Cá tra là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản với sản lượng hàng năm khoảng 30% tổng sản lượng nuôi trồng trên cả nước, được mệnh danh là "mỏ vàng tỷ đô" của Việt Nam.
Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO), sản lượng cá tra toàn cầu ước tính đạt 3,13 triệu tấn vào năm 2023. Với 1,62 triệu tấn, Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về sản lượng cá tra, tiếp theo là Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh và Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra trong tháng 4 đã thu về 168 triệu USD, tăng 13% sau khi sụt giảm liên tục trong tháng 2 và tháng 3. Lũy kế 4 tháng đầu năm, cá tra đã mang về hơn 579 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, trị giá cá tra phile đông lạnh đóng góp kim ngạch lớn nhất với 469 triệu USD, tiếp theo là cá tra tươi/đông lạnh/khô thu về hơn 100 triệu USD, cá tra GTGT thu về 11 triệu USD.
Trong 4 tháng đầu năm, Trung Quốc & Hong Kong là thị trường xuất khẩu lớn nhất với 153 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2023.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 với 102 triệu USD, giảm 19%. Riêng trong tháng 4, xuất khẩu cá tra sang Mỹ ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan với trị giá đạt gần 38 triệu USD, tăng 34% so với tháng 4/2023.
Kể từ đầu năm nay, Mỹ liên tục tăng mạnh nhập khẩu các sản phẩm cá tra GTGT từ Việt Nam. Tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu gần 295 nghìn USD cá tra GTGT sang Mỹ, tăng gấp 18 lần so với cùng kỳ; tháng 2/2024, giá trị này đạt hơn 114 nghìn USD, tăng gấp 2.200 lần, tháng 3/2024 tăng 76% với 150 nghìn USD.
Đáng chú ý, tháng 4/2024, xuất các sản phẩm cá tra GTGT sang Mỹ đạt hơn 300 nghìn USD so với chỉ 5 USD giá trị xuất khẩu các sản phẩm này trong tháng 4/2023 (tăng gấp 67 nghìn lần). Tính đến hết tháng 4/2024, Mỹ tăng gấp 8,5 lần nhập khẩu các sản phẩm GTGT từ Việt Nam với 860 nghìn USD.
Người tiêu dùng tại Mỹ đang tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá thịt trắng, đặc biệt là cá tra từ Việt Nam. Vừa qua, đông đảo doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia và giới thiệu các sản phẩm cá tra Việt nam tại Triển lãm Thủy sản Bắc Mỹ. Với lợi thế của loài cá thịt trắng thơm ngon, phù hợp chế biến đa dạng món ăn từ fillet đóng gói, sản phẩm đông lạnh đến sản phẩm chế biến sẵn như fish sticks hay fish burgers,...đã hấp dẫn được các nhà nhập khẩu đến từ thị trường này.
Bên cạnh thị trường Mỹ, khối thị trường CPTPP hiện là khách hàng lớn thứ 3 của Việt Nam với 81 triệu USD, tăng 7%.
Thông tin Mỹ đang xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đã mang lại niềm hy vọng lạc quan cho nhiều ngành kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành thủy sản. Dự kiến vào tháng 7/2024, DOC sẽ có quyết định về việc Việt Nam có được chuyển đổi trạng thái từ nền kinh tế phi thị trường sang nền kinh tế thị trường hay không.
Nếu Việt Nam được công nhận có nền kinh tế thị trường thì đây sẽ là lợi thế cho cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm, cá tra trong thời gian tới.