Hình ảnh gây tranh cãi trong đoạn video. Ảnh: CNN
Hãng thông tấn Reuters (Anh) ngày 25/4 đưa tin đoạn video này thuộc chiến dịch trị giá 9 triệu euro (9,91 triệu USD) do tập đoàn truyền thông Armando Testa sản xuất. Bộ Du lịch và hội đồng du lịch quốc gia Italy đã khởi động chiến dịch này.
Với tiêu đề “Open to Meraviglia” (Mở ra điều kỳ diệu), chiến dịch sử dụng phiên bản thần Vệ nữ được vi tính hóa thành một nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Thần Vệ nữ vốn là biểu tượng của nghệ thuật Italy, một tuyệt tác của họa sĩ Sandro Botticelli trong thời kỳ Phục hưng.
Tuy nhiên, thần Vệ nữ được hiện đại hóa trong chiến dịch quảng bá này, trở thành một cô gái thích chụp ảnh selfie và điều khiển xe đạp qua Đấu trường La Mã. Phiên bản thần Vệ nữ này được khắc họa là một nhân vật có tầm ảnh hưởng, cô mặc váy ngắn và ăn pizza, giới thiệu một số địa điểm thu hút khách du lịch chính tại Italy.
Thần Vệ nữ trong chiến dịch “Open to Meraviglia”. Ảnh: Telegraph
Bộ trưởng Du lịch Italy Daniela Santanche đã giới thiệu chiến dịch “Open to Meraviglia” vào ngày 20/4. Bà cho biết du lịch đã phục hồi mạnh mẽ kể từ những ngày đen tối của đại dịch COVID-19 khi du lịch quốc tế bị hạn chế. Bộ trưởng Daniela Santanche chia sẻ: “Hình tượng thần Vệ nữ là biểu tượng cho sự phục hưng của ngành du lịch sau những năm khó khăn vì đại dịch”. Bộ trưởng Santanche cho biết việc miêu tả thần Vệ nữ như một người nổi tiếng trên mạng xã hội là nhằm thu hút thanh niên.
Tuy nhiên, nhà sử học nghệ thuật Tomaso Montanari gọi chiến dịch quảng bá này là "lố bịch" và lãng phí tiền bạc. Video cũng bị người dùng các nền tảng mạng xã hội tại Italy chỉ trích.
Cảnh gây tranh cãi nhất trong video là một nhóm thanh niên tươi cười dưới sân ngập nắng, uống rượu vang. Tưởng chừng đây là một hình ảnh điển hình của Italy nhưng cư dân mạng “tinh mắt” phát hiện ra đây thực chất là hình ảnh về vùng Cotar ở Slovenia, gần với biên giới Italy. Thậm chí chai rượu trên chiếc bàn mang nhãn hiệu Cotar của Slovenia.
Tập đoàn Armando Testa chưa đưa ra bình luận về vụ việc này.