Thay mặt cho tổ chức nước ngoài duy nhất phát biểu tại Hội nghị, ông Đào Xuân Lai chúc mừng Việt Nam tiếp tục đạt thành tựu về tăng trưởng kinh tế - tăng trưởng GDP ước đạt 7%, cao hơn so với mục tiêu.
Thành tựu về phát triển con người - xếp hạng HDI là 118, chỉ thiếu 0,007 điểm là thuộc nhóm Phát triển con người cao; và xếp hạng cao về thu hút đầu tư, đứng thứ 8 trong số các nước đáng đầu tư nhất, vượt 23 bậc so với năm ngoái. Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư kỷ lục đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ việc tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 7% năm 2019, triển khai kế hoạch tham vọng về xây dựng hạ tầng.
Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo và đạt được mức thu nhập trung bình thấp từ năm 2010, sau 25 năm nhờ công cuộc đổi mới. Song chính thành công này Việt Nam lại hết điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi phát triển kể từ giữa 2017. Điều này đặt ra bài toán khó về vốn cho phát triển, đặc biệt cho đầu tư cơ sở hạ tầng, và các công trình trọng yếu.
Từ tháng 7/2017 đối với Ngân hàng Thế giới và 1/1/2019 đối với Ngân hàng Phát triển châu Á - có nghĩa là hàng năm khoảng 4-5 tỷ USD vay ưu đãi, ân hạn dài như những năm trước đây không còn nữa, mà sẽ phải vay với lãi xuất kém ưu đãi hơn, gần lãi xuất thương mại và các điều kiện chặt chẽ hơn.
Đê đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững-SDGs, cũng như trong bối cảnh biến đổi khí đang diễn ra nhanh hơn dự báo, gia tăng thiên tai và ô nhiễm môi trường, cùng xu hướng và cam kết chuyển đổi phát triển và đầu tư vào, tăng trưởng xanh, ông Đào Xuân Lai cho rằng, việc vào cuộc, đóng góp trí tuệ, tài chính, đầu tư của khối doanh nghiệp, khối tư trong nước và quốc tế là tất yếu và không thể thiếu. Đóng góp to lớn của khối tư nhân cho 40% GDP và tạo ra 70% việc làm do hơn 760.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước là bằng chứng rất thuyết phục.
Theo ông Đào Xuân Lai, UNDP đang cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến khích phát triển mô hình và sản phẩm bền vững thông qua một sáng kiến "Chỉ số doanh nghiệp khí hậu" (Climate Business Index). CBI là một công cụ hỗ trợ để doanh nghiệp tự đánh giá về tiến độ và đóng góp cho Phát triển bền vững và khí hậu, đồng thời hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật.
Đại biểu từ UNDP tại Việt Nam góp ý, Nhà nước và Chính phủ cần kiến tạo được môi trường cạnh tranh minh bạch và bình đẳng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, không quá ưu tiên cho doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hay khối doanh nghiệp Nhà nước (SOEs).
Đặt ưu tiên và và tập trung nguồn lực để tăng hiệu quả đầu tư và tăng năng suất. Chú trọng cho các lĩnh vực có thể tạo ra chuyển đổi và thay đổi lớn, tháo gỡ nút thắt. Các ngành ưu tiên bao gồm quy hoạch và quản lý đất đai, năng lượng, xây dựng, giao thông.
Ví dụ trong quản lý đất đai, tăng hạn điền sẽ tạo tiền đề cho sản xuất lượng hàng hóa lớn, tạo kết nối và phát triển chuỗi giá trị. "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" là một thành công cần được phát huy.
Việc đưa ra lộ trình giá điện, thực hiện giá điện bậc thang hiệu quả hơn, mục tiêu phát triển điện tái tạo rõ ràng, cùng các cơ chế đấu giá chặt chẽ và minh bạch, là cần thiết. Điều đó sẽ không chỉ tạo ra đầu tư phát triển mạnh mà quan trọng hơn là thu hút đầu tư tư nhân với chi phí và giá điện cạnh tranh nhất so với khu vực và quốc tế, đồng thời bảo đảm phát triển điện tái tạo cho tất cả các vùng miền, chứ không chỉ tập trung vào phát triển quá nóng tại một số nơi có ưu đãi của thiên nhiên như trong thời gian qua.
Sử dụng nguồn ngân sách làm đòn bẩy và thu hút đầu tư của tư nhân, không đầu tư ngân sách cho các cho các lĩnh vực mà khối doanh nghiệp và tư nhân có khả năng đầu tư. Nhà nước vẫn có thể nắm cổ phần để tăng thu cho ngân sách, song trao quyền đầu tư và kinh doanh cho khối doanh nghiệp tư nhân.
Đối với khối doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp đầu tư và hoạt động có trách nhiệm, tính đến các lợi ích phát triển xã hội, trách nhiệm xã hội như tạo việc làm cho những người khuyết tật và giảm thiểu tác động đối với môi trường và sức khỏe.
Phát triển theo mô hình Kinh tế tuần hoàn là cần thiết, bảo đảm sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm chất thải. Nhiều nước đã và đang áp dụng các nguyên tắc và lộ trình đế phát triển kinh tế tuần hoàn. Theo đó, cả nền kinh tế là một chu trình khép kín, hều hết những công cụ hay vật dụng hết hạn sử dụng được dùng làm đầu vào cho sản xuất và hàng hóa mới. Với yêu cầu đó, các doanh nghiệp khi đưa ra sản phẩm mới ra thị trường phải bảo đảm rằng, sản phẩm khi hết hạn phải sử dụng được cho chuỗi sản phẩm mới khác và phần thải bỏ phải được thu hồi lại để bảo đảm quản lý bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an của Liên Hợp Quốc và Chủ tịch ASEAN năm 2020, cũng như Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2020, "UNDP rất vui mừng được hỗ trợ kỹ thuật cho Hội nghị quốc tế về phát triển kinh tế biển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu vào ngày 26- 27/3 năm 2020", ông Đào Xuân Lai cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn chủ trương của hội nghi, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Na Uy chủ trì hội nghị cấp cao này và có sự tham gia của cấp bộ trưởng từ 71 nước.