Người được nhắc đến chính là vua Trần Minh Tông (1314-1329), vị vua thứ 5 của nhà Trần.
Vua được sử sách khen ngợi “đem văn minh sửa sang đạo trị nước, làm rạng rỡ công nghiệp của người xưa, giữ lòng trung hậu, lo nghĩ sâu xa, trong yên ngoài phục, kỷ cương đủ bày”. Thế nhưng việc tư gia lại có tì vết đáng chê trách.
Mùa xuân năm 1328, Trần Minh Tông giết Quốc phụ thượng tể Trần Quốc Chẩn, em của Trần Anh Tông và là chú của Trần Minh Tông. Không những thế, Trần Quốc Chẩn có con gái là Huy Thánh công chúa được lập làm hoàng hậu của Trần Minh Tông.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi: "Bấy giờ, vua ở ngôi 15 năm, tuổi đã cao mà vẫn chưa lập thái tử. Cha của hoàng hậu là Quốc Chẩn giữ ý định đợi hoàng hậu có con rồi sẽ lập. Cương Đông Văn Hiến Hầu là con (có sách chép là em) của Tá Thánh thái sư Nhật Duật, muốn đánh đổ hoàng hậu để lập hoàng tử Vượng, mới đem 100 lạng vàng đút lót cho gia thần của Quốc Chẩn là Trần Phẫu, bảo nó vu cáo Quốc Chẩn âm mưu phản loạn.
Vua tin là thực, giam Quốc Chẩn ở chùa Tư Phúc rồi đem việc ấy hỏi Thiếu bảo Trần Khắc Chung. Khắc Chung cùng cánh với Văn Hiến và từng làm thầy dạy Vượng, liền trả lời: Bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó. Vua mới cấm tuyệt không cho Quốc Chẩn ăn uống, bắt phải tự tử. Bắt bớ đến hơn trăm người liên quan. Mỗi khi xử án, bị can phần nhiều đều kêu oan.
Vài năm sau, khi vợ cả, vợ lẽ tên Phẫu ghen nhau, đem chuyện Văn Hiến đút vàng tâu lên vua. Phẫu bị hạ ngục. Ngục quan Lê Duy là người cương trực, xét xử ngay ngày hôm ấy. Tên Phẫu bị lăng trì... Văn Hiến được miễn tội chết, bị giáng làm dân thường, xóa tên trong sổ hoàng tộc".
Việc Trần Minh Tông không nhận biết được mưu gian giết chết cha vợ - một tướng tài kiệt xuất, được xem là điều đáng tiếc nhất của vị vua này. Để sửa sai, vua cho lập đền thờ Trần Quốc Chẩn với tên gọi là “Đền quốc phụ” nằm bên tả ngạn sông Kinh Thầy.
Đến năm 1341, thời vua Trần Dụ Tông, vụ án Trần Quốc Chẩn được minh oan hoàn toàn. Triều đình phục chức Nhập nội Quốc phụ Thượng tể cho Trần Quốc Chẩn, trả lại phẩm giá cho người đã khuất.
Sử cũ ghi nhận Trần Quốc Chẩn không chỉ là người có tài trong việc cầm quân xung trận mà ông còn là người nổi tiếng đức độ, được các quan trong triều hết lòng nể phục. Vì vậy, cái chết oan của Trần Quốc Chẩn trở thành bài học đau xót nhất trong lịch sử 175 năm thịnh trị của nhà Trần về đào tạo và sử dụng người hiền tài.