Viết giấc mơ World Cup từ những lần… nhịn đói

HOÀI THU |

Số đội dự World Cup 2023 được nâng lên thành 32 đội và viễn cảnh bóng đá nữ Việt Nam tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh có vẻ đang ở rất gần. Nhưng giấc mơ gần mà xa ấy, liệu có cơ sở để trở thành sự thật?

Hai ngày trước, bóng đá nữ Việt Nam lên đỉnh Đông Nam Á sau 7 năm chờ đợi. Nó ý nghĩa hơn khi chúng ta chiến thắng Thái Lan - đội bóng vừa tham dự World Cup 2018. Và viễn cảnh tuyển nữ Việt Nam tham dự ngày hội bóng đá nữ lớn nhất hành tinh bắt đầu hiện hữu trong mắt những người hâm mộ. Nó càng được cụ thể hóa và tiếp thêm niềm tin hơn, khi World Cup bóng đá nữ 2023 được nâng lên thành 32 đội.

Từ cái gối không được mổ của cô gái 19 tuổi

Có 4 năm cho một chiến dịch lớn của bóng đá nữ Việt Nam, không quá dài nhưng với bóng đá nữ Việt Nam thời điểm hiện tại, phía trước mắt vẫn đầy rẫy chông gai. Ví dụ đơn giản nhất, liệu bóng đá nữ có thể vươn ra tầm thế giới với những “cái bụng… đói” và những đôi chân bị hành hạ bởi những chấn thương đã thành mãn tính?

Trước thềm AFF Cup 2019, có một câu chuyện một tuyển thủ đang là trụ cột của U.19 QG và được đánh giá là “của hiếm” ở bóng đá nữ Việt Nam, như là một Chương Thị Kiều của tương lai. Nhưng rồi chấn thương đầu gối ập đến, cô bé không có đủ chi phí để phẫu thuật. Và tài năng này chấp nhận sống với cái đầu gối đau, tập luyện cùng nó với hy vọng sẽ tự tập, tự chữa và hồi phục.

Cầu thủ nữ 19 tuổi đó không phải trường hợp duy nhất, bởi ngay cả nhiều tuyển thủ vừa thắng Thái Lan cũng có những chấn thương tương tự. Theo cách nói vui của các cô gái theo nghiệp quần đùi áo số thì “bây giờ mà cho cả đội đi kiểm tra chấn thương chắc chẳng còn người để đá”. Chấn thương là một phần tất yếu của bóng đá, nhưng với bóng đá nữ thì cơn ác mộng đó ám ảnh và khắc nghiệt hơn bội phần.

Các cô gái tuổi mười chín ấy sẽ trở thành nòng cốt trong chiến dịch hướng đến World Cup 2023 sắp tới của bóng đá Việt Nam? Liệu trong 4 năm ấy, có ai còn có thể trụ lại? Liệu họ có bất ngờ về nhà lấy chồng như lo ngại của biết bao HLV làm bóng đá nữ?

Viết giấc mơ World Cup từ những lần… nhịn đói - Ảnh 1.

Đôi găng rách nát của một thủ môn nữ. Ảnh: HOÀI THU

Đến những bữa cơm bụi 25.000 đồng

Bóng đá nữ Việt Nam vẫn luôn tồn tại những mảng tối nao lòng. Đằng sau vinh quang của tấm Huy chương Vàng SEA Games hay chức vô địch AFF Cup là cả một núi những câu chuyện, đâu chỉ có tinh thần, ý chí hay quyết tâm và đam mê.

Họ cố gắng, chiến đấu với số phận để trở thành cầu thủ. Họ trốn nhà để thi tuyển vào một trung tâm bóng đá hay cả những người thầy, người cô phải tìm về tận những làng quê, bản núi xa xôi tìm, thuyết phục học trò, gia đình cho theo bóng đá.

5 năm trước, trên chuyến xe từ Gia Lai tới TPHCM, có một cô bé vừa khóc vừa ôm chiếc balô chỉ có vài bộ quần áo và ít tiền vay mượn từ họ hàng để nuôi giấc mơ trở thành cầu thủ. Để có thể khoác lên mình chiếc áo tuyển thủ nữ, cô đã phải nhờ cả họ, hết cô dì đến chú bác tới xin bố mẹ cho theo nghiệp quần đùi áo số. Bây giờ mỗi lần trở về nhà, những ký ức của ngày nào đó vẫn hiện hữu như vừa xảy ra ngày hôm qua…

Những cô gái đi theo bóng đá, mỗi người là một câu chuyện dài tập. Từ năm 13 tuổi tới khi trở thành cầu thủ là cả một quá trình dài đằng đẵng. 

