Ghi nhận một năm ấn tượng, tỉnh nhiều đảo nhất Việt Nam đặt tham vọng lớn

Pha Lê |

Tỉnh đã có nhiều biện pháp để thúc đẩy việc hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Ghi nhận một năm ấn tượng, tỉnh nhiều đảo nhất Việt Nam đặt tham vọng lớn - Ảnh 1.

Quảng Ninh là tỉnh có nhiều đảo nhất Việt Nam với khoảng 2.000 đảo, bao gồm các đảo lớn, đảo nhỏ, rất nổi tiếng. Một trong những thế mạnh lớn nhất của du lịch Quảng Ninh đó chính là du lịch biển đảo.

Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, năm 2024 tỉnh đón 3,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng gấp 1,7 lần so với năm 2023. Để tiếp đà tăng trưởng ấn tượng này, ngành Du lịch đã lên kế hoạch, tập trung các giải pháp nhằm mở rộng thị trường, đa dạng nguồn khách quốc tế.

Năm 2024 là một năm ấn tượng với việc khôi phục, phát triển tuyến du lịch đường biển đến Quảng Ninh. Tỉnh đã đón và phục vụ gần 60 chuyến tàu du lịch biển, với khoảng 70.000 lượt khách, tăng 1,4 lần so với năm 2023. Trong đó có những tàu mang theo lượng khách lớn, quay trở lại cập bến Hạ Long nhiều lần như: Tàu Costa Serena mang theo 3.500 khách Hồng Kông, Trung Quốc; tàu Celebrity Solstice mang theo 2.800 khách Âu, Mỹ; tàu Mein Schiff 6 mang theo 2.500 khách Đức…

Đáng chú ý, Celebrity Solstice (quốc tịch Malta) là một trong những hãng tàu biển lớn cập bến tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long 12 lần, mang theo gần 34.000 lượt khách châu Âu, châu Mỹ, chiếm gần một nửa số khách du lịch tàu biển đến Quảng Ninh. Bên cạnh đó, ngành Du lịch cũng đón những dấu hiệu tích cực khi mở lại hàng loạt các tuyến tàu biển đến Hạ Long từ Trung Quốc như: Quảng Châu, HongKong, Bắc Hải (Trung Quốc).

Ghi nhận một năm ấn tượng, tỉnh nhiều đảo nhất Việt Nam đặt tham vọng lớn - Ảnh 2.

Du khách đến Quảng Ninh. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh.

Đối với thị trường truyền thống như Trung Quốc, ngành Du lịch đã tích cực chủ động, tổ chức và tham gia 13 chương trình làm việc tại Trung Quốc và Việt Nam, với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cấp tỉnh - khu, cấp địa phương của Quảng Tây, Vân Nam, Trùng Khánh.

Đồng thời, triển khai quyết liệt các nội dung thỏa thuận hợp tác du lịch ký kết giữa Sở Du lịch Quảng Ninh và Sở Văn hóa và Du lịch Quảng Tây, Trung Quốc. Từ đó, bước đầu khai thông tuyến du lịch đường biển Bắc Hải (Trung Quốc) - Hạ Long (Việt Nam); hoạt động du lịch đường bộ qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã dần được khôi phục trở lại với việc đón 307.000 lượt khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam tham quan du lịch năm 2024.

Tỉnh Quảng Ninh cũng tiếp tục có ý kiến với phía Trung Quốc để sớm khôi phục hoạt động xe ô tô du lịch tự lái, cũng như hoạt động du lịch qua cặp cửa khẩu Hoành Mô - Động Trung.

Theo đánh giá của Sở Du lịch, năm 2024, cơ cấu khách quốc tế đến Quảng Ninh chủ yếu là khách châu Á, chiếm đến 75%, tiếp đó là khách châu Âu, châu Mỹ. 10 thị trường khách quốc tế hàng đầu đến Quảng Ninh gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Mỹ, Nhật…Mức chi tiêu bình quân/khách du lịch cũng tăng 14% so với năm 2023, lên 2,45 triệu đồng/khách/lượt. Thời gian lưu trú bình quân/lượt khách du lịch năm 2024 là 2,56 ngày.

Ghi nhận một năm ấn tượng, tỉnh nhiều đảo nhất Việt Nam đặt tham vọng lớn - Ảnh 3.

Năm 2025, tỉnh đặt ra mục tiêu đón 20 triệu lượt khách du lịch đến Quảng Ninh, trong đó có 4,5 triệu lượt khách quốc tế.

Đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu du lịch Quảng Ninh thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững, khẳng định vai trò trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, trọng điểm du lịch hàng đầu của quốc gia, phấn đấu đón 25,4 triệu lượt khách, trong đó có 8,7 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp vào GRDP của tỉnh khoảng 15-16%.

Trong một bài chia sẻ đăng trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, ông Hà Văn Siêu, Cục phó Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, khẳng định: "Quảng Ninh tiên phong xây dựng Đề án Phát triển du lịch Quảng Ninh trở thành trung tâm kết nối khu vực và quốc tế với mục tiêu cụ thể, cho thấy khát vọng lớn của tỉnh. Để hiện thực hoá mục tiêu này cần có sự quyết tâm, kiên trì theo đuổi và có sự đồng bộ vào cuộc của cả trung ương và địa phương, của các ngành, đặc biệt là vai trò chủ trì của tỉnh".

Tuy nhiên, dự báo thị trường khách du lịch quốc tế vẫn chưa được như kỳ vọng, nhất là một số thị trường truyền thống như: Châu Âu, Trung Quốc... Bên cạnh đó, việc cạnh tranh của các điểm đến trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia... ngày càng gay gắt.

Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan, khó lường, tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp.

Chính vì vậy, để đạt mục tiêu năm 2025, ngành Du lịch đã lên kế hoạch, chủ động khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, phù hợp với xu hướng, nhu cầu của du khách. Đồng thời, đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, hạn chế rủi ro trước những biến cố trong khu vực và thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại