"Việt Nam đứng thứ 3 trong lĩnh vực cả thế giới theo đuổi, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ"

Minh Hằng |

GS Martin Andrew Green, đồng chủ nhân Giải thưởng Chính (3 triệu USD) của VinFuture chia sẻ, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới trong một lĩnh vực tỷ USD.

GS Martin Andrew Green (SN 1948), nhà khoa học người Australia, là người tiên phong phát triển bộ phát tự động và tiếp điểm phía sau (PERC) cho pin mặt trời.

Tối 20/12, GS Martin Andrew Green cùng với 3 GS là Stanley Whittingham (người Mỹ gốc Anh); Rachid Yazami (người Marocco) và Akira Yoshino (người Nhật Bản) đã được vinh danh ở Giải thưởng Chính, hạng mục cao nhất của VinFuture 2023. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh phát minh đột phá kiến tạo nền tảng bền vững cho năng lượng xanh thông qua việc sản xuất bằng pin mặt trời và lưu trữ bằng pin lithium-ion.

"Việt Nam đứng thứ 3 trong lĩnh vực cả thế giới theo đuổi, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ"- Ảnh 1.

GS Martin Andrew Green là đồng chủ nhân của Giải thưởng Chính VinFuture 2023.

Ngay sau khi đạt được giải thưởng danh giá này, GS Martin Andrew Green, "cha đẻ" của công nghệ bộ phát thụ động và tiếp điểm phía sau cho pin mặt trời đã có những chia sẻ thú vị về tương lai phát triển năng lượng xanh ở Việt Nam.

Điện mặt trời từng bị coi là bọ chét trên lưng voi

"Việt Nam đứng thứ 3 trong lĩnh vực cả thế giới theo đuổi, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ"- Ảnh 2.

GS Martin Andrew Green đã có nhiều năm nghiên cứu về pin mặt trời. Ảnh: Twitter

PV: GS bắt đầu đến với con đường nghiên cứu về pin mặt trời như thế nào?

GS Martin Andrew Green: Ban đầu tôi thích lĩnh vực kỹ thuật điện tử và sau đó là phi điện tử tại Australia. Tuy nhiên, sau đó tôi dần quan tâm tới ngành có thể tạo tác động xã hội lớn hơn. Vào thời điểm đó, năm 1973, Israel đang có chiến tranh nên các nước phát sinh nhu cầu về tìm kiếm nguồn năng lượng mới, trong đó có năng lượng mặt Trời. Kể từ đó, tôi quyết định chuyển từ kỹ thuật điện tử sang nghiên cứu về năng lượng mặt trời, cụ thể là pin mặt trời.

PV: Bước sang lĩnh vực mới nào cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, xin GS chia sẻ về những khó khăn này?

GS Martin Andrew Green: Thật ra thời đểm tôi bắt đầu nghiên cứu về lĩnh vực này chủ yếu mọi người lúc bấy giờ đều quan tâm và kỳ vọng nhiều hơn năng lượng hạt nhân. Do đó, phần lớn mọi người thấy không triển vọng vì cảm thấy năng lượng mặt trời không phải nguồn có thể tạo ra nguồn điện lớn với giá phải chăng. Thời điểm đó, sản xuất ra điện đắt đỏ nên họ coi đây là dự án quá tham vọng và không triển vọng

Khi đó, điện hạt nhân quá "nóng" và triển vọng lớn. Trong khi đó, điện mặt trời chỉ như con bọ chét trên lưng con voi vậy.

Nhiều người, ngay cả các chuyên gia cũng tỏ ra hoài nghi và khó chấp nhận hướng nghiên cứu của tôi. Sự thay đổi chỉ diễn ra từ từ khi họ nhận thấy công nghệ phát triển.

"Việt Nam đứng thứ 3 trong lĩnh vực cả thế giới theo đuổi, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ"- Ảnh 3.

Ban đầu, nhiều người cho rằng dự án nghiên cứu của GS Martin là quá xa vời và không có triển vọng.

Nghiên cứu của tôi là chuyển đổi năng lượng. Từ năm 1994, chúng tôi nghiên cứu hiệu suất pin thì tỉ lệ chuyển đổi năng lượng chỉ khoảng 19%. Nhưng sau đó, chúng tôi tìm hiểu được, cơ chế khả năng đạt hiệu suất cho pin có thể lên tới 30%. Dần dà, các mục tiêu tiếp theo của chúng tôi là 25% và 20%.

Đến nay, phần lớn doanh nghiệp trong ngành điện lực cho là năng lượng mặt trời có thể tạo ra sản lượng lớn với giá phải chăng. Thậm chí, chi phí còn rẻ hơn trong tương lai.

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cho điện mặt trời và cạnh tranh nhau. Họ cho rằng đây là năng lượng sẽ phát triển và chiếm tỷ trọng lớn trong các quốc gia vào năm 2050.

PV: Nghiên cứu của GS đã giúp tối ưu hóa hiệu suất của pin mặt trời và chứng minh tính khả thi của việc kết hợp các công nghệ tiên tiến này vào sản xuất hàng loạt. Đến lúc này, ông có suy nghĩ gì?

GS Martin Andrew Green: Khi thấy dự án nghiên cứu của mình được chấp nhận, tôi vô cùng vui mừng. Công sức mà tôi và nhóm nghiên cứu của mình bỏ ra đã xứng đáng và thực sự đơm hoa kết trái. 

Thật may mắn là công nghệ này đã phát triển kịp thời khi đây là thời điểm chúng ta đang phải gia tăng nỗ lực để ứng phó với biến đổi khí hậu, với giá cả phải chăng. Mọi thứ diễn ra đều đúng thời điểm và đúng công nghệ. Với năng lượng mặt trời, chúng ta đã có giải pháp với chi phí phải chăng để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam là "công xưởng" sản xuất pin mặt trời trên thế giới

"Việt Nam đứng thứ 3 trong lĩnh vực cả thế giới theo đuổi, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ"- Ảnh 4.

GS Martin Andrew Green đánh giá cao hướng phát triển điện Mặt Trời ở Việt Nam.

PV: GS đánh giá gì về điện mặt trời ở một quốc gia đang phát triển như Việt Nam?

GS Martin Andrew Green: Theo tôi được biết, năm 2019, Việt Nam nổi lên là một quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ và lắp đặt điện mặt trời lớn thứ 5 trên thế giới. Đến năm 2020, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực này. Điều này cho thấy tỷ lệ ứng dụng điện mặt trời ở Việt Nam đã và đang phát triển với tốc độ nhanh thế nào.

Một tấm pin mặt trời với kích cỡ bằng một quyển sách như tôi cầm từng có chi phí lên tới hàng nghìn USD. Tuy nhiên, bây giờ nó chỉ khoảng 1 USD. Do đó, trong tương lai, khi nhu cầu tăng cao, Việt Nam hoàn toàn có thể dựa vào năng lượng mặt trời (thay vì hóa thạch) để đáp ứng nhu cầu về năng lượng điện một cách bền vững. 

Ngoài ra, Việt Nam hiện là "công xưởng" sản xuất pin mặt trời thuộc top 10 – 12 các nước ứng dụng và sử dụng năng lượng mặt trời. Vì vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này.

Tôi tin trong tương lai, phần lớn nguồn cung sơ cấp trên thế giới là từ năng lượng mặt trời. Bên cạnh là nước có tỉ lệ lắp đặt điện mặt trời lớn, Việt Nam còn là quốc gia có sản lượng sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn bậc nhất thế giới. Đó là bước tiến mạnh mẽ. Việt Nam có lợi thế không chỉ lắp đặt hệ thống mà còn sản xuất tấm pin năng lượng Mặt trời. Lời khuyên của tôi là Việt Nam nên tiếp tục phát huy đi theo đường hướng này. 

Xu hướng chuyển dịch sang năng lượng xanh, năng lượng mặt trời đang diễn ra một cách rất nhanh chóng và sẽ còn nhanh hơn nữa trong tương lai, đặc biệt là tại các quốc gia như Việt Nam.

Xin cảm ơn GS!

Trước khi công trình mang tính cách mạng của GS Martin Andrew Green ra đời, hiệu suất pin mặt trời chỉ đạt được ở mức 15%. Tuy nhiên, dựa trên những đột phá mà nhóm nghiên cứu của GS đạt được, đã giúp hiệu suất chuyển đổi năng lượng của pin mặt trời tăng vọt lên mức 25% như hiện nay.

Kể từ khi được sản xuất đại trà vào năm 2012, pin mặt trời PERC đã chiếm tới 60% thị phần thị trường pin mặt trời trên phạm vi toàn thế giới. Đặc biệt, giai đoạn từ 2010 - 2022, tỉ trọng năng lượng mặt trời đã tăng gấp 18 lần (lên mức 14,7%) trong cơ cấu năng lượng toàn cầu, đóng góp lớn cho tiến trình dịch chuyển khỏi năng lượng hóa thạch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại