Việc quân sự hóa đảo tranh chấp khiến quan hệ giữa hai thành viên NATO gia tăng căng thẳng

Công Thuận |

Ankara đe dọa sẽ “làm bất cứ điều gì cần thiết” trừ khi Athens đảo ngược việc quân sự hóa các đảo tranh chấp ở ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ.

Một tàu của Hải quân Hy Lạp tuần tra ngoài khơi cách đất liền Thổ Nhĩ Kỳ 2 km ngày 28/8/2020. Ảnh tư liệu: AFP

Một tàu của Hải quân Hy Lạp tuần tra ngoài khơi cách đất liền Thổ Nhĩ Kỳ 2 km ngày 28/8/2020. Ảnh tư liệu: AFP

Sự tức giận của Thổ Nhĩ Kỳ với nước láng giềng và thành viên NATO Hy Lạp lại nổi lên khi Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu đe dọa sẽ “làm bất cứ điều gì cần thiết” trừ khi Athens đảo ngược việc quân sự hóa các đảo tranh chấp ở ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu trong một cuộc họp báo chung ở Ankara với người đồng cấp Romania Bogdan Aurescu mới đây, ông Cavusoglu nói: "Hy Lạp cần phải từ bỏ điều này. Hoặc là họ lùi lại một bước và tuân thủ các thỏa thuận hoặc chúng tôi làm bất cứ điều gì cần thiết. Chúng tôi không thể im lặng và vô cảm trước những mối đe dọa chống lại chúng tôi. Hy Lạp đừng quên điều này: Gieo gió thì gặt bão. Nếu họ không muốn hòa bình, chúng tôi sẽ làm những gì có thể”.

Tuyên bố trên của ông Cavusoglu được đưa ra sau nhiều tháng đe dọa và cảnh báo về tình trạng của các đảo ở Biển Aegean, được trao cho Hy Lạp trong thế kỷ 20. Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, cả hai sẽ tổ chức bầu cử vào mùa hè tới, đã tranh cãi trong nhiều thập kỷ qua về quần đảo Aegean.

Bình luận mới nhất của ông Cavusoglu được đưa ra sau thông tin về các cuộc tập trận quân sự của Hy Lạp liên quan đến xe tăng, pháo binh và máy bay trực thăng tấn công được tổ chức ở các đảo Rhodes và Lesbos thuộc quần đảo trên.

Các tranh chấp trước đây tập trung vào những yêu sách lãnh thổ và quyền sử dụng không phận, thường dẫn đến các cuộc đối đầu hải quân và không quân. Hai nước đã ba lần bị đẩy đến bờ vực chiến tranh trong vòng 50 năm qua.

Năm nay, Ankara đã leo thang các khiếu nại về việc Hy Lạp quân sự hóa các hòn đảo gần bờ biển của mình. Ông Cavusoglu nhắc lại tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ rằng Hy Lạp bị cấm thiết lập sự hiện diện quân sự trên các đảo theo Hiệp ước Lausanne năm 1923, hiệp định chính thức hóa hòa bình giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh trong Thế chiến I, trong đó có Hy Lạp, cùng thỏa thuận Paris năm 1947 chứng kiến ​​Italy nhượng lại quần đảo trên cho Athens.

“Hy Lạp không thể vũ khí hóa những hòn đảo này vì các thỏa thuận trên là hiệp ước hòa bình", ông Cavusoglu lưu ý, cảnh báo việc tiếp tục vi phạm các hiệp ước có thể khiến Ankara thách thức chủ quyền của Hy Lạp đối với quần đảo.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các bước cần thiết cả về mặt pháp lý - trong các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc - và cả trên thực địa”, Ngoại trưởng Hy Lạp nêu rõ.

Đáp lại, Hy Lạp cho rằng quyền sở hữu của họ cho phép việc quân sự hóa để có khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình, nhấn mạnh đến hiện diện quân sự khá lớn của Thổ Nhĩ Kỳ trên bờ biển Aegean, trong đó có một nhóm tàu đổ bộ lớn.

Những tranh chấp gần đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã vượt ra ngoài quần đảo Aegean. Theo một thỏa thuận được ký kết với chính phủ Libya có trụ sở tại Tripoli vào cuối năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra yêu sách đối với những vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía đông Địa Trung Hải, bao gồm cả vùng biển xung quanh đảo Crete của Hy Lạp.

Mặc dù thỏa thuận này bị quốc tế lên án, nhưng Ankara vẫn phái các tàu nghiên cứu địa chấn, cùng với sự hộ tống của hải quân, để tìm kiếm các mỏ khí đốt ở vùng biển tranh chấp với Hy Lạp và Síp vào mùa hè năm 2020. Hy Lạp đã đáp trả bằng cách điều lực lượng hải quân và không quân của mình tới khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại