Việt Nam - Chìa khoá cho các hãng xe Trung Quốc xâm nhập ASEAN?

Hoàng Nguyễn |

Thị trường Việt Nam là điểm đến của hàng loạt hãng xe Trung Quốc trong thời gian tới, liệu đây có phải bước đệm để họ tiến vào khu vực Đông Nam Á và liệu thị trường Việt Nam có tận dụng được làn sóng đầu tư này, cũng như liệu người tiêu dùng có hưởng lợi gì từ những dòng xe mới này?

Mới đây, nhiều thương hiệu ô tô Trung Quốc đã công bố và dự kiến gia nhập thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Với lợi thế sát đường biên giới đất liền, Việt Nam có thể nắm giữ vị trí quan trọng trong công cuộc bành trướng đến khu vực Đông Nam Á của các hãng xe Trung Quốc.

Thương hiệu ô tô Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam

Trong năm 2023, hàng loạt thương hiệu mới của Trung Quốc thông báo sự xuất hiện trong thời gian tới tại thị trường Việt Nam bên cạnh một số hãng xe đã chuẩn bị cho việc này từ lâu. Điều này thể hiện một chiến lược lâu dài của các thương hiệu từ đất nước tỷ dân trong quá trình mở rộng thị trường sang các quốc gia kế cận.

Việt Nam - Chìa khoá cho các hãng xe Trung Quốc xâm nhập ASEAN? - Ảnh 1.

Thương hiệu MG sắp được chính tập đoàn mẹ - SAIC phân phối tại Việt Nam.

Mới đây nhất, SAIC được cho sẽ tham gia trực tiếp vào việc phân phối dòng xe MG trong nước thay vì thông qua nhà phân phối độc quyền TC Services (công ty con của Tan Chong Motor - Malaysia) như trước đây. Dự kiến nhà sản xuất Trung Quốc sẽ chấm dứt thỏa thuận phân phối ở nước ngoài (ODA) với hiệu lực từ ngày 30/6 do những điều chỉnh chiến lược trên toàn cầu.

Hiện tại, nhà sản xuất từ Trung Quốc này đang tích cực tuyển dụng các vị trí cấp cao để phục vụ cho quá trình này tại Việt Nam. Theo một nguồn tin từ TC Services, SAIC và Tan Chong Motor đang có dự định thành lập liên doanh để phân phối ô tô tại thị trường Việt Nam nhưng đang trong quá trình đàm phán, kết quả cuối cùng sẽ được chốt vào ngày 30/6 tới.

Cùng với đó, mẫu xe điện cỡ nhỏ Wuling HongGuang Mini EV cũng mới được công bố sẽ lắp ráp và bán ra tại thị trường trong nước thông qua hợp tác giữa liên doanh SAIC-GM-Wuling Automobile (SGMW) và TMT Motors của Việt Nam. Đây là một động thái bất ngờ khi chưa từng có thông tin SGMW sẽ hợp tác cùng TMT Motors xuất hiện trước đây.

Dự kiến, TMT Motors sẽ công bố thông tin chi tiết về sản phẩm, giá bán và nhận đặt hàng mẫu ô tô điện Wuling HongGuang Mini EV trong quý II/2023. Nhà máy của TMT Motors có công suất 30.000 xe/năm và được đặt tại Văn Lâm (Hưng Yên) sẽ là cơ sở sản xuất xe điện này tại Việt Nam, hãng cũng sẽ nghiên cứu và cân nhắc giới thiệu thêm các mẫu ô tô điện khác trong lộ trình hợp tác cùng SGMW.

Việt Nam - Chìa khoá cho các hãng xe Trung Quốc xâm nhập ASEAN? - Ảnh 2.

Wuling HongGuang Mini EV sắp bán tại Việt Nam trong năm 2023.

Vào tháng 2 vừa qua, công ty CarVivu đã thông báo thỏa thuận hợp tác với Haima và giới thiệu các dòng xe du lịch của hãng này tại Việt Nam theo hình thức nhập khẩu nguyên chiếc. Dự kiến sẽ có 3 mẫu xe được bán chính thức gồm: 8S, 7X và 7X-E. Trong đó, 8S và 7X là các SUV và MPV của Haima trong khi 7X-E là biến thể thuần điện của 7X.

Trước đó vào năm 2011, Haima cùng đã từng được nhập khẩu vào Việt Nam bởi một công ty có trụ sở tại Hải Phòng, đây cũng là nhà phân phối hiện nay thương hiệu Hongqi.

Việt Nam - Chìa khoá cho các hãng xe Trung Quốc xâm nhập ASEAN? - Ảnh 3.

Trong khi đó, thương hiệu đã liên tục xuất hiện thông tin sắp gia nhập thị trường Việt Nam - Chery - nhưng vốn gặp khúc mắc về đối tác tại Việt Nam nên đã hoãn lại kế hoạch này liên tục trong những năm gần đây. Hãng xe Trung Quốc này đã từng cử nhân viên truyền thông đền Việt Nam để hợp tác tìm hiểu thị trường từ năm 2021 nhưng đến cuối năm 2022 hãng mới xác nhận thông tin sẽ chính thức vào thị trường Việt Nam trong năm 2023 với mẫu xe đầu tiên là Omoda 5, cùng với đó là mẫu Jaecoo 7 vừa lộ diện gần đây.

Đến thời điểm hiện tại, Chery vẫn chưa được công bố thời điểm ra mắt xe cụ thể và xác nhận đối tác chính thức tại Việt Nam nhưng cho biết sẽ dần chuyển sang sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam từ năm 2024. Việc Chery tốn nhiều thời gian hơn các thương hiệu khác là điều dễ hiểu khi hãng có kế hoạch tự thiết lập hệ thống đại lý tại thị trường nước ta.

Bên cạnh các hãng xe trên, một số thương hiệu khác của Trung Quốc cũng đang có kế hoạch và "manh nha" những động thái đầu tiên để vào Việt Nam. Trong đó, đầu năm 2022, Chủ tịch Great Wall Motor (GWM) cũng đã thông báo dự định triển khai sản xuất và bán hàng tại một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, thông qua thương hiệu Haval chủ lực của mình.

Việt Nam - Chìa khoá cho các hãng xe Trung Quốc xâm nhập ASEAN? - Ảnh 4.

Dự án nhà máy lắp ráp xe điện BYD tại Việt Nam rò rỉ vào đầu năm 2023. Hiện tại thương hiệu này đang "rất gần" việc xây dựng nhà máy với một Ông lớn trong ngành ô tô Việt Nam.

BYD cũng có khả năng gia nhập thị trường Việt Nam vào thời gian tới nếu tình hình thuận lợi. Vào đầu năm 2023, thông tin về việc BYD có kế hoạch xây dựng nhà máy tại nước ta để sản xuất phụ tùng cho ô tô điện cũng đã được Reuters tiết lộ vào đầu năm nay. Tuy nhiên, xe điện của hãng dự kiến sẽ được nhập khẩu từ Trung Quốc trong thời gian đầu và sau đó có thể từ Thái Lan khi nhà máy lắp ráp xe điện tại đây chính thức vận hành.

Đây là một số thương hiệu rất gần với việc gia nhập tại thị trường Việt Nam; bên cạnh đó còn có một số hãng ô tô khác được nhập khẩu chính thức như: Hongqi, Beijing,...Điều này cho thấy người tiêu dùng trong nước sẽ có thêm các lựa chọn giá rẻ hơn thông qua các hãng xe Trung Quốc trong thời gian tới. Không ít trong số đó đang trở lại lần thứ 2 với kế hoạch kỹ càng hơn trước đây để cạnh tranh với những thương hiệu đã bán lâu năm của Hàn, Nhật, Mỹ...

Việt Nam trở thành "bàn đạp" cho các thương hiệu Trung Quốc vào Đông Nam Á?

Ngoài lợi thế giáp biên giới đường bộ với Trung Quốc, hiện Việt Nam cũng là một trong các thị trường ô tô có tốc độ phát triển nhanh trong khu vực Đông Nam Á, với mức tăng 33% trong năm 2022 vừa qua, và có tiềm năng tiếp tục tăng trưởng mạnh, trở thành điểm đến cho nhiều thương hiệu khác nhau trong tương lai.

Hiện các quốc gia ASEAN đã có sự hiện diện của các thương hiệu Trung Quốc. Một số thị trường thậm chí đã được đặt các nhà máy đầu tiên trong khu vực của các hãng xe này, điển hình như cơ sở sản xuất tại Thái Lan gồm: MG của liên doanh SAIC và CP Company Limited tại Thái Lan, Great Wall (mua lại từ GM), BYD (dự kiến sẽ hoạt động từ năm 2024); cùng các nhà máy tại Indonesia của Chery, Wuling...

Thị trường Việt Nam cũng hứa hẹn sẽ có một số nhà máy lắp ráp liên doanh của một số thương hiệu như: Wuling, Chery, BYD... nhưng chủ yếu sẽ được tiêu thụ trong nước, dù không loại trừ khả năng sẽ xuất khẩu nhưng sẽ khó khăn hơn do nhiều vấn đề khác nhau.

Việt Nam - Chìa khoá cho các hãng xe Trung Quốc xâm nhập ASEAN? - Ảnh 6.

Omoda 5 sẽ là mẫu xe đầu tiên của Chery bán ra tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một thị trường dễ tiếp cận thông qua đường bộ từ Trung Quốc, số lượng lớn xe thương mại với giá rẻ từ trước đến nay đã đi vào nước ta thông qua con đường này.

Trong khi đó, Việt Nam cũng có thể trở thành một thị trường ô tô thí điểm của nhiều hãng xe Trung Quốc trong quá trình mở rộng sang các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á nhờ vào khả năng tăng trưởng và mức độ thích nghi cao của người tiêu dùng đối với các thương hiệu mới.

Dẫu vậy, "miếng bánh" thị trường ô tô của nước ta hiện vẫn chưa quá lớn trong khi có quá nhiều thương hiệu đã đến và ra đi sau khi không đạt được doanh số cần thiết để duy trì. Do đó, các hãng xe Trung Quốc nếu có đến Việt Nam trong giai đoạn này sẽ có mục đích chính là gia tăng độ nhận diện và thay đổi "cái nhìn" của người tiêu dùng trong nước để chuẩn bị bùng nổ trong tương lai dài hạn.

Theo Thế Giới Phương Tiện

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại