Kinh tế toàn cầu suy thoái, Ấn Độ chưa đau nhưng sẽ đau: Trở thành "Trung Quốc tiếp theo" liệu có phải là đáp án?

Hồng Anh |

Bloomberg nhận định rằng chiến lược "Trung Quốc+1" sẽ không giúp ích nhiều cho Ấn Độ trong việc ngăn chặn suy thoái kinh tế trong ngắn hạn.

Theo Bloomberg, suy thoái toàn cầu chưa thực sự "chạm" đến Ấn Độ: Khoản đầu tư vào các nhà máy, đường xá và các tài sản cố định khác gần đạt mức 35% GDP, cao nhất trong vòng 1 thập kỷ qua. Nhu cầu về vốn vay tăng nhanh đến mức tiền gửi không bắt kịp.

Trong bối cảnh thế giới đang bất ổn, Ấn Độ đã có được động lực này một phần nhờ việc nền kinh tế mở cửa trở lại hoàn toàn sau đại dịch COVID-19 - giúp ngành dịch vụ du lịch, khách sạn và các ngành liên quan phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2023. Một lý do khác là thứ thường được các tập đoàn đa quốc gia là chiến lược "Trung Quốc+1" của Ấn Độ.

Nhằm nỗ lực giảm thiểu rủi ro, các nhà sản xuất trên thế giới đang chuyển hướng từ Trung Quốc sang quốc gia đông dân thứ 2 thế giới - Ấn Độ.

Về phần mình, Ấn Độ cũng đang đưa ra những khoản hỗ trợ hào phóng để sản xuất mọi thứ, từ chất bán dẫn và tấm pin mặt trời cho đến pin xe điện và hàng dệt may. Có thể nói rằng, Ấn Độ hiện đang là điểm đến hấp dẫn nhờ cả lực đẩy và lực kéo.

Tuy nhiên, Bloomberg nhận định rằng chiến lược "Trung Quốc+1" sẽ không giúp ích nhiều cho Ấn Độ trong việc ngăn chặn suy thoái kinh tế trong ngắn hạn.

Thứ nhất, khoản chi tiêu vốn là do chính phủ thúc đẩy. Tình trạng lạm phát vượt mục tiêu liên tục kéo dài mang lại cho chính phủ thêm nguồn thuế, và nguồn tiền tiếp tục được bơm vào cơ sở hạ tầng.

Thành phần tư nhân cũng sẽ phải "đuổi theo", mặc dù các doanh nghiệp tư nhân sẽ có sự hạn chế về lợi nhuận do không thể để người tiêu dùng gánh hoàn toàn mức chi phí gia tăng.

Trong khi đó, với mong muốn gia tăng tài sản hậu đại dịch, các ngân hàng của Ấn Độ đã rất sẵn lòng giúp các công ty vượt qua cuộc khủng hoảng dòng tiền của họ.

Do đó, chi tiêu vốn kết hợp của chính phủ và địa phương, cũng như các công ty lớn giao dịch công khai trong năm tài chính 2022 có thể vượt quá 21 nghìn tỷ rupee (tương đương 258 tỷ USD), gấp đôi tỷ lệ đầu tư hàng năm trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2018, theo ICICI Securities.

Kinh tế toàn cầu suy thoái, Ấn Độ chưa đau nhưng sẽ đau: Trở thành Trung Quốc tiếp theo liệu có phải là đáp án? - Ảnh 1.

Tuy nhiên, mặt trái của câu chuyện nói trên là giờ đây, khi mức tiêu dùng bị dồn nén từ đại dịch đã cạn kiệt, tác động kép của lạm phát cao và thuế gián thu - vốn là nguồn thu dồi dào cho ngân sách của chính phủ - đang bắt đầu gây áp lực lên các hộ gia đình có thu nhập trung bình và thu nhập thấp.

Năm 2023 thực sự không phải là một năm tuyệt vời đối với tầng lớp trung lưu thành thị, khi tình trạng sa thải người lao động trong ngành công nghệ toàn cầu đã và đang ảnh hưởng đến việc làm và khả năng cung cấp vốn cho các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ.

Trong khi đó, các công ty hàng tiêu dùng cho biết nhu cầu ở nông thôn đang chậm lại.

GDP của Ấn Độ tăng 6,3% trong Quý III năm nay, thấp hơn một nửa so với tốc độ tăng trưởng trong Quý II.

Các nhà phân tích của công ty tài chính Nomura nhận định: "Chúng tôi tin rằng chu kỳ tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ đã đạt đến đỉnh điểm và sự suy giảm trên diện rộng đang diễn ra". Theo ước tính của họ, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trước thềm cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ năm 2024 có thể là 5,2%.

Nếu không tính những năm đại dịch, đây sẽ là mức tăng trưởng thấp thứ 2 của Ấn Độ trong vòng hơn một thập kỷ qua, và điều này sẽ khiến chính sách công nghiệp của chính phủ bị đặt nghi vấn.

Trong khi đó, Ấn Độ cần chi tiêu công nhiều hơn để giải quyết những khoảng trống và lỗ hổng trong các ngành giáo dục, y tế - sức khỏe cộng đồng, và vấn đề biến đổi khí hậu.

Đó là những thách thức cần ưu tiên giải quyết gấp, trong khi chuỗi cung ứng mà Ấn Độ đang hy vọng thiết lập từ đầu (bằng cách hỗ trợ các nhà đầu tư và bảo vệ họ khỏi hàng rào thuế quan cao) lại là một canh bạc dài hạn.

Cho đến nay, chỉ 15% trong khoản 33 tỷ USD đầu tư tư nhân được chính phủ Ấn Độ phê duyệt theo chương trình khuyến khích liên kết sản xuất đã mang lại kết quả. Theo Bloomberg, tính đến tháng 9 năm nay, các khoản đầu tư này mới chỉ tạo ra chưa đến 200.000 việc làm mới, thấp hơn nhiều so với con số kỳ vọng là khoảng 6 triệu.

Hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy các khoản đầu tư tư nhân vào Ấn Độ sẽ khởi sắc hơn trong năm sau. Không chỉ riêng Ấn Độ, mà hầu hết các nhà cung cấp châu Á đều đang chứng kiến xuất khẩu bắt đầu chậm lại. Vào tháng 10 vừa qua, xuất khẩu của Ấn Độ đã chạm mốc thấp nhất trong vòng 20 tháng.

Dữ liệu gần đây về GDP của nước này cũng cho thấy những dấu hiệu rõ ràng rằng ngành công nghiệp của Ấn Độ đang mất đà. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã tăng lên 8%.

Lãi suất của Ấn Độ sẽ đạt đỉnh vào đầu năm 2023, nhưng trước đó chu trình thắt chặt hiện tại phải lên đến hơn 2%. Các điều kiện tài chính có thể trở nên khắc nghiệt hơn. Nếu xung đột quân sự ở Ukraine leo thang, hoặc nếu Trung Quốc đột ngột bỏ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt, thì tình trạng cung không đủ cầu có thể tái diễn.

Điều đó sẽ làm hạn chế dòng tiền đối với các công ty Ấn Độ, khiến nhiều công ty phải tìm kiếm nguồn tài chính bên ngoài để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động kéo dài của họ. Còn các ngân hàng, dưới áp lực tăng lãi suất huy động để củng cố vị thế thanh khoản, có thể không còn khả năng đối phó với rủi ro tín dụng như năm nay. Nếu đúng như vậy, họ sẽ chỉ tích thêm rắc rối cho sau này.

Ấn Độ vẫn còn lợi thế và lợi ích lâu dài từ việc là điểm đến hấp dẫn đối với những nhà sản xuất đang muốn chuyển hướng khỏi thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trong năm tới, triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ có vẻ xám xịt. Việc nước này khó khăn đến đâu còn tùy thuộc vào mức độ tồi tệ của nền kinh tế toàn cầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại