Hiện tại lực lượng săn ngầm của Không quân Hải quân Việt Nam chỉ bao gồm 8 chiếc Ka-28 được Liên Xô chuyển giao trong giai đoạn 1989 - 1990.
Trải qua gần 30 năm phục vụ, năng lực chống ngầm của những chiếc trực thăng với cấu hình rotor đồng trục độc đáo trên bị đánh giá là đã lạc hậu, không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của tác chiến hiện đại, mặc dù đã trải qua quá trình nâng cấp tại Ukraine.
Trực thăng săn ngầm Ka-28 của Việt Nam trong thời gian tu sửa tại Ukraine
Nhận thấy điểm yếu trên, Hải quân Việt Nam thời gian qua đã có những động thái đi tìm đối tượng thay thế, trong đó "đình đám" nhất là việc tiếp xúc với Tập đoàn AgustaWestland để đánh giá trực thăng săn ngầm AW159 Wildcat, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có tiến triển.
Sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, MH-60 Seahawk lại bất ngờ nổi lên như một ứng viên hàng đầu. Nhưng cũng tương tự P-3C Orion, đơn giá 45 - 55 triệu USD/chiếc (tùy phiên bản) khiến chúng vượt quá tầm tay của Việt Nam.
Tuy nhiên với diễn biến mới nhất, khi Việt Nam tỏ ý muốn được Nhật Bản cung cấp P-3C đã qua sử dụng (đặc biệt là theo một số nhận định, quốc gia Đông Bắc Á này sẵn sàng bán rẻ hoặc thậm chí là hỗ trợ tài chính), thì triển vọng cũng mở ra cho khả năng chúng ta sẽ mua được cả trực thăng săn ngầm SH-60J Seahawk.
Trực thăng săn ngầm SH-60J của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF)
SH-60J là phiên bản dựa trên SH-60 Seahawk của Mỹ, được sản xuất tại Nhật Bản bởi Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi theo giấy phép từ Sikorsky. Mitsubishi bắt đầu chuyển giao những chiếc SH-60J đầu tiên cho JMSDF trong năm 1991, chúng chính thức vào biên chế không lâu sau đó.
Về cơ bản, SH-60J là sự lai ghép giữa SH-60B và SH-60F, khác biệt phần lớn nằm ở hệ thống điện tử. Máy bay do Nhật Bản chế tạo được trang bị sonar nhúng HQS-103, radar mảng pha quét chủ động HPS-104 và hệ thống tác chiến điện tử HLR-108. SH-60J sử dụng động cơ nội địa T700-IHI-401C do Ishikawa-Harima cung cấp.
Ngoài các loại vũ khí chống ngầm chuyên dụng như ngư lôi hạng nhẹ Mk 46, Type 74, Type 12, bom chìm... thì SH-60J còn mang được cả súng máy 7,62 mm, rocket Hydra 70 mm cùng tên lửa chống tăng Hellfire để làm nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực cho lính thủy đánh bộ.
SH-60J có năng lực tác chiến không hề thua kém MH-60R của Hải quân Mỹ
Tương tự P-3C đang được thay thế bởi P-1, Tập đoàn Mitsubishi hiện đã sản xuất phiên bản nâng cấp SH-60K như một sự bổ sung và sẵn sàng lấp khoảng trống của những chiếc SH-60J thuộc lô sản xuất đầu tiên.
Nếu Việt Nam được Nhật Bản đồng ý chuyển giao các máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion thì nhiều khả năng chúng ta sẽ mua kèm SH-60J Seahawk để đồng bộ hóa trang bị. Mặc dù khá "cao tuổi" nhưng vũ khí của Nhật luôn được đánh giá cao về chất lượng cũng như độ bền, sẽ còn phục vụ tốt thêm một thời gian dài nữa.
Với kinh nghiệm tác chiến phong phú cũng như phương tiện tiên tiến của Nhật Bản, Hải quân Việt Nam sẽ đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo trước lực lượng tàu ngầm đông đảo của đối phương. Kế hoạch trên rất nên được xúc tiến để triển khai ngay trong tương lai gần.