Đó là những ngày thức dậy từ 5, 6 giờ sáng tập thể lực trên những khán đài cũ kỹ, những bãi cát dài, những con đường đèo núi... Là những buổi chiều nắng như đổ lửa, những cơn mưa rào xối xả và đám con gái vẫn lấm lem quần thảo với quả bóng rồi cắn răng hoàn thành giáo án.

Công sức, thanh xuân và cả tuổi thơ của những cô gái ấy được đổi lại bằng mức lương chỉ rơi vào mức 2-3 triệu đồng mỗi tháng. Ngân sách dành cho bóng đá nữ của mỗi tỉnh đều hạn hẹp, họ phải chấp nhận và sống cùng nó. 

Nếu muốn tiết kiệm tiền hay chi tiêu cho những nhu cầu cá nhân, họ phải cắt cơm một vài ngày trong tuần để ra ngoài ăn những xuất cơm bình dân chỉ có giá 25.000 đồng. Tiền ăn khi chuẩn bị bước vào giải mới được nâng lên tới mức 200.000 đồng/ngày. Chấp nhận đi ăn ngoài thì số tiền hỗ trợ ăn ấy trở thành tiền được phụ thêm vào tiền lương của họ.

Khi có giải, mỗi cầu thủ được hỗ trợ khoảng 1 triệu đồng để mua giày. Nhiều khi số tiền ấy còn bị… trừ thuế và đến tay cầu thủ chỉ còn khoảng 700.000-800.000 đồng. Với số tiền mua 1/3 đôi giày bóng đá loại bình thường, họ làm gì được? Tất nhiên, phải “nhịn ăn” để mua giày đá bóng chứ biết xin ai...

Đi World Cup bằng cách động viên nhau và cái bụng đói ư?

Đội tuyển nữ Việt Nam sau màn đăng quang trên đất Thái được tung hô và chào đón khi về Việt Nam. Nhưng nếu ngày hôm ấy, thầy trò HLV Mai Đức Chung thua thì sao? Cư dân mạng liệu sẽ không “ném đá” như ASIAD 2018? 

Sau vinh quang của ngày hôm qua là những buổi chiều nắng như đổ lửa lên tới gần 50 độ giữa hè Hà Nội hay cái nắng nóng đỉnh điểm tới 43 độ ngoài trời ở Nhật, liệu có ai hiểu được điều đó?

Yêu và sống cùng bóng đá là phải chấp nhận. Hỏi họ có thấy hối hận vì theo nghiệp bóng đá nữ không, câu trả lời 100% là không. Bởi với họ, nó là tất cả, là đam mê và niềm tự hào cho Tổ quốc khi đứng trên bục cao nhất hát bài Tiến Quân ca.

Bóng đá nữ Việt Nam đang mơ giấc mơ World Cup vào 4 năm sau nhưng hành trình dài đằng đẵng ấy của bóng đá nữ liệu có bao nhiều người sẵn sàng hỗ trợ? Và những cô gái mới 19, có còn phải tập luyện với những vết thương đã thành mãn tính?

Câu trả lời ấy cần cả một sự chung tay của xã hội, doanh nghiệp và những người làm bóng đá như HLV Mai Đức Chung và Trưởng đoàn Dương Vũ Lâm từng chia sẻ: “Bóng đá nữ ngày xưa khó khăn thế nào thì bây giờ vẫn khó khăn thế ấy, các cầu thủ nữ phải động viên nhau vượt qua thôi, phận nữ nhi khổ đủ thứ. Song nói về tinh thần, phụ nữ Việt Nam luôn bất khuất, quật cường, có thế nào cũng chịu đựng được, điều này đúng với nhiều ngành nghề chứ không chỉ riêng bóng đá.

Để bóng đá phát triển, tất cả phải chung tay chung sức, chứ một vài người thì rất khó. Cần có cả xã hội và tất cả mọi người cùng chung tay, phải xã hội hoá bóng đá nữ”.

“Cầu thủ trẻ ở Hà Nam, mức lương chỉ được khoảng 2 triệu đồng một tháng nhưng lại phải đóng cả tiền điện vì họ phải ngủ lại ở sân. Thế nên tiền trừ đi và chỉ được khoảng 1 triệu đồng thôi…” - HLV Mai Đức Chung chia sẻ với cái lắc đầu.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại