Tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đã có những ghi nhận, đánh giá cao trách nhiệm, đóng góp của Việt Nam cho sứ mệnh chung hòa giải, hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới. Đặc biệt thể hiện qua việc tham gia tích cực vào “lực lượng mũ nồi xanh” gìn giữ hòa bình ở những điểm nóng xung đột bạo lực, chiến tranh.
Cảm ơn vì đóng góp hiệu quả của Việt Nam
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2019) tại trụ sở phái đoàn thường trực Việt Nam Liên hợp quốc (New York, Mỹ), Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các hoạt động hòa bình Jean-Pierre Lacroix nồng nhiệt chúc mừng Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời gửi lời cảm ơn chân thành tới Việt Nam vì những đóng góp đối với Liên hợp quốc, nhất là cho các hoạt động gìn giữ hòa bình.
Ông Jean-Pierre Lacroix cho rằng, những đóng góp của Việt Nam không chỉ dừng lại ở lời nói, sự ủng hộ, cổ vũ, mà còn bằng nhiều hành động cụ thể như trực tiếp cử quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ ở những điểm nóng chiến sự như Nam Sudan.
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh, những hoạt động Việt Nam tiến hành gần đây nhằm củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động gìn giữ hòa bình rất đáng làm hình mẫu cho nhiều nước khác, bởi Việt Nam đã tích cực hợp tác với các đối tác liên quan để đào tạo quân sự, đồng thời tìm ra những phương thức tốt hơn để đảm bảo hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình của mình đạt hiệu quả tốt nhất.
Ông Jean-Pierre Lacroix bày tỏ mong đợi sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình trong năm tới khi Việt Nam chính thức đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc từ ngày 1-1-2020.
Những phát biểu của Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang có những đóng góp ngày càng nhiều và hiệu quả hơn trong các hoạt động của tổ chức này, nhất là hoạt động gìn giữ hòa bình. Mới đây nhất, tháng 11-2019, lực lượng thuộc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 của Việt Nam với tổng quân số 63 người (trong đó nữ chiếm 16% và là tỷ lệ cao nhất trong các nước tham gia lực lượng này) đã liên tiếp lên đường sang Nam Sudan để tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Điều đáng nói là Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 của Việt Nam sang Nam Sudan ngay sau khi Bệnh dã chiến cấp 2 số 1 cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ tại chính quốc gia châu Phi này trở về nước. Hơn 1 năm trước, vào tháng 10-2018, khi những người lính quân y Việt Nam đặt chân tới Bentiu, khu vực này cũng như nhiều địa phương khác của Nam Sudan còn tiềm ẩn những nguy cơ xung đột và rất nhiều gian khó.
Cuộc nội chiến ác liệt kéo dài suốt 5 năm tại quốc gia nghèo khó mới thành lập được vẻn vẹn 7 năm ở châu Phi để lại những hậu quả vô cùng tàn khốc, nặng nề. Các chuyên gia của Liên hợp quốc trong chuyến đi thực tế khi cuộc nội chiến ở Nam Sudan vừa lắng xuống đã phải chứng kiến những điều khủng khiếp như thanh trừng sắc tộc tràn lan, đốt phá làng mạc, tình trạng thiếu ăn, chết đói hiển hiện, các vụ cưỡng hiếp phổ biến tới mức trở thành điều bình thường…
Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cùng trách nhiệm quốc tế cao cả cũng như sự chịu đựng gian khó, vất vả, hiểm nguy, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh tốt đẹp tại Bentiu (Nam Sudan). Sau 1 năm hoạt động, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã tiếp nhận khám, điều trị cho trên 1.800 bệnh nhân; xử lý thành công nhiều ca cấp cứu y tế phức tạp, yêu cầu đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Với các thành tích này, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 được Liên hợp quốc đánh giá cao, 2 lần có thư gửi tới Chính phủ Việt Nam để cảm ơn, khen ngợi.
Minh chứng cho trách nhiệm, đóng góp của Việt Nam với quốc tế
Việc Việt Nam lần đầu tiên cử lực lượng quân y với hơn 60 bác sĩ, y tá, nhân viên y tế cùng đẩy đủ trang thiết bị cần thiết cho một bệnh viện là bước đột phá đầy ấn tượng, không chỉ thể hiện thiện chí, trách nhiệm của Việt Nam trong việc tham gia trực tiếp vào hoạt động gìn giữ hòa bình mà còn mang lại cuộc sống ổn định, hòa bình cho các quốc gia còn gặp khó khăn vì xung đột, nghèo đói, lạc hậu… Điều này cũng đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam, thể hiện cam kết của Việt Nam trong tích cực hội nhập quốc tế, đóng góp với cộng đồng quốc tế trong các công việc nhân đạo, gìn giữ an ninh, hòa bình cho toàn thế giới.
Không lâu sau khi hội nhập, dù điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, song Đảng và Nhà nước ta đã xác định tầm quan trọng và cần thiết của việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, chỉ đạo thực hiện chương trình nghiên cứu về việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ đầu những năm 2000.
Thực hiện chủ trương của Nhà nước, sau thời gian dài chuẩn bị kỹ lưỡng, Trung tâm gìn giữ hòa bình thuộc Bộ Quốc phòng ra đời vào cuối năm 2013. Và Cục Gìn giữ hòa bình được thành lập vào đầu năm 2018, trên cơ sở tiếp nhận Tổ công tác liên ngành Bộ Ngoại giao về công tác gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và cơ cấu lại Trung tâm gìn giữ hòa bình.
Trung tâm gìn giữ hòa bình ra đời đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đẩy nhanh các hoạt động, hoàn thiện bộ máy nhân sự, đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chuẩn bị cho những bước tham gia sâu hơn, trực tiếp hơn vào các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Từ việc tham gia của các cá nhân, nhóm cán bộ đến việc triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 là một bước tiến dài của các cán bộ, chiến sỹ lực lượng “mũ nồi xanh” Việt Nam.
Để lần đầu tiên đưa một lực lượng quy mô tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại điểm nóng là một quá trình chuẩn bị kỹ càng trong nhiều năm. Trong đó, những chiến sỹ gìn giữ hòa bình đã trải qua khoảng thời gian rèn luyện vất vả, gian nan, bằng ý chí và tinh thần quyết chiến quyết thắng của Bộ đội Cụ Hồ. Để có thể lên đường sang Nam Sudan tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, các cán bộ, bác sỹ, chiến sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã phải trải qua hơn 1.000 ngày phấn đấu hết mình, vượt qua nhiều kỳ kiểm tra gắt gao của Liên hợp quốc về nhiều lĩnh vực, từ tiêu chuẩn ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, kỹ năng sinh tồn, cho tới kiến thức pháp luật…
Việc một lực lượng công binh đã hoàn thành khóa huấn luyện, đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của Liên hợp quốc, sẵn sàng tiếp nối Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 lên đường làm nhiệm vụ quốc tế là minh chứng Việt Nam đang có những đóng góp ngày càng nhiều hơn, thiết thực hơn vào những việc đòi hỏi cấp bách giải quyết trên thế giới.
Trách nhiệm và đóng góp của Việt Nam đã được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, mà thể hiện cụ thể là việc bầu nước ta làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu gần như tuyệt đối 192/193. Như Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: “Chủ trương của Chính phủ Việt Nam là đóng góp tích cực vì hòa bình, vì nhân đạo quốc tế. Việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình là minh chứng rõ nét cho trách nhiệm, đóng góp của Việt Nam đối với Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế”.