Việt Nam là ưu tiên vô điều kiện trong chính sách đối ngoại của Nga ở Châu Á-TBD

VÂN ANH |

Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov khẳng định, Việt Nam là người bạn lâu năm, đáng tin cậy, và phát triển mối quan hệ với Việt Nam là ưu tiên vô điều kiện trong chính sách đối ngoại của Nga ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Đại sứ có thể cho biết Nga sẽ mang thông điệp gì đến APEC?

- Dự kiến, Tổng thống Putin sẽ tham gia các cuộc họp và đối thoại chính của APEC, khi Việt Nam lần thứ hai trong lịch sử tổ chức Hội nghị thượng đỉnh này. Chúng tôi hy vọng rằng, theo truyền thống đã hình thành trong các mối quan hệ Nga -Việt, bên lề hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Putin với các nhà lãnh đạo Việt Nam, cũng như các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo của một loạt quốc gia khác.

Nga tham gia APEC từ năm 1998. Theo thừa nhận của các đối tác, đất nước chúng tôi đã có những đóng góp quan trọng làm phong phú nội dung nghị sự của diễn đàn trong các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trong quá trình giữ vai trò chủ tịch APEC năm 2012. Một số sáng kiến của Nga đã đặt nền móng cho các cuộc thảo luận tiếp theo trong khuôn khổ APEC, mà một trong đó là sáng kiến tổng hợp trong lĩnh vực phát triển và hội nhập các lãnh thổ xa xôi.

Quan hệ chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga trong khuôn khổ APEC sẽ phát triển như thế nào, trong bối cảnh khu vực và toàn cầu có nhiều thay đổi, thưa Đại sứ?

- Nga và Việt Nam phát triển thành công mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, dựa vào truyền thống hữu nghị lâu bền và chân thành, giúp đỡ lẫn nhau và hợp tác tích lũy được qua nhiều thập kỷ.

Những mối quan hệ chính trị, kinh tế - thương mại và văn hóa - xã hội giữa hai nước chúng ta luôn được củng cố, sự tương tác trên trường quốc tế trong khuôn khổ các tổ chức đa phương đang phát triển, trong đó có APEC. Điều này phần lớn là do các quan điểm gần gũi hoặc tương tự đối với nhiều vấn đề và thách thức đương đại. Chúng ta nhất trí ủng hộ sự cần thiết đảm bảo các nguyên tắc thương mại cởi mở, tự do và đầu tư, chống lại sự xuất hiện của chủ nghĩa bảo hộ kìm hãm sự phát triển nền kinh tế toàn cầu.

Thưa Đại sứ, Việt Nam nằm ở đâu trong chính sách hướng Đông của Nga?

- Phát triển các mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là ưu tiên vô điều kiện trong chính sách đối ngoại của Nga ở Châu Á-Thái Bình Dương. Chính sách này được ghi nhận trong văn kiện hình thành hệ thống đối với nền ngoại giao của chúng tôi, như Khái niệm về chính sách đối ngoại của Liên bang Nga, phiên bản mới đã được Tổng thống Putin phê chuẩn vào tháng 11 năm ngoái.

Việt Nam là người bạn lâu năm và đáng tin cậy của đất nước chúng tôi trong khu vực, sự tương tác với Việt Nam dựa trên kinh nghiệm phong phú, tình hữu nghị truyền thống và tình cảm tương hỗ chân thành. Toàn bộ lịch sử quan hệ của chúng ta nói về điều đó, và rằng những thay đổi sâu sắc và đầy kịch tính đã xảy ra trong những thập kỷ qua trên toàn thế giới không thể lay chuyển được sự quan tâm lẫn nhau trong việc tăng cường các mối quan hệ song phương.

Vậy hợp tác Việt - Nga sẽ có điểm nhấn nào đáng chú ý trong thời gian tới? Đại sứ có những khuyến nghị gì để hợp tác được hiệu quả hơn?

- Chủ đề chính cho cả hai bên hiện nay là tăng cường hợp tác thương mại - kinh tế, hiện đang phát triển rất năng động, nhưng tạm thời chưa tương xứng với khả năng của chúng ta. Cần lưu ý rằng, Nga và Việt Nam có lợi thế nhất định. Việt Nam - nước đầu tiên của các nền kinh tế APEC đã ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEC), liên kết Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Đây có thể là cơ sở tốt cho việc phát triển các dự án quy mô lớn hơn, ví dụ, việc ký văn bản tương tự giữa EAEC và ASEAN. Hai nước chúng ta đã nổi lên ở đây như những người khởi xướng và “động cơ” chính của quá trình này. Chúng tôi cũng dự định tiếp tục tăng cường quan hệ song phương trong các lĩnh vực khác, bao gồm chính trị và quân sự, khoa học và giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch, giao lưu giữa người dân hai nước

Đại sứ đánh giá thế nào về vai trò và vị thế của Việt Nam khi đăng cai tổ chức APEC?

- Chúng tôi tích cực ủng hộ các sáng kiến do Việt Nam đề xuất trong năm nay nhằm đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và toàn diện, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu. Hơn nữa, một phần trong đó đã được đưa ra trong năm 2012, khi hội nghị thượng đỉnh và các hoạt động khác của APEC diễn ra tại Vladivostok, Nga.

Việc thực hiện thành công những sáng kiến do nước các bạn đề xuất sẽ không thể, nếu thiếu tính chuyên nghiệp và sự quan tâm của các nhà tổ chức và chuyên gia từ các cơ quan hữu quan của Việt Nam, cũng như lòng hiếu khách của người Việt Nam. Về điều này, một lần nữa tôi đã được chứng thực bằng kinh nghiệm cá nhân, khi cách đây không lâu đã dẫn đầu phái đoàn Nga tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC hồi giữa tháng 10 ở Hội An.

Tôi tin rằng, hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ diễn ra thành công và kết quả của nó sẽ thúc đẩy sự phát triển hơn nữa khu vực Châu Á Thái Bình Dương và toàn thế giới.

- Xin cảm ơn Đại sứ!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại