Vietnam Airlines lỗ 10.788 tỷ đồng sau 6 tháng, dự kiến cả năm 2021 lỗ hơn 14.000 tỷ đồng

Hà My |

Theo Vietnam Airlines, 2 đợt bùng phát dịch bệnh đúng vào các giai đoạn cao điểm Tết và trước kỳ nghỉ 30/4-1/5 kéo dài sang cả cao điểm hè đã ảnh hưởng hết sức tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines. Hãng hàng không quốc gia nhận định: "Các chỉ số tài chính diễn biến theo hướng rất tiêu cực và rủi ro".

Sáng 14/7, Tổng công ty hàng không Việt nam (Vietnam Airlines) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2021. Theo tài liệu được công bố, năm nay Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu 37.364 tỷ đồng, giảm 12% so với năm trước.

Vietnam Airlines dự kiến lỗ trước thuế 14.304 tỷ đồng và lỗ sau thuế 14.526 tỷ đồng, tăng khoảng 30% so với số lỗ năm 2020.

Tại thời điểm 31/12/2020, vốn chủ sở hữu Vietnam Airlines còn 6.072 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 9.300 tỷ đồng. Như vậy, nếu lỗ tiếp hơn 14.000 tỷ đồng, Vietnam Airlines sẽ âm vốn chủ sở hữu khoảng trên 8.000 tỷ đồng và lỗ lũy kế tăng lên 23.800 tỷ đồng.

Vietnam Airlines lỗ 10.788 tỷ đồng sau 6 tháng, dự kiến cả năm 2021 lỗ hơn 14.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Theo Vietnam Airlines, năm 2021 được dự báo vẫn rất khó khăn. Về vĩ mô, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp với các đợt dịch bùng phát mới và các biến thể mới của virus.

Trong 6 tháng đầu năm, 2 đợt bùng phát dịch bệnh đúng vào các giai đoạn cao điểm Tết và trước kỳ nghỉ 30/4-1/5 kéo dài sang cả cao điểm hè đã ảnh hưởng hết sức tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines.

Bên cạnh đó, giá dầu năm 2021 còn dự kiến tăng cao, trung bình cả năm có thể lên 70,44 USD/thùng khiến chi phí của Vietnam Airlines tăng thêm khoảng 700 tỷ đồng so với 2020.

Vietnam Airlines dự báo đối tượng khách quốc tế đi/đến Việt Nam trong thời gian tới chủ yếu vẫn là khách công vụ, chuyên gia, người hồi hương... trong khi đối tượng khách chủ đạo là khách du lịch (vốn chiếm 90% nhu cầu) vẫn chưa thể phục hồi như trước dịch.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trong nước, các chuyến bay hồi hương cũng sẽ giảm mạnh do khó khăn về cơ sở cách ly trong nước. Do hoạt động khai thác hành khách hạn chế, hoạt động khai thác hàng hóa vẫn đóng vai trò quan trọng với Vietnam Airlines.

Năm 2020, Vietnam Airlines đã báo lỗ khoảng 11.000 tỷ đồng và sang 6 tháng đầu năm 2021, Vietnam Airlines đã lỗ hợp nhất khoảng 10.788 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ lỗ khoảng 9.823 tỷ đồng.

Vietnam Airlines đánh giá "các chỉ số tài chính diễn biến theo hướng rất tiêu cực và rủi ro". Vietnam Airlines đã đưa ra nhiều giải pháp để cắt giảm chi phí, và dự kiến tổng chi phí có thể cắt giảm từ các giải pháp này là 6.800 tỷ đồng.

Năm nay, Vietnam Airlines dự kiến bán 11 tàu bay A321 cũ nhằm bổ sung dòng tiền và thu nhập. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường dư thừa tàu bay nên việc bán 11 tàu bay cũng có thể bị ảnh hưởng.

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện tại số nợ phải trả quá hạn của Vietnam Airlines đạt tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng.

Vietnam Airlines hiện đang đối mặt với rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá hạn quá cao, và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại