Con người luôn cảm thấy hứng thú với những kiến trúc kỹ thuật khổng lồ, ví dụ như những tòa nhà chọc trời, các ý tưởng thiên tài của những kiến trúc sư. Vào cuối thế kỷ XIX, thế giới đã chứng kiến sự ra đời của những công trình vĩ đại mà đến tận ngày nay vẫn đầy sức mê hoặc.
Những kiến trúc khổng lồ tiếp tục chinh phục thế giới, thế còn xe tăng thì sao? Liệu đã từng có ai tạo ra được những chiếc xe tăng khổng lồ khiến cho mọi người phải ngưỡng mộ chưa?
Nhà sử học Yury Bakhurin sẽ giúp chúng ta tìm hiểu thêm về điều này. Anh là người biết tường tận về việc liệu những cỗ máy chiến đấu có thể lớn đến mức nào, và tại sao điều này lại không xảy ra.
Vào đầu Thế chiến thứ nhất, kỹ sư Lebedenko đã nảy ra ý tưởng về cỗ chiến xa này. Ông muốn tạo ra một phương tiện chiến đấu mạnh mẽ, có thể chọc thủng chiến tuyến địch nhờ vào kích thước khủng của nó.
Tháng 1 năm 1915, trên bàn làm việc của Sa hoàng Nga Nicholas II đã xuất hiện hồ sơ dự án về việc chế tạo một cỗ máy "thần kỳ". Kỹ sư "vô danh tiểu tốt" Nikolai Lebedenko đã mang đến cho Sa hoàng một chiếc mô hình phương tiện chiến đấu chạy bằng dây cót, và Sa hoàng đã bị món đồ chơi mô hình này hút hồn – theo đúng nghĩa đen. Ngay lập tức, ông ta đã chính thức cho phép chế tạo cỗ xe tăng Sa Hoàng (Tsar-tank) này.
Tsar-tank của Lebedenko, hay còn được gọi là Netopy (tên một loài dơi khổng lồ), là một trường hợp kinh điển cho việc dự án được phê duyệt thành công nhờ đệ trình trực tiếp cho người ra quyết định.
Câu chuyện này đã trở nên rất nổi tiếng: Nhà vua và nhà thiết kế chơi đùa vui vẻ với chiếc xe mô hình lên dây cót, cùng rượt đuổi theo nó trên sàn nhà, ngắm nhìn cách nó vượt qua các chướng ngại vật "ngẫu hứng" là những đống sách. Sau đó, đôi bạn thân chia tay, và nhà thiết kế nhận được một khoản tiền nhiều đến "điên rồ" vào thời điểm đó.
Công việc diễn ra nhanh chóng dưới sự bảo trợ của Sa hoàng. Một cỗ máy dị thường bằng kim loại đã được chế tạo và đến cuối mùa xuân năm 1915 được bí mật lắp ráp ở gần làng Orudevo – huyện Dmitrov.
Việc cỗ xe tăng được chế tạo hoàn toàn bởi các doanh nghiệp trong nước cũng chứng tỏ rằng sự quan tâm tới dự án là không hề nhỏ. Toàn bộ dự án được bao trùm trong bí mật tuyệt đối. Việc chế tạo các chi tiết được xé lẻ ra và giao cho những nhà máy khác nhau.
Các bộ phận của xe tăng được đặt hàng dưới vỏ bọc là các bộ phận của tàu chiến hoặc linh kiện dùng trong công nghiệp nặng.
Tốc độ di chuyển theo thiết kế của xe tăng là 17 km/h, và để có thể khiến cho cỗ máy khổng lồ này chạy được thì người ta đã sử dụng động cơ lấy từ chiếc khí cầu Zeppelin của Đức bị bắn hạ.
Chính những động cơ này đã quay các bánh xe nan hoa khổng lồ có đường kính đến 9 mét.
Bánh xe phía sau nhỏ hơn đáng kể với đường kính chỉ vào khoảng 1.5 m.
Tháp súng máy được đặt cố định cách mặt đất khoảng 8 mét. Thân xe tăng hình chữ T có chiều rộng 12 mét.
Một điểm thú vị là Lebedenko lại chỉ trang bị súng máy làm vũ khí trên xe tăng của mình. Bù lại, những khẩu súng này được bố trí khá hợp lý: chúng đảm bảo hỏa lực vòng tròn (360 độ). Ngoài ra, riêng phần thân dưới của xe tăng cũng được trang bị vũ khí.
Cỗ xe tăng "Con dơi" được chế tạo trong thời gian ngắn kỷ lục nhờ vào ngân sách "khủng" do nguyên thủ quốc gia đích thân phân bổ. Ngày 27 tháng 8 năm 1915, người ta tiến hành các thử nghiệm vận hành đầu tiên trên chiếc xe tăng đã hoàn thiện.
Động cơ được khởi động, chiếc xe tăng Sa hoàng rung lên tại chỗ, cán gục một cây bạch dương nhỏ khi lăn bánh xe qua, trèo được lên các thanh ván gỗ dùng để vượt qua một số địa hình đầm lầy.
Tuy nhiên, khi rời khỏi các ván gỗ, cỗ xe tăng Sa hoàng đã bị sa lầy và mắc kẹt trong vô vọng.
Phần đuôi xe phải chịu sức nặng của cả khối thép khoảng 40 tấn khiến cho bánh sau bị lún sâu vào đất. Người ta đã cố gắng trong vô vọng để kéo chiếc xe, và theo như lịch sử ghi nhận thì chiếc xe đã không thể được giải cứu.
Ngay trong thiết kế của chiếc xe đã ẩn chứa điểm yếu chính của nó, từ đó dẫn đến thử nghiệm thất bại: Đó là sự phân bố trọng lượng không hợp lý khiến cho điểm chịu lực lớn nhất lại đặt ở đuôi xe.
Để so sánh: điểm cao nhất của xe tăng Sa hoàng là 9 mét, tức là gấp 4 lần chiều cao của mẫu xe tăng T-34 kinh điển của thế chiến 2.
Vào thời điểm đó, khi cuộc thử nghiệm chiếc xe tăng vừa kết thúc thì Đế quốc Nga cũng đã bị "lung lay" bởi một loạt các xung đột nội bộ, chia rẽ và khó khăn. Kế đó, một thời gian sau lại nổ ra cuộc cách mạng tháng Hai, rồi đến cách mạng tháng Mười. Và đương nhiên là chẳng ai còn quan tâm đến chiếc xe tăng nữa.
Nhân tiện, cũng chính vì điều này mà nhiều người đã đưa ra thuyết âm mưu rằng đây là ý đồ của tình báo Anh núp dưới chiêu bài "trợ giúp đồng minh" nhưng thực tế thì muốn làm suy yếu chính phủ Nga bằng cách đưa ra một ý tưởng sai lầm.
Về nguyên tắc, có thể cho rằng: nếu loại xe tăng Lebedenko được sản xuất với số lượng đủ lớn, nếu Sa hoàng có thể chế tạo ra ít nhất vài trăm cỗ máy như vậy trong khi vẫn giữ được bí mật thì có khả năng sự xuất hiện của chúng trên chiến trường sẽ tạo ra được hiệu ứng tâm lý sợ hãi – giống như cách mà những chiếc xe tăng đầu tiên của Anh đã gây ra cho người Đức, bởi nói chung thì mẫu xe tăng Sa hoàng này cũng có tiềm năng quân sự.
Từ khía cạnh cách mạng khoa học và công nghệ quân sự theo tiêu chuẩn của Chiến tranh thế giới thứ nhất thì Tsar-tank là một dự án táo bạo và kỳ lạ. Ở thời điểm đó, nhiều dự án chế tạo thiết bị quân sự có kích thước lên tới hàng trăm mét đã từng được đề xuất, thế nhưng chỉ có duy nhất Tsar-Tank được lịch sử ghi nhận là phương tiện chiến đấu có kích thước lớn nhất từng được chế tạo hoàn chỉnh và đem ra thử nghiệm.
Tsar-tank là một tượng đài của thời đại, và ngoài ra còn là tượng đài của các ý tưởng thiết kế. Đây là một sản phẩm kỹ thuật vô cùng độc đáo "tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả" – (người trước, kẻ sau không ai bằng). Có lẽ cỗ xe tăng này là thiết bị dị thường nhất trong lịch sử từng được tạo ra từ ý tưởng của các nhà kỹ thuật.