IS chủ yếu được hình thành bởi phiến quân theo dòng Hồi giáo Sunni từ Iraq và Syria nhưng tổ chức này cũng thu hút các phần từ cực đoan từ nhiều nơi trên thế giới. Từ các cuộc xung đột và bất ổn trong khu vực, IS đã trỗi dậy vào năm 2014 rồi chiếm nhiều lãnh thổ tại Iraq cũng như Syria.
Trong thời gian qua, lực lượng của chính phủ Iraq và Syria với sự hỗ trợ của lực lượng quốc tế đã đánh bật được IS ra khỏi nhiều khu vực của hai quốc gia này. Trước những thông tin liên tiếp về thất bại của IS, nhiều ý kiến cho rằng tổ chức khủng bố này đang đi đến ngày tàn.
Ông Ayham Kamel tại công ty tư vấn Eurasia (Mỹ) nhận định với hãng tin CNBC: “IS gần như đã bị đánh bại nhưng sự nổi dậy của Hồi giáo cực đoan vẫn duy trì cả ở Iraq và Syria khi phiến quân chuyển sang khủng bố truyền thống”.
Bên cạnh đó, ông Kamel đánh giá: “Nguy hiểm nằm ở chỗ khi thiếu hỗ trợ tái thiết, khủng bố vẫn là một thách thức. Trọng tâm của thách thức này là thế giới tiếp tục chú ý tới công cụ quân sự để đánh bại một vấn đề đã vượt ra ngoài đối đầu về vũ khí”.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia đánh giá rằng IS khó có khả năng biến mất, tổ chức khủng bố này có thể tái sinh.
Phát biểu tại hội thảo chống khủng bố ở London (Anh) ngày 23/11, giám đốc Đơn vị phối hợp quốc tế chống khủng bố (JICTU) - Jane Marriott cho biết mặc dù đánh bại IS là điều đúng đắn nhưng vẫn chưa có giải pháp để xử lý những vấn đề còn ẩn sâu trong khu vực Trung Đông như xung đột giáo phái, khó khăn kinh tế.
Bà Jane Marriott nói: “Nếu chúng ta, cộng đồng quốc tế, không có chính sách đúng đắn, hành động tái thiết, yếu tố kinh tế và giải pháp chính phủ thì hậu quả có thể dẫn đến là IS 2.0 hoặc al-Qaeda 3.0”.
“Vì vậy cần đảm bảo rằng các động thái của chính phủ là chuẩn xác và sau đó họ không khiến tình huống trở nên tồi tệ hơn về dài hạn”, bà Jane Marriot bổ sung.
Ông Shiraz Maher tại trường Đại học King (Anh) đánh giá rằng không còn gì trên bộ cho IS và tổ chức này sẽ quay trở lại với hình thức khác bắt nguồn từ mối bất bình, xung đột sắc tộc và đặc thù ngờ vực luôn tiếp diễn trong khu vực. Ông Maher cho rằng IS có thể tiếp nhận thêm nhiều đặc tính để “tiến hóa”.
Theo CNN, tàn quân IS có tìm đến các nhóm khủng bố khác để hình thành liên minh. Ngoài ra, còn có lo ngại các chiến binh nước ngoài của IS quay trở về quê hương và tiến hành những vụ tấn công theo phương thức “con sói đơn độc”.
Một dạng thức khác liên quan tới IS 2.0 theo CNN là những kẻ bị cực đoan hóa qua mạng internet bởi IS. Vụ tấn công tại câu lạc bộ ở Orlando (Mỹ) và xe tải đâm vào đám đông ở Nice (Pháp) năm 2016 được đánh giá là kết quả của hình thức này.
Những thủ phạm đã gây ra cái chết của nhiều người do bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ của IS mặc dù không liên hệ trực tiếp với tổ chức khủng bố này. Nhưng IS vẫn tuyên bố những kẻ này là chiến binh của mình. Những “con sói đơn độc này” được đánh giá đã mang đến thách thức rời rạc nhưng nghiêm trọng với cả Mỹ và châu Âu.