Viet Solutions: Khi startup công nghệ được nâng bước bởi mô hình “vườn ươm 3 trụ”

N.M |

“Phần lớn các công ty khởi nghiệp thất bại, chỉ có một lý do: Thiếu thị trường” – huyền thoại Thung lũng Silicon, Marc Andreessen khẳng định. Cũng vì thế, ở cuộc thi Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia (Viet Solutions), Tập đoàn Viettel đóng vai như một “anh cả” tiên phong, nâng bước cho các startup công nghệ.

Marc Andreessen, Chủ tịch cao cấp về công nghệ và đồng sáng lập của Netscape Communications Corporation đã từng viết trên blog của mình: "Nếu bạn hỏi các doanh nhân hoặc venture capitalist (nhà đầu tư mạo hiểm) rằng yếu tố nào là quan trọng nhất với một startups: đội ngũ, sản phẩm hay thị trường, tôi tin rằng nhiều người sẽ chọn đội ngũ. Nhưng với cá nhân tôi, tôi khẳng định rằng thị trường là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công hay thất bại của một startup".

Huyền thoại Silicon Valley giải thích, nếu tiếp cận được thị trường tốt, với nhiều khách hàng tiềm năng thực sự, startup sẽ được đón nhận dù sản phẩm không phải quá tuyệt vời, chỉ cần đủ hiệu quả. Ngược lại, nếu không có thị trường thì sản phẩm tốt nhất trên thế giới hay một đội ngũ siêu việt cũng không ăn thua.

Viet Solutions: Khi startup công nghệ được nâng bước bởi mô hình “vườn ươm 3 trụ” - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Huy Dũng (người ngồi giữa), Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết: Cơ hội không chỉ dành cho các đội có giải thưởng ở Viet Solutions 2020.

Ở thị trường khởi nghiệp Việt Nam, điều này cũng đúng. Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học chỉ ra tiềm năng này cho các startup công nghệ: Một doanh nghiệp phát triển giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với chi phí thuê bao cho mỗi nhân viên chỉ 30.000 đồng/tháng. Hiện tại, 2.000 doanh nghiệp đã sử dụng giải pháp của họ.

Thế nhưng, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện nay có tới hơn 500.000 doanh nghiệp và khoảng 10% sẵn sàng ứng dụng công nghệ, tức là 50.000 khách hàng tiềm năng. Như vậy là giải pháp của doanh nghiệp kia mới chỉ đến được 4% số khách hàng tiềm năng.

Vậy làm sao để một startup non trẻ có thể tiếp cận được thị trường một cách hiệu quả?

Cuộc thi Viet Solutions ra đời, bắt nguồn từ một cuộc thi dành cho người Việt trên toàn cầu nhằm tìm kiếm các sản phẩm công nghệ với tên Viettel Advanced Solution Track 2019 do Tập đoànViettel tổ chức và chỉ dành cho những lĩnh vực viễn thông.

Viet Solutions đã gợi mở một mô hình vườn ươm hiệu quả cho các startup công nghệ với các giải pháp tiềm năng. Đó là sáng kiến của Bộ Thông tin Truyền thông về vai trò cộng hưởng của cả ba bên, gồm: cơ quan quản lý nhà nước, tập đoàn lớn và các tổ chức, cá nhân có giải pháp công nghệ.

Minh chứng dễ thấy nhất gần đây cho sự phối hợp của nhà nước với doanh nghiệp là nền tảng khám chữa bệnh từ xa Telehealth. Trên thực tế, hơn 10 năm qua Viettel đã kiên trì đồng hành cùng ngành y tế, từng bước đưa các giải pháp công nghệ hướng tới xây dựng một hệ sinh thái y tế thông minh như hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, hệ thống kết nối mạng cung ứng thuốc toàn, hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia.

Viet Solutions: Khi startup công nghệ được nâng bước bởi mô hình “vườn ươm 3 trụ” - Ảnh 2.

Ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ: “Cá nhân tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng một ý tưởng, giải pháp được chúng ta nâng bước hôm nay có thể tạo ra một thay đổi sâu sắc, hoàn toàn và không ngờ ở bất kỳ đâu trên thế giới”.

Trong nhiều năm qua, một số bệnh viện lớn đã chủ động đầu tư xây dựng hệ thống khám chữa bệnh từ xa của riêng mình. Nhưng đến cuối năm 2019, tất cả vẫn là những điểm vật lý tương đối rời rạc, chuyển đổi số vẫn chưa thực sự thể hiện rõ nét trong ngành dân sinh, đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe của người dân.

Thế nhưng, chỉ trong vòng 5 tháng vừa qua, trong bối cảnh dịch Covid-19, hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa đã được Viettel kết nối 27 bệnh viện tuyến trên với hơn 1.000 cơ sở y tế hoàn thành. Điểm nổ đột phá để chỉ vài tháng, ngành y tế tạo ra một bước tiến dài hơn 10 năm cộng lại.

Điểm khác biệt nữa của mô hình vườn ươm này là yếu tố cộng hưởng và việc kêu goi các tập đoàn lớn cùng tham gia quá trình vườn ươm, nâng đỡ các ý tưởng mới, các công ty non trẻ. Sự hội tụ của giải pháp công nghệ, giải pháp đầu tư, giải pháp cho triển khai và chính sách quản lý sẽ tạo ra sự bùng nổ cho những startup công nghệ số có phương án giải quyết "nỗi đau của xã hội" có hiệu quả.

Việc có một "người khổng lồ" nâng đỡ, tư vấn cho startup, từ lâu đã phổ biến với cộng đồng khởi nghiệp toàn cầu. Ngay cả những founder thành công nhất thế giới cũng cần có những nhà cố vấn tuyệt vời đến từ "người khổng lồ" khác. Facebook của Mark Zuckerburg được cố vấn bởi Steve Jobs (Apple), Jack Dorsey (Twitter) được cố vấn bởi Ray Chambers, Marc Benioff (Salesforce) được cố vấn bởi CEO Larry Ellison (Oracle), và Bill Gates và Paul Allen (Microsoft) được cố vấn bởi nhà phát minh PC Ed Roberts. Ở Việt Nam, các founder, CEO của VVN AI (quán quân của Viettel Advanced Solution Track 2019) cũng đã thành công dưới sự hỗ trợ của Viettel.

Ông Lê Đăng Dũng- Q. Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Viettel cho biết: "Viettel, với trách nhiệm của một tập đoàn công nghiệp, công nghệ lớn, với sức mạnh về thị trường toàn cầu của mình, với tiềm lực về tài chính, sự giàu kinh nghiệm, năng lực triển khai đồng bộ và quy mô lớn, bảo mật, an toàn, thông tin… sẵn sàng hợp tác với các công ty công nghệ để cùng phát triển các ý tưởng, nhanh chóng đưa các ý tưởng mới, sản phẩm mới vào cuộc sống. Viettel cũng sẵn sàng đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương trên con đường chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền số, công dân số và xã hội số tại Việt Nam".

"Cá nhân tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng một ý tưởng, giải pháp được chúng ta nâng bước hôm nay có thể tạo ra một thay đổi sâu sắc, hoàn toàn và không ngờ ở bất kỳ đâu trên thế giới"- ông Dũng nói.

Vượt qua các các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, 3 giải pháp xuất sắc nhất đã được vinh danh tại cuộc thi Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số Viet Solutions 2020. 3 đội thi này sẽ được Tập đoàn Viettel tài trợ 100% chi phí tham dự cuộc thi Cup C1 Start-up tại Mỹ hoặc tham dự Hội nghị di động thế giới (MWC) 2021 tại Barcelona.

Giải nhất chung cuộc thuộc về Mismart - Giải pháp xác định sức khỏe cây trồng bằng máy bay không người lái; Map4D - Nền tảng bản đồ do người Việt Nam nghiên cứu và phát triển, lưu trữ và vận hành ngay tại Việt Nam giành giải nhì và CyRada - Giải pháp bảo mật web trên nền tảng cloud đứng bị trí thứ ba.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại