Khi được hỏi về việc này, vận động viên điền kinh từng đoạt HCV SEA Games Nguyễn Thị Nụ không khỏi ngạc nhiên: "Là vận động viên thi đấu đỉnh cao, việc dùng thuốc điều kinh để tránh chu kỳ kinh nguyệt rơi vào ngày thi đấu là điều hết sức bình thường, nhất là ở những giải đấu lớn.
Không biết vì vấn đề gì mà Hoàng Thị Thanh lại không dùng thuốc thang gì. Theo tôi biết thì thuốc này không có chất nào liên quan đến doping. Ngày xưa nếu ngày thi đấu rơi vào chu kỳ kinh nguyện, thậm chí chúng tôi có thể uống trước 1, 2 tuần. Việc không dùng thuốc điều kinh trong trường hợp này là rất khó hiểu".
Nguyễn Thị Nụ thi đấu tại SEA Games 22.
Tương tự với Nguyễn Thị Nụ, cựu tuyển thủ quốc gia bóng đá nữ Đỗ Thị Ngọc Châm cũng không kém phần khó hiểu với thông tin này:
"Trước mỗi kỳ giải, HLV sẽ yêu cầu bác sỹ đi hỏi từng vận động viên về ngày trong tháng để đăng ký. Những bạn nào vào thời kỳ đèn đỏ sẽ uống thuốc để có thể bị chậm lại, tránh ngày thi đấu ra.
Theo cá nhân tôi nghĩ, để chuẩn bị cho một giải đấu mang tính chất quan trọng như SEA Games, BHL đã phải chuẩn bị và tính toán kỹ lưỡng được ngày "đèn đỏ" của vận động viên nữ".
Đỗ Thị Ngọc Châm.
Cũng theo Ngọc Châm, dù được phát thuốc nhưng có khá nhiều đồng đội của mình không uống, trừ những người tới ngày quá mệt và ra kinh quá nhiều, và điều này cũng không ảnh hưởng nhiều đến phong độ thi đấu. Với riêng Ngọc Châm: "Thậm chí vào ngày ấy, tôi thấy mình còn thi đấu sung hơn".
Từ đó, phải chăng có việc vận động viên không dùng thuốc do chủ quan, và "đèn đỏ" không phải là lý do thực sự cho việc "đánh rơi" chiếc HCV đầu tiên của điền kinh Việt Nam?