Việt Nam tài trợ cho Lào một dự án, khi hoàn thành sẽ là một trong những công trình đẹp nhất tại Vientiane

Pha Lê |

Dự án có diện tích hơn 30.000m2 nằm ở huyện Xaythany, thủ đô Vientiane - khu vực được quy hoạch trở thành trung tâm đô thị lớn của Thủ đô Vientiane.

Công trình hữu nghị Lào - Việt Nam

Trong chương trình thăm và làm việc tại Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone dự lễ động thổ dự án Công viên Hữu nghị Lào - Việt Nam tại Thủ đô Vientiane, Lào. Đây là công trình tiêu biểu, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử sâu sắc, là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Dự án do phía Việt Nam tài trợ theo hình thức "chìa khóa trao tay". Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam cùng Văn phòng Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào được Đảng và Nhà nước Việt Nam, Lào giao làm chủ đầu tư dự án.

Ảnh: VGP

Công viên hữu nghị Lào - Việt Nam có diện tích hơn 30.000m2 nằm ở huyện Xaythany, thủ đô Vientiane - khu vực được quy hoạch trở thành trung tâm đô thị lớn của Thủ đô Vientiane. Giữa công viên là quảng trường, hồ nước nhân tạo và xung quanh là khuôn viên cây xanh.

Tại quảng trường trung tâm công viên có cụm phù điêu khắc họa các yếu tố lịch sử, văn hóa Lào với quốc kỳ Lào và Việt Nam tung bay phía trên. Phía trước là cụm tượng 3 nhà lãnh tụ của Việt Nam và Lào là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong.

Ảnh: VGP

Ban quản lý dự án phấn đấu đây là dự án kiểu mẫu, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ với chất lượng cao nhất. Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2025, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc của hai nước.

Sau khi hoàn thiện, công trình sẽ trở thành một trong những công viên đẹp nhất tại Vientiane, địa điểm phục vụ người dân và du khách, đồng thời là địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng, tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào cho nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Nhiều dư địa phát triển quan hệ thương mại song phương

Lào và Việt Nam là hai nước láng giềng, có biên giới chung, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn, cùng chung dòng Mekong. Quan hệ đối ngoại của Việt Nam và Lào đã được thiết lập rất lâu, được vun đắp từ lâu đời, qua nhiều thế hệ gây dựng và vun đắp.

Đặc biệt, trong quan hệ thương mại, năm 2024 vừa qua, quan hệ Việt Nam - Lào ghi nhận kết quả nổi bật trong quan hệ thương mại Việt Nam - Lào. Kim ngạch thương mại song phương ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng xấp xỉ 34% so với năm 2023. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên kim ngạch thương mại giữa hai nước vượt mốc 2 tỷ USD, vượt xa mục tiêu do Chính phủ hai nước đề ra.

Năm 2024, vốn đăng ký đầu tư sang Lào đạt 191,1 triệu USD, tăng 62,1% so với năm 2023, tập trung vào các lĩnh vực: Năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao, khai thác khoáng sản, chế biến sâu... Lũy kế đến nay, Việt Nam đã đầu tư vào Lào 267 dự án, với tổng vốn đầu tư là 5,7 tỷ USD, phân bổ tại 17/18 tỉnh, thành phố của Lào.

Khu kinh tế cửa khẩu Việt - Lào

Trên thực tế, quan hệ thương mại giữa 2 quốc gia vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Theo chia sẻ của Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm, Việt Nam và Lào là hai nước đang phát triển, đều gặp những hạn chế cản trở quá trình công nghiệp hóa như tiếp cận cơ sở hạ tầng, công nghệ và tài chính, chi phí sản xuất, giao dịch cao do thiếu cơ sở hạ tầng và thể chế còn nhiều bất cập. Do vậy, việc hình thành khu công nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong thu hút đầu tư, tạo việc làm và thúc đẩy xuất khẩu cũng như hiện đại hóa kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị mới tại mỗi nước.

Ông Tâm phân tích, Lào có nhiều lợi thế và cơ sở để phát triển khu công nghiệp như tài nguyên thiên nhiên dồi dào, chi phí thuê đất rẻ, giá nhân công thấp và Lào đang tích cực triển khai định hướng trở thành trung tâm logistics khu vực. Trong khi đó, với những kinh nghiệm từ các mô hình khu công nghiệp đã xây dựng và đang phát huy hiệu quả, Việt Nam có thể hợp tác với phía Lào để nghiên cứu, hình thành những khu công nghiệp.

Trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào, bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, năm 2025 là năm bứt phá để thực hiện thành công các nội dung đã đề ra trong Hiệp định hợp tác song phương hai nước giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời cũng là năm xây dựng định hướng hợp tác cho giai đoạn phát triển mới.

Bộ trưởng đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã có kinh nghiệm trong đầu tư đề xuất các ý tưởng mới để sớm hiện thực hóa các dự án tiềm năng trong hợp tác đầu tư giữa hai nước.

"Với quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, cộng với tư duy hợp tác mới, với những biện pháp quyết liệt, mang tính đột phá của cả hai bên, chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư lớn, hiệu quả cao giữa doanh nghiệp hai nước và đưa quan hệ hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào lên tầm cao mới", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận xét.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại