Việt Nam phong tục: Phó tổng, phó lý, hương trưởng thì ai cũng biết, vậy "lão hạng" là gì?

B.T sưu tầm, sách Việt Nam phong tục |

Ngày trước, làng nào cũng có nhưng chắc sắc, thứ bậc rõ ràng. Họ là những người chịu trách nhiệm về các công việc chung.

"Mỗi nước có một phong tục riêng. Phong tục ấy kỳ thủy hoặc bởi tự một vài người mà rồi bắt chước nhau thành ra thói quen. Hoặc bởi phong thổ và cách chính trị, cách giáo dục trong nước mà thành ra. Hoặc bởi cái phong trào ở ngoài tràn vào rồi mà dần dần tiêm nhiễm thành tục.

Nhưng đại để tục gì cũng vậy, phải trải lâu tháng lâu năm mới thành được, mà trong những tục ấy cũng có tục hay, cũng có tục dở. Duy chỉ bởi tai mắt người đã quen, lòng người đã tín dùng, thì dẫu có người biết là dở mà cũng không sao đổi ngay đi được".

Phan Kế Bính (1875-1921)

NGÔI THỨ

1. Chức sắc

Là những người khoa trường chức tước. Khoa trường như các người thi đỗ tiến sĩ, phó bảng, cử nhân, tú tài và thi võ đỗ tạo sĩ, phó bảng, cử nhân. Chức tước như các người văn từ cửu phẩm, võ từ suất đội giở lên.

Dưới hai hạng ấy thì là ấm tử viên tử. Có nơi binh đinh cũng dự vào hàng chức sắc. Ít lâu nay các người tòng sự nhà nước, hoặc ông phán, hoặc ông ký, cũng chiếu phẩm hàm mà dự một ngôi chức sắc. Song hạng ấy thì nhiều người không muốn dính đến đám hương thôn, mà cũng nhiều nơi dân tình chưa quen.

2. Chức dịch

Là những tân cựu chánh phó tổng, chánh phó lý, hương trưởng, khán thủ, trương tuần và các người có tiền bỏ ra mua nhiêu mua xã, v.v.

3. Thí sinh, khóa sinh

Là nơi nào hiếm văn học thì những người thi đậu nhất nhị trường, hoặc người trúng khảo khóa trúng hạch, dân làng cũng trọng, thường khi coi như người có chân chức sắc. Ít lâu nay lại thêm các người làm hương sư, tổng sư, trừ ra các người có chân khoa mục đã đành, còn về làng cũng được dự một ngôi thứ cao.

Ba hạng trên này (chức sắc, chức dịch, thí khóa sinh), hợp lại làm một gọi là hội tư văn và gọi là quan viên. Song phải đủ lễ khao vọng mới được dự hội, nếu không khao vọng thì cũng như người chân trắng mà thôi.

Việt Nam phong tục: Phó tổng, phó lý, hương trưởng thì ai cũng biết, vậy lão hạng là gì? - Ảnh 2.

Người có chân quan viên, ra đến đình đám có danh có giá, có quyền ăn nói. Tư gia ai có việc gì mời đến làng, tất phải mời hạng ấy trước. Mà việc tế tự trong làng, nhiều nơi chỉ hạng ấy mới được dự. Ai có việc tang ma, mời được quan viên trợ lễ đã là vinh.

4. Lão hạng

Những người từ năm mươi đến năm mươi lăm tuổi giở lên gọi là lão hạng cũng có lệ khao vọng. Trong lão hạng từ sáu mươi tuổi giở lên, được miễn trừ sưu dịch gọi là lão nhiêu, hoặc gọi là bô lão.

Già hơn nữa mà đứng vào hạng thứ tư trong làng giở lên thì gọi là cụ cả, cụ hai, cụ ba, cụ tư, gọi chung là tứ trụ. Lên bực tứ trụ cũng phải vọng một lần nữa, đến lúc lên chân cụ cả lại phải vọng. Tứ trụ ra đến đình đám, dân làng cũng trọng, nhiều nơi ngôi thứ ngồi trên hàng quan viên nhưng không có quyền ăn nói gì, gọi là sống lâu lên lão làng mà thôi.

5. Dân đinh

Những người từ mười ba tuổi giở lên đến bốn mươi chín tuổi gọi là dân đinh. Hạng này theo dưới hàng bô lão, ra vai gánh vác phu phen tạp dịch. Ai nhiều tuổi hơn, khi có việc tang ma, vào chấp lệnh, gọi là hàng lệnh, còn tổng chi gọi là giai hạng.

Lão hạng, dân đinh, phần nhiều là hạng lương thiện, chỉ biết chăm việc làm ăn, theo đòi đóng góp với làng, bảo xôi ừ xôi, bảo thịt ừ thịt, miễn là được yên phận cho mình làm ăn là đủ, còn công việc làng nước, phó mặc người đàn anh khu xử, không muốn việc gì lôi thôi tới mình. Chỉ khi nào có công việc đình đám hoặc việc tư gia, đóng vai đi ăn uống mà thôi.

6. Ti ấu

Từ sáu, bảy tuổi giở lên đến mười ba, mười bảy tuổi là hạng ti ấu. Hạng này vọng ngôi hương ẩm rồi thì cũng được dự đến việc hàng phe hàng giáp, cũng phải đóng góp vào việc tế tự như người lớn.

Ngôi thứ cứ chiếu sổ hương ẩm, trừ ra người có chức sắc, người có chân quan viên, có khi vượt ngôi thứ không kể còn theo thứ tự tên ký trong sổ, ai vào trước ngồi trên, ai vào sau ngồi dưới. Trong văn tế cũng vậy, ai ngôi thứ cao viết trên, ai ngôi thứ thấp viết dưới. Nếu sai thứ tự thì có khi sinh ra kiện tụng. Song đại khái chỉ tả vài ba chục tên người trên mà thôi, còn ở dưới nhiều quá tả không xuể thì thôi cũng được.

Trong việc sự thần, trọng nhất là việc tế chủ và việc điển văn. Tế chủ phải người có chức sắc cao hơn trong làng mới được vào. Không có chức sắc thì trong hạng tứ trụ mới được. Có nơi tế chủ phải kén người chức sắc hoặc là bô lão mà vợ chồng song toàn, con giai con gái đề huề mới được.

Điển văn là người coi việc tả văn tế, phải kén người có chức sắc mới được bầu làm điển văn. Không có chức sắc thì kén trong hàng kỳ cựu, chức dịch, chớ hạng bô lão không bao giờ được dự đến việc ấy.

***

Trong làng phân ra ngôi thứ, có trên có dưới, có thứ có bực, tuy trái với cách bình đẳng, nhưng đến khi hội họp đông đúc, hoặc bàn bạc công nọ việc kia, hoặc giảng giải điều hơn lẽ thiệt, người trên nói người dưới nghe, thượng mục hạ hòa, không đến nỗi xốn xáo lộn bậy cũng là một cách xếp đặt trong hương chính rất hay.

Song phải một điều là tục ta chỉ trọng riêng về người có chức sắc có khoa mục, mà người làm ruộng, người làm thợ, người đi buôn thì coi khinh, cho là dân đàn em. Vì thế nhiều người chỉ đua ganh lấy chút danh phận, để về mở mặt với làng, chiếm lấy một ngôi thứ cao trong hương đảng, đã cho là danh dự.

Điều ấy tuy bởi người kiến thức hẹp hòi, nhưng cũng vì tục trọng đường hư danh mà khinh đường thực dụng, xui nên một thói ấy. Mà đường thực nghiệp không được mở mang, không được phấn chấn cũng bởi đó mà ra nữa.

Tuy vậy, điều đó là bởi thói quen của ta mà thôi, bây giờ cũng đã nhiều người tỉnh ngộ, biết trọng thực nghiệp hơn là hư danh, rồi có lẽ cũng đổi được thói ấy. Chỉ có một điều là ta nên nhân cái nền nếp cũ xếp đặt đã có thứ tự, thì người làm đàn anh nên ở cho đứng đắn, chớ nên cậy mình có vai vế mà khinh bỉ người ngu dân, phải nên giữ lấy đạo công bằng, đừng hà hiếp ai, mà cũng đừng nhũng lạm của làng.

Dân ta phần nhiều là người hiền lành thuần thục, nếu được người đàn anh đứng đắn thì dân tình rất quý phục, dân đã tin thì nói ra một tiếng là nghe răm rắp, có lẽ việc khó đến đâu khiến cũng nổi.

* Bài viết được biên tập theo sách Việt Nam phong tục của tác giả Phan Kế Bính, Nhã Nam với mục đích chia sẻ thêm nhiều kiến thức về các phong tục cổ xưa của dân gian Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại