Việt Nam đưa xe tăng ra giữ đảo: Những "lô cốt" kiên cường

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Đưa một chiếc xe tăng vượt trùng khơi ra đảo đã tốn rất nhiều công sức, nay nhìn chúng đang chuẩn bị "tê liệt" ai cũng xót xa.

T-34, những chiếc xe tăng ra đời từ Thế chiến Hai và đã bị loại khỏi biên chế của quân đội hầu hết các nước trên thế giới. Tuy nhiên, Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn có cách sử dụng chúng một cách hiệu quả.

Không cơ động được xa thì cho ra đảo!

Ra đời từ Thế chiến Hai, có tuổi thọ trên dưới 70 năm nên xe tăng T-34 thường được các chiến sĩ xe tăng Việt Nam gọi là "bà già K2".

Sở dĩ có tên gọi này là bởi ngoài thiết bị động lực lạc hậu, giờ bảo hiểm động cơ thấp, thiết bị điều khiển thô sơ, đòi hỏi thời gian chăm sóc, bảo dưỡng thường xuyên cao mỗi khi xuất xe thì hệ thống truyền động và hành động của nó cũng hết sức cũ kỹ và đơn giản.

Thế cho nên lái xe đã vô cùng vất vả mà bảo dưỡng chăm sóc cũng không kém phần gian nan. Tất cả những vấn đề ấy làm cho khả năng cơ động của T-34 rất kém cỏi, chậm chạp... so với các loại xe tăng thế hệ sau. Và đó cũng là nguyên nhân mà quân đội hầu hết các nước đã từng có T-34 trong trang bị đã loại nó ra khỏi biên chế.

Trong Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN), T-34 cũng từng bước đưa ra khỏi trang bị chiến đấu của các đơn vị Tăng thiết giáp từ những năm 80 thế kỷ trước. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: "Mặc dù khả năng cơ động kém song các khẩu pháo 85 mm trên xe vẫn là một hỏa lực đáng nể.

Đặc biệt là với những mục tiêu trong tầm bắn hiệu quả thì xác suất trúng khi bắn trực tiếp từ pháo tăng bao giờ cũng cao hơn so với pháo mặt đất. Vì vậy, vẫn có thể sử dụng nó ở những nơi đòi hỏi cơ động ít".

Và một quyết định hết sức dũng cảm, quyết đoán đã được đưa ra: "Đưa xe tăng T34 ra quần đảo Trường Sa!". Trên các đảo, hoạt động tác chiến chủ yếu sẽ là phòng thủ, chống đổ bộ đường biển. Mặt khác, diện tích đảo có hạn nên yêu cầu cơ động không lớn.

Thế là vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, bên cạnh việc đưa xe tăng bơi PT-76 và K63-85 ra Trường Sa thì một số xe tăng T-34 đã được đưa ra cùng.

Việt Nam đưa xe tăng ra giữ đảo: Những lô cốt kiên cường - Ảnh 1.

Huấn luyện đưa xe tăng lên tàu đổ bộ.

Gian nan công tác bảo đảm kỹ thuật giữa trùng khơi

Đây có lẽ là một khó khăn mà những người đưa ra quyết định cho xe tăng ra đảo chưa lường hết được.

Cũng như mọi loại trang bị kỹ thuật khác, xe tăng đòi hỏi phải được bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên theo những quy trình nghiêm ngặt thì mới đảm bảo tình trạng kỹ thuật cũng như khả năng sẵn sàng chiến đấu cao.

Trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt ngoài đảo xa, yêu cầu đó còn cao hơn gấp bội. Song dường như mọi cố gắng của bộ đội đều bị vô hiệu bởi khí hậu thời tiết ở đây.

Với một bầu không khí đậm đặc hơi muối biển, với sự chênh lệch nhiệt độ trong một ngày đêm lên đến hàng chục độ, với sự thất thường của mưa nắng gió mùa... các loại trang bị vũ khí nói chung và xe tăng nói riêng từng giây từng phút bị tấn công không thương tiếc.

Tất cả các bộ phận bằng kim loại từ thân xe, dải xích đến các cụm máy bị ăn mòn với một tốc độ khủng khiếp. Hôm trước vừa mới lau sạch bóng, qua một đêm đến sáng hôm sau ra kiểm tra đã xuất hiện lấm tấm những đốm rỉ. Qua ngày hôm sau nữa thì đã biến thành một đám rỉ dày rồi. Dẫu có đem sơn thì cũng chỉ được dăm bữa, nửa tháng là sơn mất tác dụng.

Việt Nam đưa xe tăng ra giữ đảo: Những lô cốt kiên cường - Ảnh 2.

Xe tăng trên đảo Trường Sa Lớn tháng 5-1988. Ảnh: Nguyễn Viết Thái.

Không chỉ các bộ phận kim loại mới bị tác động mà kể các bộ phận phi kim loại cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Cao su bánh chịu nặng, ống nối cao su và nhựa trong các hệ của động cơ nhanh chóng bị lão hóa, trở nên giòn và cực kỳ dễ vỡ.

Các khí tài quang học cũng như thiết bị thông tin liên lạc cũng chẳng khá hơn, trục trặc thường xuyên xảy ra do ẩm mốc, ăn mòn. Ngay cả dầu mỡ, nhiên liệu cũng bị biến chất rất nhanh. Lớp mỡ niêm nòng pháo ở đất liền có thể giữ nòng pháo không bị rỉ hàng vài năm thì ở ngoài đảo chỉ được vài tháng đã phải thay...

Đối với các xe tăng bơi - do được thiết kế để bơi nước nên khả năng làm kín khá tốt. Vì vậy, khi đóng chặt các cửa thì tác động của khí hậu chủ yếu ở ngoài xe. Còn đối với T-34 do khâu làm kín không được chú trọng từ khi thiết kế nên cuộc tấn công của khí hậu diễn ra một cách toàn diện cả ngoài xe lẫn trong xe.

Trong khi đó, lực lượng thợ kỹ thuật và phương tiện sửa chữa, khí tài thay thế... ở ngoài đảo đều hết sức thiếu thốn, khó khăn nên chỉ sau vài năm, hầu hết các xe tăng T-34 ngoài đảo gần như bị tê liệt.

Cái khó đã ló cái khôn

Đưa một chiếc xe tăng vượt trùng khơi ra đảo đã tốn rất nhiều công sức nay nhìn chúng đang chuẩn bị "tê liệt" ai cũng xót xa. Làm thế nào để vẫn có thể phát huy được tác dụng của chúng trong công tác phòng thủ đảo là câu hỏi lớn đặt ra đối với nhiều cấp, nhiều ngành lúc đó.

Một cuộc hội thảo liên ngành về vấn đề này đã được Bộ Quốc phòng (BQP) tổ chức. Nhiều ý kiến được đưa ra thảo luận và hầu như tất cả đều thống nhất với chủ trương: biến các xe tăng đó thành các lô cốt tại bờ biển trên những hướng phòng ngự chủ yếu.

Tuy nhiên, giải pháp cụ thể như thế nào thì cần phải có một cuộc khảo sát đánh giá cụ thể tình hình mọi mặt mới quyết định được.

Đầu năm 1992, một đoàn công tác chuyên trách bao gồm các cán bộ của Binh chủng Tăng Thiết Giáp, Binh chủng Công Binh và Quân chủng Hải Quân được thành lập. Sau quá trình khảo sát, phân tích tình hình trên mọi khía cạnh đoàn đã báo cáo BQP ý định của đoàn là sẽ đặt tháp pháo xe tăng lên các bệ bê tông cốt thép cố định.

Giải pháp này sẽ đảm bảo tính vững chắc và khả năng sử dụng lâu dài. Mặt khác, trên thế giới cũng đã có nơi áp dụng giải pháp này tỏ ra có hiệu quả như ở bán đảo Kamchatka của Liên Xô (cũ). Quyết tâm của đoàn được Bộ phê chuẩn và nhanh chóng được triển khai.

Thoáng nhìn qua, giải pháp có vẻ khá đơn giản. Thì chỉ việc đổ bê tông bệ lô cốt, sau đó cẩu tháp pháo xe tăng sang đặt lên đó là xong. Song thực tế không dễ dàng như vậy. Bê tông là thứ vật liệu bền vững, có khả năng chịu nén rất tốt song cũng là loại vật liệu giòn, chịu uốn kém và rất dễ vỡ khi xuất hiện các ứng suất tập trung.

Trong khi đó, nếu tháp pháo đặt trên xe thì năng lượng lùi khi bắn ngoài việc bị triệt tiêu ở bộ phận hãm lùi đẩy lên thì sẽ được triệt tiêu thông qua đẩy lùi thân xe (thường là 2 mắt xích). Còn ở đây, tháp pháo lắp trên bệ cố định, toàn bộ năng lượng lùi còn dư sẽ tác động trực tiếp lên bệ bê tông. Nếu tính toán không chính xác sẽ gây hiệu quả nghiêm trọng.

Vì vậy, để cho chắc chắn, đoàn công tác quyết định sẽ làm thử một bệ trước. Sau khi bắn thử thành công mới triển khai đại trà.

Mặc dù đã tính toán lực lùi tối đa, lại có hệ số bảo hiểm song sau vài phát bắn thử đã xuất hiện một số vấn đề, chủ yếu là do năng lượng lùi tồn dư của pháo quá lớn gây ra gãy bu- lông cố định và vỡ bê tông xung quanh các bu-lông.

Lại tính toán, trao đổi và một loạt giải pháp đã được đưa ra như: tăng đường kính các bu- lông cố định vành tháp pháo và sử dụng vật liệu thép không rỉ chất lượng cao; gia công ống bọc bu- lông trước khi đổ bê tông nhằm tránh ứng suất tập trung; gia cố thêm vành thép đỡ tháp pháo nhằm phân tán lực lùi v.v...

Thêm một số đợt bắn thử và điều chỉnh nữa, các số liệu thiết kế bệ pháo mới được hoàn chỉnh.

Đầu đã xuôi, đuôi sẽ lọt! Sau khi bệ tháp pháo thứ nhất hoàn thành chỉ mấy tháng sau toàn bộ số bệ tháp pháo đã được làm xong. Kết quả bắn thử chứng tỏ độ vững chắc, tin cậy của bệ bê tông. Đặc biệt, độ chính xác khi bắn từ tháp pháo trên bệ rất cao, đáp ứng tốt nhiệm vụ tác chiến bảo vệ đảo.

Vậy là, với khối óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của cán bộ, chiến sĩ QĐNDVN - những "bà già K2" với tuổi thọ ngót 3/4 thế kỷ đã được lột xác và vẫn tiếp tục có mặt trong đội hình chiến đấu bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Tổ Quốc Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại