng sơ loại, tiến đến vòng cạnh tranh cuối, cùng 11 đối thủ khó nhằn nhất. Khi nộp hồ sơ vòng cuối, những người Viettel lên thủ đô Nay Pyi Taw để nộp thầu thực sự choáng ngợp với sự chuẩn bị kỹ càng và hoành tráng của Digicel (đối thủ lớn của Viettel tại khu vực châu Mỹ).
Digicel quảng cáo rầm rộ, khắp mọi ngả đường đều có người của thương hiệu này. Điều này cho thấy sự quyết liệt của các nhà mạng tham gia lớn đến thế nào. Tuy nhiên, ngay cả những người có chuẩn bị hoành tráng nhất cũng chưa chắc thắng thầu. Một tháng sau đó, thông tin Telenor và Ooredoo trúng thầu tràn ngập trên mặt báo…
Bài học từ việc không bỏ cuộc
Thất bại sau khi “trường kỳ mai phục” gần 10 năm, phải đương đầu với những đối thủ lớn nhất thế giới về viễn thông, và những điều khó đoán định trước của việc cấp phép, không làm cho những người Viettel nản lòng.
Ban lãnh đạo Tập đoàn này vẫn quyết định tiếp tục tìm cơ hội liên doanh. Và tia hy vọng lóe lên gần 1 năm sau đó khi có thông tin: Công ty cung cấp Internet Yatanarpon (YTP) sẽ xin được giấy phép thứ 4.
Lúc đó, một lãnh đạo cấp cao của Viettel được điều động sang Myanmar, trực tiếp “nằm vùng” tới 4 tháng chỉ để đàm phán liên doanh với YTP. Thời điểm đó, YTP cũng có rất nhiều đối tác khác nên việc đàm phán vô cùng khó khăn.
Đích thân Tổng Giám đốc Viettel - Nguyễn Mạnh Hùng cũng phải trực tiếp sang và sau một thời gian dài, thỏa thuận đã được thống nhất, chỉ còn đợi ký chính thức.
Những tưởng trái ngọt cuối cùng đã đến với Viettel, thì chỉ một thời gian ngắn sau đó, Chính phủ Myanmar đã quyết định hủy việc cấp giấy phép thứ 4 cho YTP.
Đây là một cú sốc lớn với những người đi xúc tiến đầu tư của công ty Việt Nam bởi họ đã phải nỗ lực, cũng như chờ đợi cơ hội trong nhiều năm, tìm nhiều cách khác nhau… Rất nhiều người hiểu tình hình đã nghĩ đến việc Viettel sẽ từ bỏ cơ hội vào Myanmar.
Thế nhưng, việc “từ bỏ” khi vẫn thấy cơ hội kinh doanh tốt “không có trong từ điển của Viettel”. Việc “mừng hụt” với cơ hội liên doanh cùng YTP đã khiến những người Viettel đã sang đây hơn 10 năm rất thất vọng nhưng họ và những lãnh đạo điều hành ở Việt Nam không tuyệt vọng.
Ngay sau khi cơ hội liên doanh lần thứ 2 bị từ chối, đội dự án của Viettel tại “xứ sở chùa vàng” lại tiếp tục tìm kiếm các cơ hội mới dù không biết chắc là đến phút chót có bị hụt như lần trước hay không. Và cuối cùng, ngày ấy cũng đến.
Ngày 8/8/2016, Viettel chính thức ký kết hợp đồng liên doanh với 2 đối tác Myanmar. Tổng vốn đầu tư của liên doanh là 2 tỷ USD, trong đó Viettel nắm giữ 49%, hai đối tác Star High và MNTH chiếm lần lượt là 28% và 23%. Ngày 14/1/2017 – sau gần 15 năm “trường kỳ mai phục”, Viettel đã nhận được giấy phép đầu tư chính thức từ Chính phủ Myanmar.
Những người Viettel đi mở đường ở “xứ sở chùa vàng” đã rút được bài học nào, làm những gì để thành công sau 15 năm tìm cơ hội vẫn chưa được hé lộ.
Tuy nhiên, một lãnh đạo Viettel từng nằm vùng nhiều năm ở Myanmar để tìm kiếm giấy phép chia sẻ: “Trong những lúc vô cùng thất vọng, chúng tôi hiểu rằng, cố gắng chưa chắc sẽ thành công, nhưng bỏ cuộc thì chắc chắn sẽ thất bại. Và rồi chúng tôi cũng tìm thấy ánh sáng ở cuối con đường”.
Cơ hội từ thị trường tăng trưởng với cấp số nhân
Cho tới khi Viettel được cấp phép thành lập liên doanh với thương hiệu Mytel tại Myanmar, theo báo cáo Green Power for Mobile Market Analysis, Myanmar hiện có khoảng 35,8 triệu thuê bao di động trên 62 triệu dân, tức là mật độ thuê bao là 58/100. Thực tế là quy mô thị trường đã tăng gấp 7 lần chỉ trong 2 năm từ 2013 – 2015.
Tuy nhiên, cũng chính nhờ mức độ tăng trưởng theo cấp số nhân của thị trường viễn thông di động tại đây mà Myanmar vẫn có một sức hút rất lớn. Nhìn vào mật độ thuê bao di động của Việt Nam hiện nay là 140/100, có thể thấy cơ hội cho tăng trưởng tại “xứ sở chùa vàng” vẫn còn cực lớn.
Thực tế, với sự tham gia của Viettel – công ty từng làm nhiều điều thần kỳ về tăng trưởng cho cả hạ tầng viễn thông lẫn thuê bao di động ở nhiều quốc gia, Chính phủ Myanmar kỳ vọng tăng tỷ lệ những người đang có điện thoại đến từ 75% ~ 80% vào năm 2017.