Trong dòng trạng thái, FedEx khẳng định không chịu bất kỳ sức ép bên ngoài nào liên quan đến sự cố vận chuyển bưu kiện khẩn của Huawei.
Trước đó, theo hãng tin Reuters, tập đoàn công nghệ Huawei thông báo xem xét lại quan hệ hợp tác với FedEx sau khi cáo buộc công ty chuyển phát nhanh này mang hai bưu kiện vốn dĩ gửi tới các văn phòng đại diện của Huawei tại châu Á sang Mỹ.
Ngày 24/5, đại diện Huawei cho biết FedEx đã chuyển hai bưu kiện gửi từ Nhật Bản vào ngày 19-20/5 dự kiến tới văn phòng Huawei ở Trung Quốc sang trụ sở của FedEx ở thành phố Memphis, bang Tennessee (Mỹ).
Bên cạnh đó, công ty chuyển phát nhanh còn can thiệp vào quá trình vận chuyển hai kiện hàng khác được gửi từ Hà Nội vào ngày 17/5, dự kiến tới văn phòng Huawei ở Hong Kong và Singapore. Tính đến ngày 21/5, hai kiện hàng này vẫn được lưu trữ tại văn phòng FedEx ở Hong Kong và Singapore, với thông báo “lỗi vận chuyển”.
Bà Maury Donahue – nữ phát ngôn viên của FedEx – thông báo các kiện hàng “gặp lỗi vận chuyển” và khẳng định FedEx không bị thế lực ngoài can thiệp.
Theo trang web chính thức của FedEx, “lỗi vận chuyển” thường xảy ra khi có sự cố bất ngờ ngăn việc giao hàng, ví dụ như sự chậm trễ khi qua hải quan, ngày lễ hoặc không có người nhận hàng. FedEx từ chối cung cấp nguyên nhân dẫn tới “lỗi vận chuyển” trong trường hợp này.
Huawei khẳng định 4 bưu kiện bị gặp sự cố trong quá trình giao nhận đều được chuyển bằng đơn vị thầu chuyên giao hàng cho họ, chỉ chứa tài liệu khẩn và “không có bất kỳ công nghệ nào”.
Sự cố nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của dư luận trong bối cảnh cuộc chiến thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mỹ tin rằng Huawei, nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới dẫn đầu trong việc tạo ra thế hệ mạng không dây tiếp theo được gọi là 5G, là mối đe dọa gián điệp tiềm tàng và có mối quan hệ chặt chẽ với Chính phủ Trung Quốc. Về phần mình, Huawei nhiều lần bác bỏ cáo buộc tập đoàn này bị Chính phủ Trung Quốc kiểm soát.