Những người giàu có và thành công thật ra cũng chẳng thông minh hơn người bình thường là bao. Điểm khác biệt duy nhất nằm ở cách họ tiếp cận với tiền bạc.
Ai cũng muốn kiếm thật nhiều tiền, nhưng những người biết cách để trở nên giàu có (và thực sự giàu có) lại làm điều đó một cách khác biệt. Người bình thường sẽ tiết kiệm (hoặc đầu tư thụ động vào thị trường chứng khoán). Tuy nhiên, người giàu lại rất giỏi đi xin tiền - điều mà người bình thường rất ghét.
Gọi vốn - bước đầu để thành công
Trong vài năm gần đây, có một con đường khá phổ biến để trở thành tỷ phú. Bước đầu tiên là khởi nghiệp. Sau đó, họ sẽ phát triển công ty nhằm đạt được các mốc mục tiêu đã đề ra. Với mỗi cột mốc, công ty khởi nghiệp sẽ phải gọi vốn để tiếp tục hoạt động kể cả khi không tạo ra lợi nhuận.
Ở bước cuối cùng, họ sẽ thực hiện IPO. Nếu IPO thành công, founder của công ty khởi nghiệp đó sẽ trở nên giàu có, thậm chí là trở thành tỷ phú. Giá trị kinh doanh không nằm ở việc họ có bao nhiêu tiền trong ngân hàng, cũng không phải ở việc họ tiết kiệm được bao nhiêu.
Vấn đề là: Các doanh nhân có thể "chào bán" tầm nhìn của mình giỏi đến mức nào?
Một công ty có tiềm năng tuyệt vời nhưng founder lại không biết "chào bán" tầm nhìn, sớm muộn gì họ cũng sẽ gặp rắc rối về tiền bạc. Do đó, vấn đề chưa bao giờ là làm thế nào để giữ được số tiền mình có, mà là làm thế nào để có thêm tiền khi mình cần.
Ai rồi cũng có lúc phải hết tiền. Người nào không biết mở miệng ra hỏi xin tiền sẽ gặp bất lợi lớn.
Nhà đầu tư có thích người tiết kiệm giỏi không?
Một huyền thoại đầu tư từng nói: Ai cũng có thể giỏi cắt giảm chi phí và tiết kiệm tiền. Trong kinh doanh, những người bán hàng chỉ có thể được coi là xuất sắc khi họ giúp công ty tăng trưởng doanh thu.
Việc một nhà đầu tư có bao nhiêu tiền chẳng quan trọng, vì đằng nào họ cũng không hứng thú với việc bảo đảm an toàn. Họ muốn có lợi nhuận đều đặn trong khi giữ nguyên cơ sở vốn. Do đó, họ sẽ chọn cách đưa tiền cho những người biết kiếm thêm tiền.
Một khi những người biết kiếm thêm tiền đã được lựa chọn, làm gì còn cơ hội nào cho những người chỉ biết giữ những gì mình có?
Người giỏi giữ tiền thường gặp phải một vấn đề: họ sẽ áp đặt tư duy đó lên đối tác làm ăn với mình. Họ sẽ không dám hỏi xin đối tác tiền vì nghĩ: "Nếu là đối tác, mình cũng sẽ không đưa tiền cho mình".
Nhà đầu tư có thích những người giỏi tiết kiệm tiền không? Điều chúng ta thực sự nên hỏi là: "Tại sao phải đưa hàng triệu USD cho những người không thể giúp công ty tăng trưởng doanh thu, hoặc không biết khiến 'tiền đẻ ra tiền'?".
Tại sao người thường lại chọn tiết kiệm?
Câu trả lời nằm gọn trong 2 chữ: an toàn. Họ không muốn trải qua cảm giác "lên voi xuống chó" thường thấy trong thế giới tài chính. Họ chọn cách quản lý tiền tầm thường nhất để tránh cái cảnh "ăn hoặc bị ăn".
Thế giới tài chính nằm trong một trạng thái cân bằng động. Đôi khi, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng những thứ mình có bây giờ vốn dĩ vẫn luôn tồn tại như thế. Chẳng hạn, nhiều người cứ nghĩ smartphone đã xuất hiện hơn 100 năm. Trên thực tế, thiết bị này mới chỉ có mặt khoảng 2 thập kỷ. Thế hệ trẻ thậm chí còn chẳng thể tưởng tượng nổi cuộc sống sẽ ra sao nếu không có smartphone trong tay.
Sự thay đổi diễn ra rất nhanh trong thế giới này. Một giây trước bạn còn đang sở hữu vô vàn tài sản; một giây sau bạn có thể trở thành kẻ tay trắng. Nghĩ rằng mọi thứ luôn luôn ổn định, an toàn và bảo đảm là một ảo tưởng hết sức tai hại. Thế nhưng, những người bình thường vẫn luôn tin vào điều đó.
Bạn không thể trở nên giàu có nếu chỉ trông chờ vào việc tiết kiệm, nhưng bạn có thể kêu gọi vốn cho dự án của mình và trở thành triệu phú.
Tại sao người thường ghét hỏi xin tiền?
Lý do đơn giản nhất: Họ coi việc đó là "cầu xin".
Thật ra, có một sự khác biệt nhỏ giữa "hỏi xin" và "cầu xin". Có thể những người bình thường từng phải cầu xin tiền trong quá khứ, nên họ ghét cảm giác mà việc này mang lại.
Tuy nhiên, nếu đề ra nguyên tắc rõ ràng, bạn sẽ thấy hỏi xin tiền không phải việc gì đáng hổ thẹn.
- Bạn không hỏi xin tiền, mà bạn đang đưa ra một lời đề nghị. Không có lời đề nghị này, bạn là kẻ đi cầu xin. Có lời đề nghị này, bạn đang trình bày cho đối tác một cơ hội. Vì thế, hãy luôn đính kèm một cơ hội khi đi hỏi xin tiền.
- Nếu không nhận được câu trả lời chắc chắn trong thời hạn cụ thể, hãy rút lại lời đề nghị đó. Kể cả khi thương lượng đổ bể, bạn cũng phải ra đi trong tư thế ngẩng cao đầu.
- Hỏi xin nhiều hơn mức bạn đang cần. Như vậy, bạn sẽ tránh được cảm giác tuyệt vọng trong lúc thương lượng.
- Bạn phải tin rằng lời đề xuất của mình có giá trị hơn thứ bạn đang hỏi xin.
- Đừng giới hạn bản thân bằng việc chỉ hỏi xin 1-2 người. Hãy mở rộng phạm vi đề nghị để gia tăng cơ hội.
Những người nắm rõ những nguyên tắc này (và thực hiện chúng) chẳng bao giờ cảm thấy ngại ngùng khi đi hỏi xin tiền. Họ cũng là những người chắn chắn sẽ thành công.