Việc tham gia sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương phải đảm bảo chủ quyền và lợi ích của Việt Nam

Minh Khôi |

Việc tham gia phải đảm bảo độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, cũng như lợi ích quốc gia, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

Ngày 2/8, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi về khả năng tham gia sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa công bố, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho hay, hòa bình, ổn định họp tác và phát triển trên thế giới là mục tiêu chung của tất cả các quốc gia. 

Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến cũng như nỗ lực liên kết và kết nối ở khu vực góp phần vào mục tiêu này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng khẳng định "Việc tham gia phải đảm bảo độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, cũng như lợi ích quốc gia."

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố sáng kiến trị giá 113 triệu USD đầu tư vào lĩnh vực công nghệ mới, năng lượng vào khu vực, nhấn mạnh khía cạnh kinh tế của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở lần đầu tiên tại Hội nghị APEC 2017 hồi tháng 11 tại Đà Nẵng, Việt Nam.

Một tháng sau, Washington hé lộ chiến lược an ninh quốc gia kêu gọi các chính sách đáp trả nỗ lực xây dựng hạ tầng của cường quốc đối thủ.

Một trong số đó là sáng kiến Vành đai - Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một kế hoạch xây dựng và mở rộng đường cao tốc, đường sắt, cảng biển, đường ống dẫn dầu và nhà máy năng lượng toàn cầu được dự báo có thể tăng trưởng khoảng 1,3 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới.

Mặc dù khoản đầu tư 113 triệu USD được xem là khiêm tốn so với nửa tỷ USD mà Bắc Kinh đã đổ vào việc xây dựng lại các cảng, đường bộ và đường sắt, các chuyên gia cho rằng, động thái này báo hiệu sự khởi đầu của một chiến lược kinh tế để đối trọng với sự ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc ở khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại