Nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow trong lý luận về Tháp nhu cầu của mình đã nhắc đến việc "Con người có nhu cầu được tôn trọng và có nhu cầu hiện thực hóa giá trị bản thân."
Và việc giữ thể diện cho người khác chính là một hình thức tôn trọng. Một người không giữ lại chút thể diện cho người khác sẽ không biết tôn trọng người khác. Người như vậy khi không nhận được sự tôn trọng của người khác sẽ đánh mất giá trị của chính mình.
Tướng giỏi mất mạng vì không giữ thể diện cho người khác
Dưới thời nhà Hán (Trung Quốc) có một tướng quân tên Quán Phu rất dũng cảm và thiện chiến, coi cái ác như kẻ thù. Nhưng ông ta có một khuyết điểm, đó là không giữ thể diện cho người khác, phàm là những người làm chuyện xấu, ông ta bêu riếu khắp nơi.
Trong một lần tiệc rượu, tể tướng mời Quán Phu và nói: "Tướng quân hãy uống cạn ly này." Tuy nhiên Quán Phu từ chối đáp thẳng thừng: "Tôi không uống hết."
Hai người vì chuyện này mà nổ ra tranh cãi. Trước mặt đám đông, Quán Phu nóng nảy đã nói hết những chuyện xấu mà vị thừa tướng đã làm.
Nhưng ông ta không lường được rằng, tể tướng thân là cậu của Hán Vũ Đế và cuối cùng, chỉ bằng một lời nói của vị tể tướng, Quán Phu mất mạng.
Lời bình
Khi chúng ta tặng hoa cho người khác, người đầu tiên ngửi thấy hương thơm của hoa không ai khác chính là chúng ta.
Khi chúng ta bốc bùn ném người khác, người đầu tiên bị bẩn cũng chính là chúng ta.
Trên đời này, không có một ai hoàn mỹ. Với những việc nhỏ không vi phạm nguyên tắc, không bất nhã, không quan trọng, chúng ta nên cho người khác một cơ hội, giữ cho họ thể diện và lòng tự tôn.
Khi người khác cảm nhận được sự thấu hiểu, bao dung và độ lượng của bạn, họ sẽ nhớ lần giáo huấn này và tự nhắc bản thân phải tránh những sai lầm tương tự, như thế, tình bạn giữa bạn và họ cũng sẽ được cải thiện.
Trong cuộc sống hằng ngày, khi phát hiện ra sai lầm của người khác, nếu bạn không chọn đúng lúc, đúng chỗ để góp ý mà cứ thế nói thẳng toẹt ra, đối phương sẽ cảm thấy vô cùng khó xử và một điều chắc chắn là họ sẽ khó lòng có thể tiếp thu ý kiến của bạn.
Nhưng nếu thay đổi ngữ khí, thay đổi cách tiếp cận hoặc khéo léo chỉ ra vấn đề một cách nhẹ nhàng, có thành ý, giữ lại chút thể diện cho đối phương, bạn sẽ khiến họ dễ dàng chấp nhận sự góp ý của mình mà không ảnh hưởng đến cảm xúc của đôi bên.
Người có trình độ cao luôn biết đặt mình vào vị trí của người khác để đồng cảm, chia sẻ cảm xúc với người khác và đó là kết quả của sự tu dưỡng.
Tật xấu của tiểu hòa thượng
Sư chủ trì của một ngôi chùa nọ có nhận nuôi một đứa trẻ mồ côi vô gia cư và dạy cho cậu bé đó những kiến thức cơ bản mà một người xuất gia nên có như học chữ, đọc sách, kinh thư. Tiểu hòa thượng rất thông minh nên học rất nhanh.
Nhưng không lâu sau, sư phụ phát hiện ra tiểu hòa thượng có một tật xấu, đó là vừa học được một đạo lý là đi khắp nơi khoe khoang, được khen vài câu thì thích thú, đắc ý. Đây không phải là hành vi nên có của một người xuất gia.
Ảnh minh họa.
Thế là, sư phụ liền nghĩ ra một cách để thay đổi học trò. Ông lấy một chậu hoa thiên lý có những nụ hoa đang chuẩn bị nở đưa cho tiểu hòa thượng, yêu cầu cậu phải quan sát trạng thái của hoa.
Ngày hôm sau, tiểu hòa thượng bưng chậu hoa đến trước mặt thầy và nói: "Chậu hoa này thật kì diệu! Buổi tối nó nở bung ra, hương thơm ngát, nhưng trời vừa sáng là nó lại cụp vào."
Sư thầy nghe xong mới nói: "Khi hoa nở, con có thấy nó gây tiếng ồn không?"
"Không ạ, khi hoa nở và cụp lại đều rất yên tĩnh ạ."
Sư thầy nhìn tiểu hòa thượng với ánh mắt hiền từ và nói tiếp: "Ồ, vậy à? Thế mà ta lại tưởng khi hoa nở, nó sẽ gây ồn ào lắm đấy!"
Tiểu hòa thượng nghe thầy nói vậy thì mặt đỏ lên vì xấu hổ. Rồi cậu ngẩng mặt lên nói với sư chủ trì: "Thưa thầy con đã hiểu ý thầy rồi ạ."
Lời bình
Tôn trọng người khác là một biểu hiện của người có giáo dục, để ý đến cảm xúc của người khác, biết hoán đổi vị trí để nghĩ cho người khác mới được họ tin cậy và ủng hộ.
Tôn trọng là một kiểu thái độ, là một dạng năng lực và là một mỹ đức, nó cần chúng ta phải đặt mình vào vị trí của người khác để nghĩ và giữ thể diện cho họ, duy trì sự tôn nghiêm cho họ.