Hôm 7-12, Chính phủ Trung Quốc đã công bố 10 biện pháp tối ưu hóa mới, đáng chú ý nhất là cho phép cách ly tại nhà với các ca nhiễm nhẹ hoặc không có triệu chứng - Ảnh: AFP
Tuần này Trung Quốc đã có động thái nới lỏng chính sách "Zero COVID", theo đó chấm dứt phong tỏa quy mô lớn, cho phép cách ly tại nhà với một số ca dương tính cùng các biện pháp khác tối ưu hóa phản ứng với dịch COVID-19.
"Chúng tôi rất hoan nghênh các hành động quyết đoán của chính quyền Trung Quốc trong việc điều chỉnh lại chính sách về COVID-19 nhằm tạo động lực tốt hơn cho sự phục hồi tăng trưởng ở Trung Quốc" - Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva phát biểu trước báo giới sau một hội nghị ở thành phố Hoàng Sơn do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chủ trì, theo AFP.
Bà Georgieva nói rằng nỗ lực tăng tỉ lệ tiêm chủng và các phương pháp điều trị chống COVID-19 "rất tốt cho người dân Trung Quốc, nhưng cũng quan trọng đối với châu Á và phần còn lại của thế giới".
"Sự thể hiện của Trung Quốc quan trọng không chỉ đối với Trung Quốc, mà còn đối với nền kinh tế thế giới" - bà nói.
Nền kinh tế toàn cầu đã bị ảnh hưởng đáng kể trong năm nay, khi cuộc xung đột Nga - Ukraine tác động tới sự phục hồi hậu đại dịch và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nhiều quốc gia.
Cũng tại cuộc họp báo với bà Georgieva, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng việc rời bỏ cách tiếp cận "Zero COVID" sẽ giúp "loại bỏ một loạt những điều không chắc chắn" trong một thế giới đang quay cuồng với tác động của đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, và biến đổi khí hậu.
Còn Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann thì nhận định "những điều chỉnh (trong chính sách phòng chống COVID-19 của Bắc Kinh) sẽ hỗ trợ sự phục hồi ở cả Trung Quốc và toàn cầu".