Hiện tại mặc dù chưa có khẳng định chính thức từ phía Việt Nam hay cơ quan xuất khẩu vũ khí của Nga nhưng khả năng thành công của thương vụ trên là khá cao, do S-400 từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của chúng ta.
Nếu hợp đồng được ký kết vào cuối năm nay thì ước tính Việt Nam sẽ phải chi ra 1,6 tỷ USD để sở hữu hệ thống phòng không tầm xa hàng đầu thế giới này (ước tính đơn giá của một tổ hợp S-400 gồm 8 xe mang phóng, 112 tên lửa đánh chặn, trạm radar điều khiển cùng các xe hỗ trợ lên tới 400 triệu USD, cao gấp 2 lần S-300PMU-2).
Tương ứng với tính năng tiên tiến là giá thành rất cao của S-400
Trong điều kiện ngân sách quốc phòng còn tương đối eo hẹp, việc bỏ ra một khoản tiền lớn như trên sẽ đòi hỏi Việt Nam phải huy động tối đa các nguồn lực nội tại, đặc biệt là khi các quân binh chủng khác như Hải quân hay Lục quân cũng đang trên đường hiện đại hóa.
Thậm chí ngay trong nội bộ Quân chủng Phòng không - Không quân, yêu cầu nâng cấp lưới lửa tầm trung cũng đang được đặt ra ở mức cấp thiết, do S-75 Dvina đã quá lạc hậu còn S-125-2TM lại thiếu tính cơ động - yêu cầu rất quan trọng đối với chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao.
Khi tầm ngắn đã có SPYDER-SR còn tầm xa do S-300PMU-1 đảm trách, thời gian qua các dự đoán đều cho rằng Việt Nam sẽ ưu tiên đặt mua SPYDER-MR hoặc Buk-M2 để lấp đầy khoảng trống. Tuy nhiên với diễn biến mới nhất, nếu đã dồn tiền để mua S-400 thì gần như chắc chắn những hệ thống tầm trung trên sẽ nằm ngoài ưu tiên trang bị, điều này có thực sự hợp lý?
Buk-M2 cùng với SPYDER-MR sẽ phải nhường ưu tiên cho S-400?
Cần lưu ý rằng mặc dù vẫn được biết đến như một hệ thống phòng không tầm xa, nhưng bên cạnh đạn 40N6 (tầm bắn 400 km) hay 48N6DM (tầm bắn 250 km), S-400 còn phóng được cả tên lửa đánh chặn 9M96E/E2.
Trong đó 9M96E có tầm bắn 1 - 40 km; độ cao tiêu diệt mục tiêu 0,005 - 20 km; còn 9M96E2 là phiên bản tăng tầm, tính năng tiệm cận với 9M96 đang được Quân đội Nga sử dụng, tầm bắn của tên lửa nằm trong khoảng 1 - 120 km; độ cao tiêu diệt mục tiêu 0,005 - 30 km.
Nhờ cơ chế dẫn đường radar chủ động mà xác xuất tiêu diệt bằng 1 đạn duy nhất đối với mục tiêu bay tàng hình có diện tích phản xạ radar thấp, đặc tính vận động cao của tên lửa 9M96E/9M96E2 lên tới 90%.
Dễ nhận thấy đối với tên lửa 9M96E, tầm bắn hiệu dụng của nó nằm giữa SPYDER-MR (35 km) và Buk-M2 (50 km) hoàn toàn đủ sức thay thế cả hai hệ thống trên, trong khi 9M96E2 lại có sức mạnh vượt trội.
Như vậy một tổ hợp S-400 với đa dạng các loại đạn đánh chặn ở mọi tầm, cùng radar trinh sát - điều khiển hỏa lực mọi độ cao, nó sẽ đảm đương luôn nhiệm vụ của các hệ thống phòng không tầm từ ngắn đến xa.
Cho nên nếu đầu tư S-400 đầy đủ mọi thành phần thì số tiền bỏ ra thậm chí còn rẻ hơn đi mua thêm các tổ hợp khác như SPYDER-MR hay Buk-M2, đây liệu có phải chính là phương án mà Việt Nam đang hướng tới?