Máy điều hoà không khí là thiết bị sử dụng năng lượng điện để thay đổi nhiệt độ và cải thiện chất lượng không khí trong phòng. Hiện nay, thị trường phổ biến cả loại điều hoà một chiều chỉ có khả năng làm mát và điều hoà 2 chiều có thể làm mát và sưởi ấm. Ngoài ra, thiết bị này còn có khả năng làm sạch không khí nhờ hệ thống lọc, giúp đem đến không gian dễ chịu, sạch khuẩn, an toàn cho sức khoẻ.
Việc nên làm sau khi tắt điều hòa để tiết kiệm tiền điện mỗi tháng
Điều hoà không khí là một trong những thiết bị tiêu thụ điện năng lớn trong gia đình. Do đó, bên cạnh việc lựa chọn chiếc điều hoà có công suất phù hợp với không gian sống, cài đặt chế độ hợp lý, bạn cũng cần biết một vệc nên làm sau khi tắt điều hòa để tiết kiệm đáng kể tiền điện mỗi tháng.
Khi sử dụng điều hoà, người dùng thường chỉ quan tâm chính đến 2 nút là on - off trên điều khiển, nếu cần bật thì bấm on và cần tắt thì bấm off.
Tuy nhiên, nếu chỉ tắt điều hoà bằng nút off trên điều khiển thì thiết bị sẽ vẫn được cấp nguồn điện và chuyển sang chế độ chờ. Điều này đồng nghĩa với việc điều hoà nhà bạn vẫn đang âm thầm tiêu thụ một lượng điện nhất định, tương đương với một chiếc bóng đèn 15W.
Thêm nữa, việc chỉ tắt điều hoà bằng điều khiển từ xa cũng tiềm ẩn nguy cơ chập điện, cháy nổ nếu nguồn điện nhà bạn không ổn định.
Do đó, để tiết kiệm điện, tăng tuổi thọ của điều hoà cũng như bảo đảm an toàn của gia đình bạn, việc nên làm sau khi tắt điều hòa là ngắt hẳn nguồn điện bằng cách ngắt atomat của thiết bị.
Cách sử dụng điều hoà tiết kiệm và tốt cho sức khoẻ
Máy điều hoà có thể khiến nhiệt độ trong phòng và ngoài trời chênh lệch khá lớn nên nếu không sử dụng đúng cách, bạn sẽ tốn tiền điện, sức khỏe cũng bị ảnh hưởng xấu. Vì vậy, khi sử dụng điều hoà, bạn cần lưu ý những điều sau đây:
Lựa chọn máy có công suất hợp lý
Công suất điều hòa cần phù hợp với diện tích phòng:
- Điều hòa ~1 HP (9000 BTU): Phòng dưới 15 m2
- Điều hòa 1.5 HP (12000 BTU): Phòng 15-20 m2
- Điều hòa 2 HP (18000 BTU): Phòng 20-30 m2
- Điều hòa 2.5 HP (24000 BTU): Phòng 30-40 m2.
Việc lựa chọn điều hoà có công suất nhỏ cho phòng lớn sẽ khiến phòng không đủ làm mát, máy phải "làm việc quá sức" và giảm tuổi thọ. Ngược lại, diện tích phòng nhỏ mà chọn điều hoà công suất lớn thì phòng luôn lạnh quá mức, ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ và lãng phí năng lượng.
Do đó, bạn cần căn cứ vào diện tích phòng để lựa chọn chiếc điều hoà phù hợp, vừa tiết kiệm vừa an toàn cho sức khoẻ của bạn và người thân trong gia đình.
Hẹn giờ tắt máy
Điều khiển điều hoà có chế độ hẹn giờ rất hữu dụng và bạn nên sử dụng nó, nhất là vào ban đêm để bảo đảm có một giấc ngủ ngon, phòng mát và tiết kiệm điện hiệu quả.
Nhiệt độ phòng chỉ nên thấp hơn 5 độ C so với môi trường
Nhiều người có thói quen bật điều hoà lên và để nhiệt độ thật thấp (16 - 18 độ C) cho nhanh mát phòng rồi điều chỉnh từ từ, nhưng cách này lại khiến bạn dễ bị sốc nhiệt, không an toàn cho sức khoẻ, lại không tiết kiệm điện.
Khi sử dụng điều hòa, bạn chỉ nên duy trì nhiệt độ ở mức 26 - 28 độ C để đảm bảo không tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa trong nhà và ngoài trời và cũng giúp gia đình tiết kiệm điện.
Làm lạnh phòng trước khi ngủ
Theo nhiều chuyên gia kỹ thuật, người dùng có cảm giác thoải mái và dễ ngủ hơn khi không khí mát lạnh tỏa khắp phòng. Nếu không sở hữu một chiếc điều hòa có khả năng làm lạnh nhanh, người dùng nên bật điều hòa 10 - 15 phút trước khi ngủ.
Vệ sinh điều hòa định kỳ
Sau thời gian sử dụng, điều hòa tích tụ nhiều vi khuẩn, nấm mốc... Việc vệ sinh điều hòa định kì 6 tháng một lần giúp bảo vệ sức khỏe người dùng, tăng tuổi thọ máy và tiết kiệm điện đáng kể.
Khi vệ sinh điều hoà, bạn cần lưu ý là sạch các bộ phận như mặt nạ, lưới lọc, dàn nóng, dàn lạnh và đặc biệt là tắt hết điện, atomat liên quan đến điều hoà để đảm bảo an toàn, tuyệt đối không được làm ướt bo mạch điện tử nằm ở ngay trên máy nén.