Lỗ 20.000 tỷ đồng nếu không cắt giảm chi phí
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), dịch COVID-19 đã khiến hơn 50% số máy bay chở khách trên thế giới ngừng hoạt động, giảm 50% doanh thu trong năm 2020 (tương đương mất 419 tỷ USD), các hãng lỗ khoảng 84 tỷ USD
IATA dự báo ngành hàng không Việt Nam mất 4,35 tỷ USD doanh thu trong năm 2020.
Với VNA, đại diện hãng cho hay, sản lượng năm nay dự kiến giảm 48% so với năm trước, kéo theo doanh thủ giảm 50.000 tỷ đồng. Từ chỗ hãng đang lãi năm ngoái, chuyển sang lỗ gần 20.000 tỷ đồng, sau cắt giảm chi phí còn lỗ từ 15.000 -16.000 tỷ đồng.
Riêng chi phí cố định hằng tháng của VNA hết hơn 2.100 tỷ đồng, trong đó đa số là tiền thuê tàu bay với khoảng 1.300 tỷ đồng/tháng, tiếp đến là chi phí khấu hao, bảo dưỡng tàu bay và nhân công.
Tương tự, Jetstar Pacific cũng giảm sản lượng và doanh thu nửa đầu năm nay khoảng 64% so với cùng kỳ năm trước, cũng từ lãi chuyển sang lỗ 1.200 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dự kiến VNA sẽ nhận lại phần vốn của Qantas đang nắm tại hãng hàng không Jetstar Pacific,
Với hãng hàng không K6 (Cambodia Angkor Air, VNA nắm 49% cổ phần), sản lượng và doanh thu nửa đầu năm cũng giảm tương ứng 24% và 27% so với cùng kỳ năm trước, lỗ hơn 14 triệu USD. Giải pháp đước VNA đư ra là tái cơ cấu, thu hẹp quy mô, thoái vốn.
Các công ty thành viên khác của VNA cũng giảm lợi nhuận hơn 1.700 tỷ đồng, dự kiến VNA sẽ mất số tiền cổ tức tương đương 636 tỷ đồng.
Để giúp hãng vượt qua khó khăn, VNA kiến nghị Chính phủ hỗ trợ cho vay tái cấp vốn số tiền khoảng 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, phù hợp với tình huống hỗ trợ khẩn cấp; thời gian vay tối thiểu 3 năm và có bảo lãnh của Chính phủ.
VNA cũng đề xuất phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn, nhà nước sử dụng các nguồn vốn hoặc giao SCIC mua cổ phần VNA, quy mô phát hành phù hợp với số tiền được vay, đảm bảo tổng nguồn vốn bổ sung khoảng 12.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn trung và dài hạn, VNA kiến nghị Chính phủ bảo lãnh cho hãng phát hành trái phiếu 10 năm, tổng tiền huy động khoảng 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, VNA cũng kiến nghị Chính phủ có các giải pháp hỗ trợ chung cho các hãng hàng không Việt, như miễn giảm thuế, phí, đặc biệt với các thuế nhiên liệu bay…
Bay thẳng Mỹ từ năm sau
Để phục hồi sau dịch, VNA đặt trong tâm tăng cường khai thác mạng bay nội địa, trong bối cảnh đường bay quốc tế vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện khoảng 90% số tàu bay của hãng đã luân phiên hoạt động trở lại, hãng cũng sẵn sàng nguồn nhân lực và các điều kiện để khai thác trở lại đường bay quốc tế khi được phép.
Hiện, VNA đã khai thác thường lệ các đường bay chở khách từ Hà Nội/TPHCM đi Seoul (Hàn Quốc), với tần suất 5 chuyến/tuần và dự kiến tăng lên 14 chuyến/tuần từ tháng 7. Các chuyến bay này chỉ chở khách từ Việt Nam sang Hàn Quốc.
VNA cũng sẵn sàng cho khai thác từ 7/2020 các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN, ngay khi Chính phủ cho phép nối lại các đường bay. Với đường bay châu Âu, có thể sẽ nối lại vào cuối năm 2020.
Đặc biệt, sau khi thực hiện thành công 3 chuyến bay thẳng đón công dân Việt Nam từ Hoa Kỳ về nước, VNA cũng đặt mục tiêu đưa đường bay này vào khai thác thường lệ trong năm 2021.