“Việt Nam là tình yêu và nỗi đau của tôi”

Ninh Công Khoát |

Trung tá Valery Vasilievich Skoryak sinh ngày 7-5-1941 tại thành phố Lida, vùng Grodnensk, Cộng hòa Belarus. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp Trường Kỹ thuật quân sự Odessa, ông được phân công phục vụ trong một đơn vị tên lửa phòng không với chức vụ là Trung đội trưởng bệ phóng tên lửa S-75.

Năm 1969, ông tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự, chuyên ngành tên lửa phòng không ở thành phố Kharkov. Sau khi ra trường, ông được cử sang Việt Nam làm chuyên gia tên lửa phòng không từ ngày 30-1-1970 đến ngày 20-12-1970.

Trong thời gian công tác ở Việt Nam, ông đã được cử vào vùng đất lửa Khu 4 để giúp đỡ cán bộ chiến sĩ hai trung đoàn Tên lửa Phòng không (TLPK) 238 và 275 sửa chữa khí tài tên lửa, đảm bảo kịp thời chiến đấu chống lại các cuộc không kích của máy bay Mỹ.

Chuyến công tác ở Việt Nam đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm vui buồn, mà ông đã ghi trong tập hồi ức của các chuyên gia quân sự Liên Xô có tiêu đề "Việt Nam không thể nào quên" đã được Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân (QĐND) phát hành hồi tháng 3 vừa qua. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc tóm lược một phần hồi ức của ông Skoryak.

Việt Nam là tình yêu của tôi…

Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi. Thực tế này đã đến với tôi một cách rất ngẫu nhiên. Tôi đã đến Việt Nam 6 lần.

Lần thứ nhất, vào đầu tháng 1-1970 và trong nhiệm kỳ công tác 1 năm, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế là huấn luyện và giúp đỡ các chiến sĩ bộ đội Tên lửa Phòng không QĐND Việt Nam chiến đấu chống lại các cuộc không kích của máy bay Mỹ.

“Việt Nam là tình yêu và nỗi đau của tôi” - Ảnh 1.

Các lần tiếp theo là đi du lịch trong những năm từ 2003 đến 2007. Trong đó, có bốn lần đi tự túc và một lần là thành viên của Hội Hữu nghị Nga - Việt thành phố Sverlov.

Trong 10 ngày của tháng 1-1970, tôi đã dự các lớp hướng dẫn những việc cần làm khi sang Việt Nam do các đơn vị chức năng của Bộ Tổng tham mưu tổ chức. Các bác sĩ hướng dẫn chúng tôi không uống nước lã, để giảm mồ hôi, một ngày nên tắm hai lần.

Chúng tôi được tiêm vắc-xin phòng viêm não, vì ở Việt Nam có nhiều muỗi và muỗi là cầu lan truyền bệnh. Chúng tôi được thông báo rằng có những sĩ quan trong đoàn đầu tiên đã mắc phải căn bệnh này.

Một Đại tá, một Thượng úy bị bệnh nghiêm trọng, phải gửi về Liên Xô điều trị. Không lâu trước ngày tôi lên đường sang Việt Nam, năm 1968, con gái chúng tôi, cháu Marina chào đời. Vợ tôi và cá nhân tôi đều bình tĩnh trước chuyến đi công tác sắp tới của tôi.

Khoảnh khắc thú vị nhất là thời điểm chuẩn bị cho chuyến đi công tác vào tháng 1-1970. Cùng với tôi có thêm 25 sĩ quan. Chúng tôi được đưa đến một kho quân trang của quân đội, nhận quần áo dân sự. Một điều thú vị là quần áo và giày dép của tất cả mọi thành viên đều có cùng màu sắc và kiểu dáng.

Khi chúng tôi xuất hiện tại sân bay quốc tế Sheremetyevo ở Moscow đã gây ra sự quan tâm lớn cho những người xung quanh. Trong thời tiết giá lạnh âm 30 độ, mọi người đều đội mũ và áo khoác giống hệt nhau và đứng cạnh nhau như những nhân vật trong một bộ phim thám tử.

Chúng tôi ngồi trên máy bay IL-18, bay theo hành trình Moscow-Dushanbe-Karachi-Calcutta-Viêng Chăn-Hà Nội, thời gian bay kéo dài 22 giờ. Khi đến Hà Nội, thời tiết tốt, khoảng 25 độ C. Chúng tôi ngay lập tức được đưa đến Đại sứ quán Liên Xô, và sau đó đến khách sạn Kim Liên. Chúng tôi được cử đến giúp đỡ công tác kỹ thuật tên lửa thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân (PKKQ). Người đứng đầu công tác này là Đại tá Dyurich, người đã tham gia cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Nhiệm vụ của tôi là kiểm tra mức độ sẵn sàng chiến đấu của hệ thống thiết bị bệ phóng tên lửa S-75 ở các đơn vị chiến đấu, kịp thời sửa chữa các hư hỏng của thiết bị và giúp đỡ các khẩu đội chiến đấu nâng cao trình độ chuyên môn.

Cùng các kỹ sư Việt Nam phục hồi các hệ thống tên lửa phòng không bị hư hại do máy bay Mỹ gây ra và tiến hành nghiên cứu các lần bắn, phân tích nguyên nhân khiến tên lửa rơi và các biện pháp khác, góp phần nâng cao hiệu quả của hệ thống tên lửa phòng không.

Trong năm 1970, nhóm kỹ sư chúng tôi trong đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô trực thuộc Quân chủng PKKQ Việt Nam đã 3 lần đến phía nam thành phố Vinh thuộc khu 4 để sửa chữa và phục hồi khí tài của các tiểu đoàn hỏa lực thuộc hai Trung đoàn TLPK 238 và 275 bị không quân Mỹ đánh bom, nhanh chóng đưa các đơn vị đó về tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Đầu tháng 3, một nhóm 6 người do Đại tá Dyurich chỉ huy rời thành phố Vinh vào sâu phía nam. Sau khi khởi hành được một tiếng rưỡi, thì không quân Mỹ đã ném bom xuống cầu phao cách chúng tôi gần 1km. Chúng tôi đã ẩn nấp vào bụi rậm, chờ đợi vụ đánh bom, xem những chiếc máy bay F-105 thả toàn bộ số bom của chúng, rồi hớt hải bay vòng quay trở về căn cứ.

Sau khi đến Tiểu đoàn 68 Trung đoàn TLPK 275, đơn vị bị không quân Mỹ ném bom, chúng tôi đã đứng cách xa thiết bị khoảng 5-10 mét. Tuy gần như thế, song chúng tôi không nhìn thấy thiết bị, vì các bạn Việt Nam ngụy trang quá tốt.

Chỉ huy Tiểu đoàn đã gặp chúng tôi, và chúng tôi đã cùng nhau đi vòng quanh trận địa, trên trận địa có 3 bệ phóng tên lửa. Các bệ phóng và tên lửa đều được phủ kín lá cọ và lá tre. Công việc khôi phục thiết bị của Tiểu đoàn 68 được thực hiện từ 16 giờ đến 24 giờ, và thậm chí muộn hơn, vì vào thời điểm này, Mỹ ít ném bom.

Sửa chữa các bệ phóng tên lửa SM-63-II được thực hiện bằng phương pháp sửa chữa từng khối. Trong rừng có rất nhiều bệ phóng, mà ở các bệ đó có một hoặc hai phần tử của thiết bị điện bị hỏng, các khối còn lại được sử dụng để thay thế, khôi phục hoạt động của bệ phóng.

Theo lệnh của Đại tá Dyurich, công tác phục hồi khí tài cần được thực hiện một cách khẩn trương. Đại tá không nhìn đồng hồ. Ông chỉ nhìn vào đồng hồ khi một chiến sĩ Việt Nam quá mệt mỏi, cuối cùng bị ngất xỉu, thì khi đó lệnh "hết làm việc" mới được vang lên.

Chúng tôi đã hoàn thành việc sửa chữa và điều chỉnh các thiết bị của Tiểu đoàn 68 vào ngày 12 hoặc 15 tháng 4. Ngoài công tác sửa chữa, chúng tôi cũng kiểm tra mức độ sẵn sàng chiến đấu của hai tiểu đoàn hỏa lực thuộc Trung đoàn TLPK 275.

Sau khi chúng tôi kiểm tra xong, ngày 10-4-1970, một tiểu đoàn hỏa lực của Trung đoàn TLPK 275 đã bắn rơi một máy bay không người lái BQM-34A (hoặc 72A).

Đây là chiếc máy bay thứ 3.337 bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc Việt Nam (theo thống kê của Quân chủng PKKQ Việt Nam). Để giảm độ phát xạ, toàn bộ thân máy bay không người lái được làm bằng nhựa, ngoại trừ động cơ. Các bạn Việt Nam đã mang đến cho chúng tôi xem một phim ảnh rộng 30mm, trên phim đó đã chụp ảnh địa hình khu vực này.

Sau khi kiểm tra hai tiểu đoàn hỏa lực của Trung đoàn TLPK 275, chúng tôi đến kiểm tra hai tiểu đoàn hỏa lực của Trung đoàn TLPK 238. Bước sang ngày thứ ba khi chúng tôi ở Trung đoàn TLPK 238, vào khoảng 10 giờ sáng, ở cự ly vài trăm mét cách trận địa hỏa lực, chúng tôi quan sát thấy máy bay địch phóng tên lửa Sơrai xuống tiểu đoàn hỏa lực.

Đại tá Dyurich, một người lính giàu kinh nghiệm trên trận mạc, đã ra lệnh: "Sao các anh cứ ngây người ra thế, không nhanh chân chạy vào hầm trú ẩn!". Ngay gần chỗ chúng tôi đứng là chiến hào. Tiểu đoàn hỏa lực phòng không không chỉ có thể tránh được Sơrai mà còn bắt được tín hiệu một mục tiêu khác. Một chiếc A-6A bị bắn hạ.

Cùng ngày, một tiểu đoàn hỏa lực khác của trung đoàn này đã bắn hạ một máy bay F-4. Chúng tôi giúp đỡ Trung đoàn TLPK 238 chuẩn bị khí tài để bắn hạ máy bay B-52.

Ngày 19 tháng 12 năm 1970 là thời hạn kết thúc nhiệm kỳ công tác của tôi ở Việt Nam và tôi về quê hương Xôviết.

…và nỗi đau

Trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 4-1970, chúng tôi công tác ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình thuộc Quân khu 4, chúng tôi đã di chuyển trận địa dọc theo các con đường số 9, 12, 22 và khu vực Vĩ tuyến 17, nhiều lần chúng tôi đã đi nhầm sang cả lãnh thổ Lào. Đồng chí phiên dịch nói rằng, ở vùng này Mỹ đã rải chất độc hóa học.

Mỹ bắt đầu sử dụng vũ khí hóa học ở tỉnh Quảng Bình từ tháng 4-1966. Họ đã rải từ máy bay xuống một khu vực rộng lớn những loại hóa chất làm rụng lá để phá hủy tán lá rừng. Sau khi đã làm cho rừng xanh trở nên trơ trụi, Mỹ hy vọng sẽ dễ dàng theo dõi sự di chuyển người và vũ khí của quân và dân miền Bắc Việt Nam dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh vào chiến trường miền Nam Việt Nam.

Do đó, những con quạ sắt đã đầu độc một vùng lãnh thổ rộng lớn bằng chất độc da cam, được coi là chất độc bền vững. Không chỉ thế giới thực vật và động vật mà cả con người phải chịu đựng thiệt hại...

Sau khi trở về từ Việt Nam, năm 1973, chúng tôi vui mừng được đón một đứa con trai chào đời. Nhưng con trai tôi là một đứa bé tàn tật, bị bệnh phenylketon nhóm I, căn bệnh này ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của con tôi. Xác định nguyên nhân xuất hiện căn bệnh này, có hai ý kiến: di truyền hoặc tác hại của môi trường công tác của cha hoặc mẹ của đứa trẻ. Tôi nghiêng về ý kiến thứ hai.

“Việt Nam là tình yêu và nỗi đau của tôi” - Ảnh 2.

Ông Skoryak (thứ 5 từ phải qua) trong đoàn Hội Hữu nghị Nga - Việt thành phố Sverlov sang thăm Việt nam năm 2007.

Câu hỏi đầu tiên của nữ bác sĩ Tiến sĩ khoa học, Viện Phụ sản và Trẻ sơ sinh, bà Merzlyakova, là trong cơ thể tôi có chất độc do nghề nghiệp. Tôi đã xác nhận sự thật này. Nhưng tại thời điểm đó, tôi không có khả năng để nói tôi đã bị nhiễm độc ở đâu.

Có thể đưa ra những dẫn chứng khác về xác suất ảnh hưởng của các chất độc hại lên cơ thể tôi. Năm 1968 (trước khi sang Việt Nam) con gái tôi đã chào đời. Cháu khá khỏe mạnh, cháu tốt nghiệp THPT và đại học. Sau khi từ Việt Nam trở về, tôi được đến y tế kiểm tra sức khỏe.

Các bác sĩ của phòng khám đa khoa quân sự nói rằng, chức năng thận của tôi bị suy giảm, và qua nhiều năm, đến năm 2006, tôi đã cảm thấy được điều đó. Hóa chất chứa dioxins ảnh hưởng đến di truyền, thận và gan là những căn bệnh phổ biến nhất ở Việt Nam (Đây là kết luận của các chuyên gia độc lập tại Trung tâm Nhiệt đới tại Hà Nội).

Tôi không thể chứng minh lẽ phải của mình trong vấn đề này, Nhà nước hoặc tập đoàn hóa học không thừa nhận tội lỗi của mình và đền bù cho tất cả các nạn nhân.

Tờ "Đối ngoại quân sự" số 5 tháng 5 - 1971 đã viết về Chiến tranh Việt Nam: "Chiến tranh hóa học đang xảy ra trên quy mô lớn, chỉ trong hai năm qua, Không quân Hoa Kỳ đã phun chất độc trên diện tích hơn 18.000km2. Theo đó, có 850 nghìn người đã bị nhiễm độc và hàng trăm người đã chết".

Trong một triển lãm ở Hà Nội đã giới thiệu với khán giả những đứa trẻ được sinh ra từ những người trong số 850.000 người Việt Nam bị nhiễm chất độc này. Những đứa trẻ đó hiện tại như thế nào? Cha mẹ chúng sống chủ yếu ở khu vực Vĩ tuyến 17 thuộc tỉnh Quảng Bình và Quảng trị. Tháng 10-2007, tôi đã đến xem triển lãm này.

Những người lính Mỹ vô tình rơi vào khu vực bị rải chất độc hóa học, sau khi trở về Hoa Kỳ, họ đã sinh ra những đứa trẻ có những sai lệch lớn trong phát triển thể chất và tinh thần. Tôi đã chi rất nhiều tiền cho việc điều trị cho con trai tôi.

Năm 1996, tôi đã cầu cứu đến nhiều cơ quan chức năng và đã được chuyển đến Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, nhưng không có kết quả. Bộ Quốc phòng không từ chối việc tôi đã ở khu vực Vĩ tuyến 17 và ở đó đã bị Mỹ rải các chất độc hóa học. Họ thông cảm và từ chối giúp đỡ vì thiếu tiền cho các mục đích này.

Chỉ có tổ chức xã hội là các Cựu chiến binh thành phố Ekaterinburg đã công tác ở Afghanistan mới giúp tôi, cho tôi một ít tiền. Tôi rất biết ơn họ vì đã giúp đỡ tôi trong thời điểm khó khăn này.

Tôi nghĩ rằng, những người Việt Nam bình dị sẽ nhớ đến những người con Xôviết đã giúp đỡ họ như thế nào trong những năm khó khăn. Bình yên và hạnh phúc đến với các bạn. Việt Nam, đất nước không thể nào quên trong tôi!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại