Một bác sĩ thú y thuộc Trung tâm nghiên cứu và phát triển tài nguyên biển và bờ biển Thái Lan (MCRRDC) được nhìn thấy đang từ từ kéo chiếc túi nilon ra khỏi miệng một con rùa trong đoạn video vừa mới được công bố.
Mảnh nilon dài hàng chục centimet không thể phân hủy nằm trong hệ tiêu hóa của con rùa khiến nó bị táo bón. Cư dân địa phương đã phát hiện ra con rùa tội nghiệp khi nó rạt vào bờ biển Rayong, miền đông Thái Lan. Các bác sĩ thú y cho biết rằng con rùa có thể sẽ chết nếu nó không được phát hiện kịp thời.
“Rác thải nhựa mà con người thải ra môi trường bị rửa trôi xuống các đại dương và trở thành cái bẫy chết chóc đối với động vật hoang dã. Một số loài như rùa có thể nhầm lẫn nhựa dẻo là thức ăn và nuốt chúng”, một thành viên trong nhóm cứu hộ giải thích.
Sau khi loại bỏ túi nilon, con rùa biển đang dần hồi phục. Nó sẽ tiếp tục được theo dõi tại MCRRDC cho tới khi đủ khỏe mạnh để thả trở lại đại dương.
Mỗi năm, ước tính có hơn một triệu sinh vật biển chết do rác thải nhựa. Với khoảng 300 triệu tấn plastic được sản xuất hàng năm nhưng chỉ có 9% được tái chế, các nhà môi trường cảnh báo số lượng mảnh nhựa dưới biển có thể nhiều hơn cá vào năm 2050.