Việt Nam mua khí tài săn máy bay tàng hình đời mới nhất

Bình Nguyên |

Theo phóng sự "Làm chủ hệ thống radar Kolchuga" của Truyền hình QPVN, Bộ đội PK-KQ đã làm chủ khí tài hiện đại và thật bất ngờ, đây là bản Kolchuga-M nâng cấp cực hiện đại.

Kolchuga - "mắt thần" thụ động chuyên bắt máy bay tàng hình

Kolchuga là hệ thống trinh sát điện tử thụ động được phát triển bởi Công ty Topaz (Ukraine), chuyên dùng để phát hiện các mục tiêu bay từ khoảng cách 800km (500 dặm) ở mọi độ cao.

Mỗi hệ thống gồm 1 đài điều khiển và xử lý tín hiệu trung tâm và 3 đài kế bên có nhiệm vụ thu tín hiệu sóng điện từ, có thể bố trí cách nhau 10km.

Mỗi tổ hợp radar thụ động Kolchuga có thể cùng lúc bám sát tín hiệu của 32 mục tiêu với đủ 3 tham số (cự ly, góc tà và phương vị). Các đài thu và trạm điều khiển trung tâm đều được đặt trên khung gầm xe vận tải việt dã 3 cầu chủ động Kraz 6x6.

Người ta cũng có thể gọi Kolchuga là hệ thống radar nhưng trên thực tế nó không hẳn là radar mà là một hệ thống trinh sát điện tử thụ động, hoạt động theo nguyên lý âm thầm lặng lẽ.

Nó chặn thu và giao hội các tín hiệu sóng điện từ thu được từ các đài kế bên để phát hiện, xác định vị trí, theo dõi, bám sát các loại phương tiện bay, kể cả loại tàng hình.

Việt Nam mua khí tài săn máy bay tàng hình đời mới nhất - Ảnh 1.

Tổ hợp radar thụ động Kolchuga của Ukraine. Ảnh: Vitaly Kuzmin.

Theo tính toán của nhà sản xuất (Topaz), nếu hệ thống Kolchuga được đặt ở độ cao 100m và mục tiêu bay ở độ cao 10km thì nó có thể thu tín hiệu và xác định vị trí mục tiêu từ cự ly 450km, còn mục tiêu bay ở độ cao 20km thì cự ly phát hiện đạt tới 620km.

Tuy nhiên có rất ít loại phương tiện bay ở độ cao lớn tới 20km hoặc hơn. Do vậy, có thể thấy, so với các đài radar phát sóng chủ động hiện đại nhất, Kolchuga có khả năng phát hiện các mục tiêu bay ở độ cao trung bình trở xuống tốt hơn hẳn.

Đơn cử, nếu so với radar chủ động 80K6M (bản cơ động đặt trên khung gầm xe tải việt dã Maz 8x8) cũng của Ukraine, thì nếu mục tiêu bay ở độ cao 10km, Kolchuga có khả năng phát hiện mục tiêu từ cự ly gấp hơn 2 lần (450km so với khoảng 200km của 80K6M).

Tuy nhiên, mỗi loại radar có thế mạnh riêng và nguyên lý hoạt động khác nhau nên sự so sánh trên chỉ mang tính chất tham khảo.

Không chỉ hơn ở tầm hoạt động, Kolchuga còn vượt trội ở chỗ nó có thể phát hiện mọi loại mục tiêu bay, nhất là máy bay tàng hình hiện có hoặc sẽ được trang bị trong tương lai thông qua việc chặn thu mọi tín hiệu sóng vô tuyến phát ra từ chúng.

Hơn nữa, do Kolchuga là hệ thống cảm biến thụ động nên nó có khả năng sống sót cao vì nó không phát sóng và thu sóng phản hồi từ mục tiêu nên các loại tên lửa bức xạ diệt radar không có tác dụng do không thể nương theo cánh sóng để bay tới diệt radar.

Nhờ vậy, Kolchuga được coi là một trong những hệ thống cảnh báo sớm đường không đặc biệt hiệu quả. Thậm chí, các chuyên gia quân sự cho rằng Kolchuga có tính năng còn vượt trội hơn so với hệ thống 85V6-VEGA tương tự của Nga.

Chính vì lý do đó mà Việt Nam, cho dù đánh giá cao thiết bị của Nga, nhưng đã chọn mua Kolchuga. Hiện nay, ngoài Ukraine thì chỉ có duy nhất Việt Nam trang bị hệ thống trinh sát điện tử thụ động loại này.

Theo Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) có trụ sở đặt tại Thụy Điển, Việt Nam đã đặt mua 4 tổ hợp khí tài trinh sát điện tử thụ động (radar thu động) Kolchuga từ Ukraina vào năm 2009 và tiếp nhận đủ 4 đài trong giai đoạn 2012-2013.

Việt Nam mua khí tài săn máy bay tàng hình đời mới nhất - Ảnh 2.

Bố trí thiết bị trong cabin điều khiển của Kolchuga chưa qua nâng cấp.

Ngoài Việt Nam, có rất nhiều quốc gia khác quan tâm và đặt mua các hệ thống radar thu động Kolchuga như Pakistan, Iraq, Iran. Tuy nhiên vì những lý do khác nhau mà quyết định cuối cùng lại bị cản trở, khiến người bản và kẻ mua đều hết sức tiếc nuối. Cụ thể:

- Iraq: Năm 2002, chế độ của Tổng thống Saddam đang lung lay, đứng trước nguy cơ bị Mỹ và đồng minh "xử lý", nước này tìm cách đặt mua các hệ thống Kolchuga của Ukraine nhằm tăng năng lực phòng không, đủ sức phát hiện sớm máy bay tàng hình.

Nhưng thật không may, ý định này của Iraq đã bị các quốc gia thù địch mà dẫn đầu bởi Mỹ và Anh cản trở quyết liệt và cuối cùng thì trước sức ép chính trị quá lớn, giới lãnh đạo Ukraine lúc bấy giờ đã "lắc" trước yêu cầu tha thiết của Iraq.

- Iran: Một số báo cáo (chưa được kiểm chứng) vào tháng 9 năm 2006, đã có một thương vụ mua bán Kolchuga giữa Iran và Ukraine được hình thành, tuy nhiên, chính phủ Ukraine đã phủ nhận.

Ngoài ra, Pakistan đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới việc đặt mua các hệ thống Kolchuga và phía Ukraine cũng chào bán các hệ thống này cho Pakistan để đối phó với các hệ thống radar giám sát tầm xa Swordfish của Ấn Độ.

Đến nay, chưa có thêm bất cứ thông tin nào khẳng định hợp đồng đã được ký và không rõ các hệ thống Kolchuga đã được chuyển giao cho Pakisstan hay chưa.

Thế mới thấy, Phương Tây đánh giá rất cao Kolchuga nên ngăn cản quyết liệt các quốc gia mà họ cho là thù địch, có thể mua chúng để phát hiện sớm và tiêu diệt các phương tiện bay, vũ khí hàng không, kể cả loại tàng hình.

Việt Nam mua khí tài săn máy bay tàng hình đời mới nhất - Ảnh 3.

Về bố trí thiết bị trong cabin điều khiển của Kolchuga-M được hợp lý hóa, sử dụng các màn hình hiện đại và có kích thước hơn. Ảnh: Truyền hình QPVN.

Bất ngờ lớn, Kolchuga của Việt Nam là phiên bản mới nhất

Theo cơ sở dữ liệu của SIPRI chỉ đề cập Việt Nam đã mua 4 hệ thống radar thụ động Kolchuga mà không cho biết chúng thuộc phiên bản nào, loại thường (cơ bản) hay là loại nâng cấp Kolchuga-M.

Tuy nhiên, trong phóng sự "Làm chủ hệ thống radar Kolchuga" của Truyền hình Quốc phòng Việt Nam đã cho thấy Bộ đội PK-KQ đã làm chủ khí tài hiện đại và thật bất ngờ, các đài radar thụ động này là bản Kolchuga-M nâng cấp cực hiện đại.

Đây là phiên bản radar thụ động mới nhất của Công ty Topaz (Ukraine), kế thừa toàn bộ những tinh hoa và công nghệ nền tảng trên thế hệ Kolchuga đầu tiên.

Về cự ly phát hiện mục tiêu, Kolchuga-M không trội hơn hẳn so với Kolchuga, nhưng hơn hẳn về độ chính xác và xử lý tín hiệu cực nhanh - 2 trong số những yếu tố quan trọng nhất, giúp các đơn vị phòng không có tham số mục tiêu từ sớm để chuyển cấp diệt địch.

Về bố trí thiết bị trong cabin điều khiển cũng được hợp lý hóa, sử dụng các màn hình hiện đại và có kích thước hơn song song với việc cải tiến giao diện và phần mềm điều khiển để chúng trở nên thân thiện và vận hành dễ dàng hơn.

Mặc dù vậy, để đáp ứng hoàn hảo yêu cầu đặc thù của Việt Nam, Kolchuga lại tiếp tục được nâng cấp một lần nữa bởi chính bàn tay, khối óc của những người lính thông minh, sáng tạo và am hiểu kỹ thuật của Quân chủng PK-KQ.

 

Việt Nam mua khí tài săn máy bay tàng hình đời mới nhất - Ảnh 4.

Đại tá Cao Trung Tuyến - Trung đoàn trưởng Trung đoàn radar 295, Sư đoàn PK 363 khẳng định đơn vị đã làm chủ radar Kolchuga. Ảnh: Truyền hình QPVN.

Theo Báo Quân đội nhân dân, có 2 sự nâng cấp, cải tiến đáng chú ý, cụ thể:

Một là, nâng cấp mở rộng dung lượng bộ nhớ do Trung tá Nguyễn Văn Hải, Chủ nhiệm Kỹ thuật Trung đoàn radar 295 chủ trì. Hai là, cải tiến hệ thống điều khiển máy lạnh do Đại úy Nguyễn Trung Hậu, Phó chủ nhiệm kỹ thuật Trung đoàn radar 295 thực hiện.

Qua thực tế hoạt động, hệ thống mới cải tiến có độ ổn định cao, phù hợp điều kiện khai thác, sử dụng của Quân chủng. Hệ thống Kolchuga cải tiến được nghiệm thu, đưa vào sử dụng từ tháng 7/2013.

Chính vì vậy, có người nói vui rằng, sau nâng cấp, Kolchuga-M xứng đáng được bổ sung thêm một chữ "V" thành Kolchuga-MV.

Việc sở hữu Kolchuga, một thành quả khoa học công nghệ thuộc loại tiên tiến và đặc biệt và tốt nhất thế giới, đã giúp Bộ đội PK-KQ có trong tay loại khí tài "khắc tinh" của máy bay tàng hình, đảm bảo "Không để Tổ quốc bất ngờ vì những tình huống trên không".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại