An toàn, an ninh thông tin đang trở thành một trong những thách thức của thời đại mới khi mọi hoạt động trở nên số hóa trên mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến xã hội. Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về an toàn, an ninh thông tin.
Giám đốc Trung tâm An ninh mạng FPT, ông Phạm Tùng Dương chia sẻ: "Không có hệ thống nào không bị hack. Chỉ có hệ thống biết mình đã bị hack và hệ thống chưa biết mình bị hack".
Công nghệ số và môi trường mạng đang phát triển nhanh chóng mặt, vì vậy việc đảm bảo an toàn thông tin hiện đại trong doanh nghiệp ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Xu thế an ninh thông tin hiện nay không chỉ là bảo vệ mà còn phải tiến hành kiểm tra liên tục, dò tìm phát hiện tức thì.
Tình hình tấn công mạng tăng nhanh chóng cả về hình thức và quy mô. Các hacker ngày càng tinh vi trong đánh cắp dữ liệu từ các doanh nghiệp và cơ quan quản lý hành chính, thực hiện các hành vi phát tán mã độc tống tiền, đòi tiền chuộc. Không chỉ có vậy, các thông tin sai lệch bị phát tán cũng gây chia rẽ xã hội, tạo tư tưởng thù địch.
Theo thống kê của Vietnam Airlines, mới chỉ hơn 3 tháng từ đầu năm 2019 đến nay, hãng bị tấn công hệ thống thông tin tất cả 1.665 lần.
Trong đó chủ yếu là dưới hình thức sự cố mã độc (1.622 lần), ngoài ra còn tấn công dò quét hệ thống (21 lần), tấn công web (19 lần), tấn công xác thực dò tìm tài khoản mật khẩu yếu (2 lần) và khai thác lỗ hổng phần mềm hệ thống, thiết bị (1 lần).
Về thách thức trong vấn đề này, ông Nguyễn Nam Tiến - đại diện Vietnam Airlines cho biết một trong số đó là nhân lực an ninh thông tin còn thiếu và chi phí an toàn thông tin là rất cao.
Ông Tiến đánh giá: Nhân lực an toàn thông tin của Việt Nam rất mạnh, rất nhiều người giỏi. Tuy nhiên doanh nghiệp nói chung, để tìm kiếm nhân lực an toàn thông tin là rất khó. Thứ nhất là không đủ lương trả.
Thứ hai là dù có đáp ứng được mức lương theo yêu cầu của họ thì để điều hành một hệ thống an toàn thông tin cũng cần một đội ngũ lên tới 20-30 người.
Vietnam Airlines hiện nay đang sử dụng giải pháp an toàn thông tin do công ty An ninh mạng Viettel - trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội cung cấp. Và hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cũng đang sử dụng nguồn lực từ bên ngoài (outsource) trong lĩnh vực này.
Thị trường dịch vụ an ninh mạng hiện nay có sự góp mặt của cả các công ty Việt nam và các công ty nước ngoài. Các công ty trong nước bao gồm Viettel Cyber Securiy, FIS (FPT), BKAV,... bên cạnh sự góp mặt của rất nhiều ông lớn nước ngoài như Samsung, Huawei, Force Point, IBM Security ...
FIS (FPT) cho biết: "Vietnam Airlines thực ra có đủ nguồn lực để có thể tự "nuôi" đội ngũ an toàn thông tin, nhưng chi phí sẽ rất cao. Việc sử dụng một đội ngũ chuyên trách được đào tạo bài bản chuyên sâu từ bên ngoài sẽ là hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn không chỉ cho Vietnam Airlines mà là cho tất cả các doanh nghiệp".
Đại diện của FIS cũng khẳng định, FPT đào tạo đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường an toàn thông tin hiện nay.