Tại hội thảo hàng không diễn ra chiều nay (12/6), ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Tổng CTCP Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN ) cho biết Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có trao đổi về việc đầu tư vào doanh nghiệp nhưng hiện chưa có phương án cụ thể.
Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết công ty rất hoan nghênh khi SCIC có định hướng góp vốn. Tuy nhiên, để có thể giải ngân, SCIC sẽ cần xây dựng phương án, chiến lược cụ thể, khảo sát qua nhiều bước.
Với tính hình hiện nay, Vietnam Airlines ưu tiên phương án chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, quy mô khoảng 12.000 tỷ đồng. Đồng thời, hãng hàng không này đề xuất vay tái cấp vốn với quy mô tối thiểu 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi thấp nhất theo chính sách cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, thời gian vay tối thiểu 3 năm và có bảo lãnh của Chính phủ.
Kế toán trưởng Vietnam Airlines, ông Trần Thanh Hiền. ẢNh: VNA.
Trong trung và dài hạn, Vietnam Airlines muốn phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm được bảo lãnh bởi Chính phủ với quy mô 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay, giai đoạn 2021-2025.
Ông Hiền cho biết doanh thu công ty mẹ Vietnam Airlines ước tính giảm 50.000 tỷ đồng, tương đương 48% và có thể lỗ 20.000 tỷ đồng trong năm nay. "Doanh thu quốc tế chiếm 65% cơ cấu hiện tại chưa biết lúc nào khôi phục", lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết. Năm nay Jetstar có thể lỗ 1.200 tỷ đồng và Cambodia Angkor Air (K6) lỗ 14-15 triệu USD.
Kế toán trưởng hãng hàng không quốc gia cho biết chi phí cố định ước tính khoảng 2.100 tỷ đồng mỗi tháng. Sau khi cắt giảm chi phí, số lỗ năm nay có thể còn 15.000-16.000 tỷ đồng.
Mặt khác, các doanh nghiệp hàng không cũng phải đối mặt với việc giảm dòng tiền do khách hàng hoàn vé. Từ giữa tháng 2 đến tháng 3, Vietnam Airlines phải trả cho khách khoảng 4.500 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh số ngành hàng không giảm 95%, hoạt động chỉ 2-5% năng lực. "Với tình trạng này có thể đến tháng 8, công ty sẽ hết tiền", ông Hiền nói.
Về lo ngại có thể bị hủy niêm yết, ông Hiền cho rằng, từ đầu năm, Vietnam Airlines có vốn chủ sở hữu hơn 18.600 tỷ đồng, dự kiến trong năm nay công ty sẽ chưa bị âm vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, tăng vốn điều lệ vẫn là vấn đề cấp bách hiện nay.